Không tổ chức thi học sinh giỏi bậc tiểu học: Giảm áp lực, chống bệnh thành tích
- Cập nhật: Thứ hai, 29/12/2014 | 3:31:15 PM
YBĐT - “Không tổ chức thi học sinh giỏi bậc tiểu học” là một trong những nội dung của Chỉ thị số 5105/CT- BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành ngày 3/11/2014. Ngay sau khi Chỉ thị chính thức có hiệu lực thi hành, có khá nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Tuy nhiên, hầu hết các thầy cô giáo, các em học sinh và phụ huynh đều đồng tình ủng hộ.
![]() |
Một giờ học của học sinh Trường tiểu học Hồng Thái (thành phố Yên Bái)
|
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Yến - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) cho biết: Thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành khá nhiều quy định và triển khai nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm (DTHT). Tuy nhiên, hiện tượng vi phạm quy định về DTHT ở cấp tiểu học vẫn còn tồn tại đã gây áp lực với học sinh, cha mẹ học sinh, tạo bức xúc trong xã hội và giảm uy tín của ngành. Chính vì vậy, việc Bộ GD&ĐT ra Chỉ thị số 5105/CT- BGD về việc chấn chỉnh tình trạng DTHT đối với giáo dục tiểu học chính là thực hiện nghiêm Thông tư số 17/2012-BGDĐT ngày 16/5/2012 quy định về DTHT và Thông tư số 30/2014 ngày 28/8/2014 quy định về đánh giá học sinh tiểu học.
Là trường đã nhiều năm thực hiện tốt quy định của ngành nên ngay khi nhận được Chỉ thị, chúng tôi đã tổ chức quán triệt đến từng giáo viên các quy định về DTHT và nội dung đổi mới đánh giá học sinh tiểu học để mọi người hiểu rõ, làm đúng quy định; tuyên truyền, giải thích để cha mẹ học sinh nắm vững các quy định của ngành về DTHT và đổi mới đánh giá học sinh tiểu học để tạo sự đồng thuận. Với các em học sinh, trong các giờ chào cờ, nhà trường cũng dành thời gian để nói về vấn đề này- cô Yên thông tin thêm.
Thực tế, qua tìm hiểu, thời gian qua, số lượng học sinh đạt giải trong các cuộc thi như: Violympic Toán, tiếng Anh trên mạng hay các cuộc thi “Trạng nguyên nhỏ tuổi”, “Nét chữ - Nết người”, Tài năng Tin học tiểu học không chuyên hàng năm đã góp phần không nhỏ khẳng định thành tích của giáo viên và “thương hiệu” của các trường tiểu học. Do đó, mặc dù hai từ “giảm tải” luôn được đề cập nhiều trong chương trình học của các em song phong trào ôn luyện học sinh giỏi vẫn được nhiều trường quan tâm, đầu tư, nhất là đối với các trường ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn.
Các trường học cần đẩy mạnh hoạt động vui chơi để học sinh bậc tiểu học có thời gian thư giãn, giảm áp lực học tập.
Cô giáo Phạm Thị Kim Lan - Tổ trưởng Tổ chuyên môn khối 4 - 5, Trường Tiểu học Nguyễn Phúc (thành phố Yên Bái) bày tỏ: “Khi chưa có những điều chỉnh của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức thi học sinh giỏi, hàng năm, cả giáo viên và học sinh đều rất vất vả với việc ôn luyện. Hiện tại, hai cuộc thi lớn nhất của cấp tiểu học là Violympic Toán và tiếng Anh trên mạng. Hai cuộc thi này mang tính chất tự nguyện nên các em tham gia khá đông. Tuy nhiên, để có thể tiến sâu vào vòng trong và có giải thì đòi hỏi phải có sự phụ đạo, hướng dẫn của giáo viên. Do điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường và gia đình một số phụ huynh có hạn nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các em. Thường ở trường, 2 hoặc 3 em phải sử dụng chung 1 máy vi tính. Để có thể giúp các em ôn luyện, vào những ngày nghỉ hay trước và sau các tiết học, các thầy cô lại phải tranh thủ phụ đạo cho các em, mang máy tính xách tay đến lớp để các em vào giải bài trên mạng”.
Xuất phát từ những khó khăn như cô giáo Lan vừa nêu mà đây cũng chính là một trong nguyên nhân khiến cho những trường ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa chưa thể vươn kịp về thành tích dạy và học so với những trường nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Theo nhận định của phần lớn các thầy cô giáo, hầu hết các đề thi học sinh giỏi đều đòi hỏi kiến thức cao hơn rất nhiều lần so với kiến thức các em học trên lớp. Do vậy, để có thể giúp các em tự tin đi thi và có giải thì nhất định phải thành lập đội tuyển và có sự bồi dưỡng, phụ đạo của giáo viên.
Cùng với việc tổ chức ôn luyện tại trường ngoài các giờ học chính khóa, nhiều bậc phụ huynh vì quá kỳ vọng vào thành tích học tập của con đã vô tình tạo thêm nhiều áp lực, mệt mỏi cho con khi tự đứng ra tổ chức lớp học tại nhà, mời thầy cô giáo về giảng dạy, phụ đạo thêm. Điều này không chỉ khiến cho việc DTHT có điều kiện phát triển mà còn khiến cho các em không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn.
Em Nguyễn Ngọc Bảo Hoa - học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Hồng Thái (thành phố Yên Bái), 3 năm liên tiếp đạt học sinh giỏi và từng đạt giải nhì cuộc thi “Nét chữ - Nết người” chia sẻ: “Khi được các thầy cô cho biết, năm nay sẽ không còn tổ chức các kỳ thi học sinh giỏi cho học sinh bậc tiểu học, lúc đầu em cũng hơi buồn. Tuy nhiên, khi được các thầy cô, cha mẹ động viên, phân tích, em đã không còn cảm giác đó. Em vẫn tham gia thi giải Toán và tiếng Anh trên mạng nhưng không đề cao kết quả mà chỉ coi đây là một hình thức để mở mang kiến thức, tạo động lực học tập”.
Là trường đã nhiều năm có học sinh đạt giải trong các cuộc thi học sinh giỏi song ngay khi nhận được Chỉ thị 5105 của Bộ GD&ĐT, Trường Tiểu học Hồng Thái (thành phố Yên Bái) cũng đã thực hiện nghiêm. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Thái (thành phố Yên Bái) phấn khởi: “Chúng tôi cho rằng, đây là một quyết định đúng đắn của Bộ GD&ĐT. Thực tế, khi các cuộc thi học sinh giỏi được mở ra thì đương nhiên không thể không cho các em tham gia và khi đã tham gia thì phải có sự đầu tư ôn luyện của cả giáo viên và học sinh. Điều này tạo áp lực không nhỏ cho cả người dạy và người học. Cùng với những đổi mới trong cách đánh giá học sinh theo Thông tư 30, tôi tin, việc không tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến sự phát triển năng lực, phẩm chất của các em mà ngược lại còn tạo cho các em cảm giác “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Hiện tại, cùng với các trường tiểu học trong cả nước, phần lớn các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đều đã tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị 5105 tới giáo viên, phụ huynh và học sinh. Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau song với sự quyết tâm của các thầy cô giáo, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, hy vọng rằng, thông qua việc triển khai tốt Chỉ thị 5105, chất lượng giáo dục tỉnh nhà sẽ tiếp tục được nâng cao, góp phần tạo nên một nền giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
- Đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày: Hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp; nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. - Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày: Chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa. - Không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ; không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6. (Trích nội dung Chỉ thị số 5105/CT- BGDĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 3/11/2014) |
Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT - Những ngày này, đồng bào Mông huyện Văn Chấn tranh thủ thời gian nhàn rỗi cày ải đất ruộng, gieo trồng và chăm sóc những luống rau cải, làm cỏ chè, tập trung che chắn chuồng trại và chuẩn bị sẵn thức ăn cho trâu, bò để tránh đói rét, yên tâm chuẩn bị đón tết Nguyên đán của dân tộc Việt Nam.
Sáng 29-12, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam được khai mạc tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô, thủ đô Hà Nội.
![Ảnh minh họa.](https://ims.baoyenbai.com.vn/Resize_Image.aspx?ImgWd=375&IptFl=/NewsImg/12_2014/119711_28-12 thoi tiet.jpg)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày hôm nay (28/12), tại các tỉnh Bắc Bộ trong đó có thủ đô Hà Nội, mưa phùn rả rích cả ngày cộng với gió lạnh khiến rét càng trở nên sâu hơn.
TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT – Bộ GD-ĐT cho biết: “Đề thi năm 2015, đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng chắc sẽ không có gì bất ngờ đối với thí sinh vì đã có quá trình học tập bình thường trong năm học”.