Quyết liệt hơn để nghị quyết đạt hiệu quả
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/2/2015 | 9:24:33 AM
YBĐT - Tại kỳ họp thứ 8 - Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện Mù Cang Chải khoá XIX đã thông qua Nghị quyết số 22/2013/NQ-HĐND ngày 25/12/2013 về "Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Mông huyện Mù Cang Chải giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020".
Gìn giữ trang phục truyền thống dân tộc Mông là một trong những nội dung quan trọng của Đề án.
|
Có thể nói, đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng và toàn diện bởi không chỉ tác động đến văn hóa mà còn gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Đề án nhằm xây dựng và phát triển bản sắc văn hóa, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa đồng thời nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông. Qua đó tạo được sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hoá trong sự phát triển toàn diện của địa phương.
Trong giai đoạn 2013 - 2015, Đề án đã xây dựng những mục tiêu cụ hết sức cụ thể. Đó là, từng bước bổ sung thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở xã, thị trấn, khu dân cư, phấn đấu đến năm 2015 hoàn thiện xây dựng quy hoạch phát triển thiết chế văn hóa trên địa bàn toàn huyện ; phấn đấu xây dựng thêm một số nhà văn hoá cấp xã đạt 70%, nhà văn hoá thôn bản đạt 50%; giữ gìn và phát huy giá trị của di tích lịch sử cấp quốc gia nơi thành lập Đội du kích Khau Phạ và danh thắng quốc gia ruộng bậc thang; củng cố, xây dựng, phát huy nghề truyền thống như: cách làm các loại nhạc cụ, dụng cụ lao động sản xuất, các ngành nghề như trồng trọt, chăn nuôi, dệt thổ cẩm, thêu, đan, rèn… và đồ dùng sinh hoạt, văn hoá ẩm thực; giữ gìn cách thức, bí quyết chế biến rượu La Pán Tẩn phục vụ du lịch.
Đồng thời quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng từ Cao Phạ đến Hồ Bốn dọc theo tuyến quốc lộ 32, khu du lịch cộng đồng Bản Thái - thị trấn; khắc phục một số hủ tục tồn tại trong ma chay, cưới hỏi, trong sinh hoạt gia đình; xây dựng, bảo tồn 3 bản văn hoá gắn với phục vụ du lịch ruộng bậc thang: Pú Nhu (xã La Pán Tẩn); bản Dề Thàng (xã Chế Cu Nha); bản Ma Lừ Thàng (xã Dế Xu Phình); xây dựng các Đội văn nghệ. Giữ gìn trang phục, trang sức các dân tộc: quần, váy, áo, mũ, khăn, đồ trang sức của đồng bào dân tộc Mông…
Bên cạnh đó thực hiện mặc trang phục dân tộc trong các dịp lễ, tết, kỷ niệm, lễ hội, mít tinh, văn nghệ, hội thi, hội diễn, đón tiếp khách tham quan, du lịch; khuyến khích học sinh dân tộc thiểu số các xã mặc trang phục dân tộc trong các dịp hoạt động lớn của nhà trường; hàng năm tổ chức tuần văn hoá, thể thao và du lịch ruộng bậc thang vào trung tuần tháng 9 với quy mô phù hợp điều kiện thực tế và nhiều hoạt động đổi mới mang đậm bản sắc dân tộc Mông để thu hút khách du lịch.
Trên cơ sở đó, trong giai đoạn đầu thực hiện Đề án, quý III/2014 Thường trực HĐND huyện đã tổ chức giám sát việc triển khai Nghị quyết với các nội dung được đặt ra trong năm 2014 như: làm nhà văn hóa bản; thành lập đội văn nghệ bản sắc các dân tộc, đội làm nhạc cụ dân tộc; thực hiện việc mặc trang phục dân tộc đối với giáo viên, học sinh trong trường học; đổi mới việc cưới, việc tang; duy trì bảo tồn các di tích lịch sử, danh thắng cấp quốc gia; thành lập đội múa, hát dân ca Mông, múa khèn đôi, khèn đơn.
Qua giám sát thực tế, việc triển khai Đề án đã nhận được sự hưởng ứng của các tổ chức, đoàn thể, chính quyền cơ sở và nhân dân nên cơ bản đạt những kết quả tích cực. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án và xây dựng kế hoạch thực hiện. Ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho các thành viên, triển khai Đề án tới cơ sở và các địa phương cũng đã thành lập ban chỉ đạo triển khai nhiệm vụ. Bên cạnh những kết quả đạt được như: khẩn trương xây dựng nhà văn hoá bản; các trường học triển khai việc mặc trang phục truyền thống dân tộc vào sáng thứ hai hàng tuần, các ngày lễ tết; tổ chức thành công Tuần văn hóa và Du lịch Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải vào cuối tháng 9/2014; làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện duy trì, bảo tồn loài sinh vật cảnh tại xã Chế Tạo…
Vẫn còn những khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án. Đó là vẫn còn tình trạng tảo hôn (xảy ra ở xã Khao Mang, La Pán Tẩn), thách cưới cao (nhà trai ở xã Mồ Dề, nhà gái xã La Pán Tẩn); hầu hết các xã vẫn còn tình trạng khi trong nhà có người chết mổ trâu, bò chia thịt cho người phục vụ tang lễ, mới chỉ có duy nhất xã La Pán Tẩn thực hiện không chia thịt mà trả tiền cho người phục vụ; vẫn còn tình trạng xây dựng nhà ở, công trình tư nhân tại ruộng bậc thang đã được công nhận danh thắng quốc gia; việc bảo vệ, giữ gìn di tích lịch sử tượng đài Đội du kích Khau Phạ còn buông lỏng; công tác phục dựng một số nét văn hoá truyền thống gặp nhiều khó khăn về kinh phí, con người…
Để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống và triển khai đạt hiệu quả cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của Ban chỉ đạo, các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong việc cưới việc tang, kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, quan niệm lỗi thời tác động không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội và giống nòi như tảo hôn, thách cưới cao, các hủ tục trong ma chay; tiếp tục tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Di sản đối với danh thắng ruộng bậc thang đã được công nhận; tiếp tục hỗ trợ kinh phí đảm bảo triển khai hiệu quả Đề án.
Ngọc Tú
Các tin khác
Theo PGS. TS. Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, dự kiến ngày 15/3, các thí sinh bắt đầu đăng ký môn thi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015.
YBĐT – Nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân Ất Mùi 2015, sáng ngày 12/2, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà – Phó Bí thư Tỉnh ủy, cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã đến thăm, chúc tết tại huyện Trấn Yên.
YBĐT - Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, ngày 12/2, đoàn công tác của tỉnh Viêng Chăn do đồng chí Khăm Kẹo Vông Phi La - Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Viêng Chăn làm trưởng đoàn đã đến thăm và chúc tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Tháp Cái II là thôn đặc biệt khó khăn của xã Viễn Sơn (Văn Yên), nhận thức của đồng bào về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn hạn chế bởi trình độ dân trí thấp, tập quán lạc hậu… Tuy nhiên, qua gần 5 năm Dự án “Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” triển khai, nhận thức của cấp ủy, chính quyền được nâng lên, rõ nhất là công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em đã được quan tâm đúng mức.