Tết ấm tình người

  • Cập nhật: Chủ nhật, 22/2/2015 | 8:49:06 AM

YBĐT - Nhớ lại, gần thời khắc đón giao thừa năm trước, Huấn hỏi các cán bộ, học viên: Anh em có nhớ nhà không? Tất cả đồng thanh hô: Có! Vậy, anh em bảo tôi có nhớ gia đình không? Cả hội trường im phăng phắc. Huấn nói: Tôi cũng như các bạn thôi, vì công việc chúng ta phải gác niềm vui riêng, tình cảm riêng để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiều hoạt động vui chơi cho các học viên được tổ chức trong những ngày xuân.
Nhiều hoạt động vui chơi cho các học viên được tổ chức trong những ngày xuân.

Những ngày giáp tết, trời lạnh cắt da. Hẹn 8 giờ nhưng  quá hai tiếng chúng tôi mới đến được Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội tỉnh. Thấy tôi vào thăm, Giám đốc Trung tâm Lê Công Huấn ra tận cổng đón rồi vỗ vai thân mật: “Trời lạnh thế này mà nhà báo vào viết bài động viên anh em, chúng tôi cảm động lắm!”.

Câu nói của anh khiến tôi đỏ mặt, bởi so cán bộ, công chức của Trung tâm đang ngày đêm công tác tại đây, có người gắn bó tới 23 năm có lẻ thì việc tôi vượt qua chút khó khăn của thời tiết có thấm vào đâu. Sau chén trà nóng, anh Huấn thông tin nhanh: “Trung tâm hiện có 91 cán bộ, công chức, trong đó có 26 cán bộ y tế ở 4 khu là hành chính, khu A, khu B và khu C. Hiện Trung tâm đang quản lý 442 người nghiện, trong đó có 70 người nhiễm HIV”.

Nói đến người nghiện ma túy tôi chẳng lạ, nhưng để chăm sóc một người vừa nghiện ma túy vừa nhiễm HIV lại không phải người ruột thịt của mình đâu phải chuyện dễ dàng. Hơn thế mà, công việc của những cán bộ ở đây luôn cận kề hiểm nguy bởi nguy cơ bị phơi nhiễm bất kỳ lúc nào. Thấy tôi đưa ánh mắt ra những hòn đảo phía trước, hiểu ý, anh Huấn  bảo cậu lái cole chuẩn bị phương tiện chở mấy anh em ra khu A và khu B.

Sau gần 30 phút lênh đênh trên mặt hồ, người chúng tôi gặp đầu tiên là y sĩ Cao Văn Thắng, 13 năm công tác tại Trung tâm, hiện đang trực tiếp chăm sóc cho các học viên tại khu A -  khu tiếp nhận, phân loại, điều trị cắt cơn. Về công việc, nhất là thời điểm trong dịp tết, anh tâm sự : “Mới vào công tác mình cũng như một số anh em khác, cảm thấy buồn, nhất là mỗi dịp tết đến, xuân về. Trong lúc người người đi chơi xuân thì mình trực tết, chăm sóc các học viên. Nhưng khi đã xác định tính chất, đặc thù của công việc, thì đón tết ở Trung tâm giờ cũng vui như ở nhà rồi”.

Nói là vậy, chứ nhìn vào ánh mắt của Thắng, tôi hiểu và chia sẻ với tâm trạng của anh. Là người trực tiếp chăm sóc các học viên, đặc biệt là các học viên lúc mới vào Trung tâm, để cắt được cơn nghiện ma túy mỗi học viên cũng phải mất từ 15 - 20 ngày. Trong quãng thời gian đầu, họ đều có tư tưởng bỏ trốn, nhiều người vật vã, kêu gào, lăn lộn vì thiếu “thuốc”. Nếu không có lập trường vững vàng, không có tình yêu thương đối với những người lầm lỡ thì khó cán bộ nào có thể trụ lại được.

Anh kể: “Thời gian gần tết và trong tết là những ngày mà anh em chúng tôi vất vả nhất, bởi tâm lý của các học viên luôn có tư tưởng về nhà đoàn tụ với gia đình. Nhưng bằng tình yêu thương, trách nhiệm, chúng tôi luôn xem các học viên như những người bạn thực sự, cùng chia sẻ và đón tết chung nên nhiều năm nay không có học viên nào bỏ trốn trong dịp tết”. Nói xong, anh hướng tay về cán bộ trẻ Hoàng Văn Dương bảo: “Chú Dương sinh năm 1987, công tác được hai năm, có vợ con rồi nhưng năm nào cũng đón tết ở Trung tâm đấy”.

Được biết, Hoàng Văn Dương quê ở Trấn Yên, trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý giáo dục các học viên, công việc tưởng như đơn giản (dẫn đội đi tăng gia sản xuất), nhưng tính chất công việc đâu phải nhẹ nhàng. Anh tâm sự: “Để quản lý tốt các học viên, nhất là dịp giáp tết nhiều đêm mình không ngủ được, bởi tư tưởng của các học viên xao động lắm. Nhưng vì muốn giúp các học viên sớm chiến thắng bản thân, làm lại cuộc đời, mình và các cán bộ khác cũng phải cố gắng”.

Chuyện của lãnh đạo Trung tâm động viên học viên đã tiếp sức mạnh cho các học viên, Lê Công Huấn nhớ lại: “Năm ngoái, gần thời khắc đón giao thừa, mình hỏi các cán bộ, học viên: Anh em có nhớ nhà không? Tất cả đồng thanh hô: Có! Vậy anh em bảo tôi có nhớ gia đình không? Cả hội trường im phăng phắc. Mình bảo, tôi cũng như các bạn thôi, vì công việc chúng ta phải gác niềm vui riêng, gác tình cảm riêng để hoàn thành nhiệm vụ”.

Anh Huấn là vậy, còn đối với anh Bùi Văn Yên - Phó giám đốc, người gắn bó với Trung tâm từ những ngày đầu thành lập, 23 năm công tác cũng là ngần ấy năm anh ăn tết trên đảo. Anh  nhớ lại: “Dịp tết 2012, có hai học viên ngồi vật vờ, buồn không nói thành lời, cả hai học viên này đều xa nhà lần đầu và đều nghiện ma túy, nhiễm HIV. Lúc đó, bằng tình cảm của một người anh, người bạn, mình tiến gần vỗ nhẹ lên vai bảo: “Cố lên, hãy vượt khó khăn để sớm về với gia đình!”. Từ câu động viên đó, không những hai học viên yên tâm đón tết ở Trung tâm mà trong quá trình giáo dục, chữa bệnh họ luôn có ý chí vươn lên để trở thành người có ích cho xã hội”.

Tình cảm của các cán bộ Trung tâm là nguồn động viên các học viên yên tâm chữa bệnh. Học viên Lê Tiến T. (người vừa nghiện ma túy vừa bị nhiễm HIV) xúc động: “Vào Trung tâm em luôn được các cán bộ chăm sóc ân cần chu đáo, nhất là vào dịp tết. Có lần em bị sốt hơn 10 ngày, trong người bị nhiễm HIV nhưng các cán bộ luôn chăm sóc, lo thuốc thang như người nhà mà không hề xa lánh. Sau đợt cai nghiện, em hứa sẽ làm lại từ đầu để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.

Chia tay các cán bộ Trung tâm khi trời đã xế chiều, ánh nắng chiếu qua những đồi cây xuống sóng hồ tạo cảnh thật nên thơ. Con thuyền nhỏ lướt sóng đưa tôi trở lại bờ cũng là lúc cán bộ và các học viên Trung tâm người lấy củi, người rửa lá dong, người đun nước mổ lợn, chạy chương trình văn nghệ... tất cả thân thiện như trong một gia đình để chuẩn bị cho thời khắc đón năm mới.

Nhớ câu nói của lãnh đạo Trung tâm: “Nếu tết này hơn 400 học viên về ăn tết, liệu các gia đình có được yên tâm vui tết không” mà thấm thía. Những đêm giao thừa đón tết giữa mênh mông sông nước, tình người cũng được sưởi ấm trong sẻ chia, gắn kết yêu thương, trao nhau những niềm hy vọng mới.

Văn Tuấn

Các tin khác

Chiều ngày 21-2, theo tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, báo cáo từ hệ thống trực ATTP của 63 tỉnh, thành phố và các bệnh viện khu vực cho thấy, từ ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến mùng 3 Tết Ất Mùi, trên toàn quốc chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Cụ Phạm Văn Bính (người đeo kính) cùng những người cao niên ở bản Quán vui xuân cùng con cháu trong mùa xuân thứ 70 đất nước giành độc lập.

YBĐT - Ngược dốc, xuyên qua làn mây mỏng li ti là tới đỉnh dốc Đa. Từ đây nhìn xuống, đất Chiến khu Việt Hồng như bừng dậy trong sắc xuân. Đào phai, mận trắng nhẹ nhàng ẩn mình trong màu xanh của rừng trên núi Nả, núi Giằng và hòa trong sắc đỏ của cờ Tổ quốc trước mỗi ngôi nhà sàn, tạo nét chấm phá cho bức tranh làng Vần vốn thanh bình, êm ả.

YBĐT - Thực hiện chủ trương về việc vui chung một Tết Nguyên đán của tỉnh Yên Bái, năm nay đồng bào Mông huyện Trạm Tấu tiếp tục đón cái tết chung thứ 3 trong niềm hân hoan. Đón tết chung không chỉ làm cho không khí ngày xuân thêm ấm áp, mà những phong tục truyền thống của người Mông vẫn được phát huy, tết chung vui và đậm chất cổ truyền.

Đồng bào Mông Mù Cang Chải đi hội ngày xuân.
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Khi những đóa tớ dày, mận, đào bắt đầu xòe vạt áo hoa, ấy là một mùa xuân mới đang về trên đại ngàn Chế Tạo - nơi xa nhất của huyện xa nhất Mù Cang Chải. Khắp các bản làng từ Tà Dông, Pú Vá đến Nả Háng, Kể Cả, Háng Tày... đều rộn tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn chơi xuân…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục