Đôi điều về việc trao quyền thanh tra cho cơ quan bảo hiểm xã hội
- Cập nhật: Thứ sáu, 13/3/2015 | 10:21:46 AM
YBĐT - Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia về lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) cho rằng, cần trao quyền thanh tra cho cơ quan BHXH. Vấn đề này cũng đang được dư luận xã hội quan tâm bởi việc thực thi các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) là rất quan trọng, liên quan đến quyền lợi của người lao động, BHXH là xương sống của việc thực hiện chính sách an sinh xã hội…
Nhưng khi trao quyền thanh tra cho cơ quan BHXH có thực sự đúng hay không và bên cạnh đó là chuyện các doanh nghiệp vốn đã phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, nay lại thêm cơ quan BHXH thì chủ trương của Chính phủ năm 2015 là “Năm vì doanh nghiệp” có bị ảnh hưởng...
Có lẽ vấn đề này xuất phát từ thực trạng nhức nhối hiện nay là tình trạng trốn, nợ tiền BHXH, BHYT ở các doanh nghiệp. Họ - tức các chủ doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để trốn đóng BHXH, BHYT; không trốn được nữa thì… nợ với rất nhiều lý do khác nhau, trong đó căn bản vẫn là thiếu trách nhiệm với người lao động; tiền nộp phạt vi phạm quá thấp, tối đa là 30 triệu đồng nên không đủ sức răn đe; tiền lãi do chậm nộp cũng thấp, khoảng 10,5%/năm, thấp hơn cả lãi ngân hàng nên không ít chủ sử dụng lao động có quan điểm: “Sợ gì không chiếm dụng, đỡ phải quỵ lụy ông ngân hàng, làm đủ thủ tục rườm rà mà chắc gì đã được vay”. Thế là họ chẳng những không sợ mà còn cố ý trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT.
Theo số liệu thống kê, hết năm 2014, các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước nợ 7.000 tỷ đồng tiền BHXH và ngành BHXH đã khởi kiện 5.832 doanh nghiệp. Tại Yên Bái, tình trạng không quá trầm trọng nhưng số tiền nợ đọng BHXH, BHYT chiếm gần 4% số tiền phải thu, lên tới cả chục tỷ đồng.
Yên Bái có khoảng 1.000 doanh nghiệp nhưng 1/3 trong số ấy có tham gia BHXH. Với nguyên tắc có đóng, có hưởng và không đóng, đương nhiên không hưởng mà Luật BHXH đã quy định thì hàng triệu lao động trong cả nước, hàng nghìn lao động trong tỉnh không được bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình. Không ít người lao động gắn bó thời gian dài với doanh nghiệp nợ đọng BHXH, suốt quá trình lao động không được hưởng các chế độ, ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng… và đến tuổi nghỉ hưu vẫn phải chờ được giải quyết chế độ. Khi số nợ chưa được giải quyết thì số tiền, số doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT luôn có nguy cơ tăng và đặc biệt là cơ quan BHXH vẫn chỉ áp dụng những biện pháp như: tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra, cao nhất là khởi kiện ra tòa. ở hình thức cao nhất, nguyên đơn luôn giành phần thắng nhưng đôi khi cũng thật trớ trêu, phía thắng kiện cũng chỉ nhận được phần thắng mà tòa án gửi đến chứ mục tiêu chính là đòi được số tiền nợ đọng thì vẫn không!
Luật BHXH sửa đổi vừa được thông qua trao quyền cho cơ quan BHXH được kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT đồng thời xử lý vi phạm hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý vi phạm. Cơ quan BHXH cũng được quyền công khai trên phương tiện truyền thông những doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH… Những quy định kể trên khi đi vào cuộc sống sẽ phần nào hạn chế tình trạng doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH, BHYT. Khi Luật BHXH sửa đổi ra đời, nhiều ý kiến cho rằng, trao quyền thanh tra cho một đơn vị không phải là cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vốn đã phải tiếp đón quá nhiều đoàn thanh tra, nay thêm thanh tra BHXH nữa có nên không; có phù hợp với chủ trương “Năm vì doanh nghiệp” của Chính phủ hay không; có “phình” biên chế hay không…
Từ những ý kiến đó cho thấy, chúng ta cần phải có những giải pháp “mạnh tay” hơn đối với những doanh nghiệp trốn, chậm đóng BHXH; cần tăng nặng hình thức xử phạt, tăng lãi chậm nộp để răn đe và hạn chế tình trạng chiếm dụng BHXH. Việc trao quyền thanh tra cho BHXH là cần thiết nhưng nhất thiết không cho tăng biên chế, đặc biệt việc thanh tra phải có quy trình ngắn gọn, chỉ thanh tra đối với những đơn vị, doanh nghiệp có biểu hiện vi phạm rõ ràng, đã thông báo, nhắc nhở nhiều lần… để tránh hiện tượng có quyền trong tay, được pháp luật bảo hộ… gây phiền nhiễu cho doanh nghiệp hoặc làm mất quá nhiều thời gian của doanh nghiệp.
Mọi giải pháp, mọi hành động nếu xuất phát vì mục tiêu con người, vì sự tiến bộ, cụ thể ở đây là vì quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, hơn nữa là vì vấn đề an sinh xã hội… thì rất cần được sự ủng hộ.
Lê Phiên
Các tin khác
YBÑT - Những năm qua, công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) đã được các địa phương, doanh nghiệp, cán bộ, người lao động và nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng. Nhiều biện pháp bảo đảm an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc, PCCN đã được đề ra.
Bộ Giáo dục -Đào tạo (GD&ĐT) liên tục có những điều chỉnh về quy chế trong kỳ thi THPT Quốc gia nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chuyển Trường Trung học Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin I từ Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam về Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam quản lý.
YBĐT - Nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, Đảng ủy Quân sự tỉnh đã tập trung chỉ đạo, xây dựng lực lượng DQTV với phương châm vững mạnh, rộng khắp.