Người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích
- Cập nhật: Thứ tư, 25/3/2015 | 2:20:19 PM
YBĐT - Ngày 19/6/2014, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, theo đó, Luật chính thức cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Điều 94 quy định, việc xác định cha, mẹ trong trường hợp nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”.
Điều 95 quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây: có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây: là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Nhằm bảo đảm tính khả thi và quy định cụ thể hơn, Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Điều 97 quy định về quyền, nghĩa vụ của bên mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, theo đó, người mang thai hộ, chồng của người mang thai hộ có quyền, nghĩa vụ như: cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và chăm sóc, nuôi dưỡng con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ; phải giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường, dị tật của bào thai theo quy định của Bộ Y tế.
Người mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ. Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì người mang thai hộ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày. Việc sinh con do mang thai hộ không tính vào số con theo chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Bên mang thai hộ có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ thực hiện việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Trong trường hợp vì lý do tính mạng, sức khỏe của mình hoặc sự phát triển của thai nhi, người mang thai hộ có quyền quyết định về số lượng bào thai, việc tiếp tục hay không tiếp tục mang thai phù hợp với quy định của pháp luật về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ nhận con.
Điều 98 quy định về quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Cụ thể, bên nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế. Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi. Bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con.
Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ. Giữa con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình bên nhờ mang thai hộ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan. Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.
Điều 99 quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ. Trong trường hợp chưa giao đứa trẻ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ; nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Bộ luật Dân sự.
Hiện nay, Chính phủ quy định 3 cơ sở khám, chữa bệnh có đủ điều kiện thực hiện ngay kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đó là: Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh).
Hoàng Anh (Sở Tư pháp)
Các tin khác
YBĐT -Với chủ đề “Công trình thanh niên chào mừng đại hội Đảng các cấp”, các chương trình và hoạt động Tháng Thanh niên năm 2015 đã bắt đầu bằng Lễ khởi động “Tháng Thanh niên năm 2015” tại xã Khánh Thiện, huyện Lục Yên. Tại đây, Tỉnh đoàn Yên Bái đã tổ chức phát động cuộc thi viết “Đảng, Tổ quốc, quê hương tôi”. Với nội dung “Tuổi trẻ Yên Bái tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”, Tháng Thanh niên năm 2015 có ý nghĩa quan trọng không chỉ với tuổi trẻ mà còn đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội.
YBĐT - Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Yên Bái, công tác Đoàn tham gia xây dựng Đảng và phát triển Đảng trong thanh niên đã có bước chuyển biến tích cực.
YBĐT - 5 năm qua, ngành giáo dục-đào tạo Yên Bái đã coi đổi mới phương pháp dạy học là nội dung chủ yếu của phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”.
YBĐT - Làm nhiệm vụ giáo dục - đào tạo trên địa bàn có tới 98% dân số là người dân tộc Mông, các thôn, bản cách xa trung tâm xã, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, những năm gần đây, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) xã Trạm Tấu (Trạm Tấu) luôn được các cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học, cùng sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên, nhà trường, sự giúp đỡ của chính quyền và người dân đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của bà con về việc học của con em mình.