3 giai đoạn điều chỉnh giá dịch vụ y tế
- Cập nhật: Thứ tư, 15/4/2015 | 2:30:31 PM
Đó là thông tin được Thạc sỹ Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tổ chức ngày 14/4.
Phó giáo sư, tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh-Bộ Y tế cho biết, việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ giúp người bệnh, người có thẻ BHYT được thụ hưởng đúng, đủ các chất lượng dịch vụ trong ngành y tế nói chung và các bệnh viện nói riêng.
Đồng thời, việc này còn khuyến khích các bệnh viện công vay vốn, thực hiện xã hội hóa để đầu tư cho bệnh viện; giá bệnh viện công và tư tương đương sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho y tế, tạo cạnh tranh bình đẳng về giá giữa các thành phần kinh tế trong khám chữa bệnh (KCB).
Mặt khác, khi được tính đúng, tính đủ, các yếu tố như tuyển dụng và quản lý nhân lực, đầu tư trang thiết bị, triển khai các dịch vụ,… sẽ theo đúng chất lượng, quy chuẩn do Bộ Y tế quy định. Khi đó, giá dịch vụ của các bệnh viện công, bệnh viện tư sẽ tương đương nhau, các bệnh viện muốn thu hút người KCB buộc phải nâng cao chất lượng dịch vụ của mình.
Theo ông Khuê, việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế sẽ giúp ngành Y tế có nguồn kinh phí để đẩy nhanh tiến độ triển khai các giải pháp giảm tải bệnh viện như xây dung bệnh viện vệ tinh, triển khai mô hình bác sỹ gia đình, đưa bác sỹ trẻ về công tác tại các vùng sâu, vùng xa,…
3 giai đoạn điều chỉnh giá dịch vụ y tế
Thạc sỹ Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, một số giá dịch vụ y tế mới chỉ được tính 3 trong tổng số 7 yếu tố chi phí trực tiếp, tức là chưa được tính đúng, tính đủ. Do vậy, Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 đã quy định lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế với 3 giai đoạn.
Giai đoạn gần nhất là đến năm 2016, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định).
Đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định).
Đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định. Như vậy, trong năm nay, giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh, tính đủ chi phí tiền lương và chi phí trực tiếp.
Khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế với nguyên tắc là tính đủ chi phí trực tiếp vào tiền lương, quyền lợi của người bệnh sẽ được nâng lên. Hiện nay, giá dịch vụ y tế của các tỉnh đang quy định ở mức 60-80% của các chi phí trực tiếp, do đó giá dịch vụ chưa đủ đáp ứng kinh phí trực tiếp cho các bệnh viện thực hiện các dịch vụ.
Vì vậy, các bệnh viện ở một số tỉnh được ngân sách Nhà nước ở tỉnh đó cấp bổ sung thì bệnh viện đó có thể dùng khoản ngân sách này để bù vào khoản thiếu hụt về kinh phí. Ngoài ra, các bệnh viện không bù được khoản kinh phí này, người dân phải đóng bổ sung thêm.
Do đó, khi tính giá dịch vụ y tế đã tính đủ chi phí trực tiếp, người bệnh sẽ không phải đóng những chi phí ngoài giá dịch vụ y tế hiện nay đang phải đóng.
Hơn nữa, khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, trong đó có tiền lương và khấu hao tài sản sẽ tạo điều kiện khuyến khích các bệnh viện phát triển các kỹ thuật mà trước kia do giá thấp nên những bệnh viện tuyến dưới nhiều khi có điều kiện, có khả năng nhưng vẫn không thực hiện các dịch vụ y tế, vì thế người dân muốn sử dụng những dịch vụ y tế đó phải lên các bệnh viện tuyến trên để được thụ hưởng.
Khi giá dịch vụ y tế đã được tính đúng, tính đủ và có cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế rõ ràng, thuận lợi, các bệnh viện tuyến dưới sẽ phát triển các kỹ thuật này.
Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã triển khai các giải pháp như chuyển giao đào tạo, chuyển giao các kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới và đặc biệt là triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh cho 47 bệnh viện của các tỉnh.
Việc chuyển giao các kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh ở tuyến dưới, người dân địa phương sẽ được thụ hưởng những dịch vụ đó ngay tại địa phương không phải lên những bệnh viện tuyến trên nhưng vẫn được Bảo hiểm y tế thanh toán đầy đủ. Một điểm nữa, khi giá dịch vụ y tế tính đủ tiền lương, bắt buộc bệnh viện phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để thu hút người bệnh đến...
Hơn nữa, khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ sẽ không còn tình trạng một bệnh viện hai loại giá (giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và giá khám chữa bệnh dịch vụ) như hiện nay. Đặc biệt, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tới đây sẽ không ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách, bởi khi các đối tượng này đi khám chữa bệnh đã được bảo hiểm chi trả 100% chi phí...
Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, cho biết thêm: Theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Quản lý khám chữa bệnh sẽ cùng với các cục, vụ chức năng của Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo trong hệ thống khám chữa bệnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong toàn hệ thống; ưu tiên đổi mới về nhận thức, tư duy, tư tưởng trong toàn hệ thống, lấy việc phục vụ cho người bệnh làm trung tâm, chất lượng và sự hài lòng của người bệnh làm thước đo để đánh giá thương hiệu của mỗi bệnh viện.
Do vậy, các bệnh viện phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế đã ban hành qua các văn bản và bộ tiêu chí đánh giá chất lượng của bệnh viện gồm 83 tiểu mục và hơn 1.000 chi tiết; đồng thời, những cán bộ, công nhân viên chức của bệnh viện phải thực hiện đúng chức trách của mình.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Ngày 15/4, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Yên Bái đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam (10/5/1995-10/5/2015) và tổng kết 5 năm phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” lần thứ III, giai đoạn 2010 – 2015. Tới dự có đồng chí Ngô Thị Chinh - Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Công tác Người cao tuổi tỉnh; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng 85 đại biểu xuất sắc được các huyện thị, thành phố tôn vinh trong phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”.
YBĐT - Nhiều năm qua, Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ), huyện Trạm Tấu (Yên Bái) thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện và cả 12 xã, thị trấn triển khai thực hiện kế hoạch, mục tiêu chương trình công tác DS- KHHGĐ hàng năm trên địa bàn nhằm từng bước giảm sinh và giảm sinh con thứ ba trở lên.
Những thanh niên này phải có uy tín và ảnh hưởng tích cực trong thanh thiếu nhi, xã hội; đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, kinh doanh.
Ngày 14-4, tại thành phố Huế đã diễn ra lễ khai mạc kỳ thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc lần thứ 23 năm 2015. Kỳ thi diễn ra từ ngày 13 đến ngày 19-4 với 672 sinh viên đến từ 88 trường đại học, cao đẳng trên cả nước tham gia dự thi hai môn Đại số và Giải tích.