Yên Bình: Chủ động trước mùa mưa bão
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/4/2015 | 10:54:04 AM
YênBái - YBĐT - Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, mùa mưa bão năm nay, huyện Yên Bình đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Các cấp chính quyền cần tuyên truyền, vận động người dân di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất.
|
Mùa mưa bão năm 2015, huyện xác định từng khu vực bị ảnh hưởng. Cụ thể, gió lốc kèm theo mưa lớn kéo dài gây ra lũ, ngập úng, tốc mái nhà tại các xã: Tân Nguyên, Bảo Ái, Mông Sơn, Cảm Ân, thị trấn Yên Bình, Xuân Long, Yên Thành, Phúc An, Vũ Linh, Bạch Hà, Yên Bình, Thịnh Hưng, Phú Thịnh. Mưa lớn kéo dài, gây sạt lở núi, sạt taluy và đá lăn tại các xã: Hán Đà, Phúc An, Tân Nguyên, Đại Đồng, Phú Thịnh, Vĩnh Kiên, Bạch Hà, thị trấn Thác Bà, thị trấn Yên Bình. Mưa dông kèm sấm sét thường gây nguy hiểm đến tính mạng con người và cây trồng, vật nuôi ở các xã: Tích Cốc, Tân Hương, thị trấn Thác Bà... và vùng hồ Thác Bà. Bão, lốc có thể làm chìm đắm tàu thuyền đang di chuyển trên hồ Thác Bà do không kịp tránh hoặc các tàu, thuyền đậu ở bến bãi chưa kịp bốc dỡ hàng hoá. Xác định các khu vực bị ảnh hưởng do bão, lũ, huyện đã đưa ra các giải pháp thiết thực để phòng, chống.
Ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Ngay đầu mùa mưa bão, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai; thành lập, kiện toàn tổ chức, bộ máy ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) từ huyện đến xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị có liên quan theo quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai và Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ủy viên phụ trách từng khu vực, địa bàn cụ thể, đồng thời đôn đốc kiểm tra công tác phòng, chống bão lũ tại khu vực phân công”.
Cùng với đó, huyện tăng cường tổ chức, tuyên truyền, phổ biến trực tiếp và trên hệ thống thông tin của địa phương cho nhân dân nhận thức đầy đủ về phòng tránh thiên tai, nhất là lũ quét và sạt lở đất; kiên quyết chỉ đạo, vận động những hộ dân ở khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét, ngập úng, sạt lở đất di dời đến nơi an toàn, nghiêm cấm người qua sông, suối vớt củi khi có mưa, lũ; chỉ đạo kiểm tra các phương tiện giao thông đường thủy trên hồ Thác Bà bắt buộc phải có phao cứu sinh đủ cho số người trên tàu, thuyền. Ban chỉ huy PCTT-TKCN các xã, thị trấn trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão của đơn vị, cơ sở mình quản lý và cử cán bộ phụ trách thôn. Mỗi thôn thành lập 1 tổ ứng trực, thành phần gồm: bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên, thôn đội trưởng, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh... do đồng chí bí thư chi bộ trực tiếp chỉ huy, sẵn sàng ứng trực phòng, chống lụt bão theo phương châm "4 tại chỗ". UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát thống kê, lập danh sách các hộ có nhà tạm, nhà yếu và yêu cầu các hộ ký cam kết chằng chống nhà ở trước mùa mưa bão; hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, bảo đảm hiệu quả (trong mùa mưa bão nếu hộ nào bị đổ nhà, tốc mái do lỗi chủ quan chưa chằng chống nhà cửa thì chủ tịch UBND xã, thị trấn đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện về hậu quả xảy ra); thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng (tivi, đài, báo...) về tình hình mưa, bão để thông báo cho nhân dân bằng hình thức trực tiếp hoặc qua hệ thống loa phát thanh của thôn, xã; đồng thời chủ động triển khai phương án phòng, chống; khi có mưa bão xảy ra và chỉ đạo của cấp trên, phải triển khai ngay các nội dung, chỉ thị, công điện tới nhân dân, chủ động điều động nhân lực, phương tiện để ứng cứu kịp thời.
Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường công tác quản lý các công trình xây dựng cơ bản về phòng, chống lụt bão. Các công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng đang thi công cần bố trí tiến độ thi công hợp lý, có kế hoạch bảo vệ máy móc, vật tư thiết bị để bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Đối với các công trình đang khai thác, nhất là các hồ chứa nước lớn như: Thác Bà, Gò Cao (thị trấn Thác Bà), Khe Hoài, Thống Nhất (xã Tích Cốc), Gốc Nhội (xã Xuân Lai), Lang Luồn (xã Vũ Linh)… phải thường xuyên có người trực theo dõi, sẵn sàng tham gia chống lũ cũng như có phương án xử lý để bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân vùng thượng, hạ lưu. Huyện đã ký hợp đồng với các chủ phương tiện, tàu, thuyền máy, máy xúc, máy ủi, ô tô và Sư đoàn 355… huy động nhân lực, vật lực khi có thiên tai xảy ra.
Với kế hoạch và giải pháp trên, Yên Bình hy vọng sẽ hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.
Hồng Duyên
Các tin khác
Sáng 15-4, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam (NBVN) tổ chức họp báo giới thiệu Chương trình kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội NBVN (21-4-1950 - 21-4-2015).
Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa mới được xây dựng theo hướng coi trọng dạy người với dạy chữ.
YBĐT - Trong những năm qua, có rất nhiều đối tượng thụ hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp BHXH hàng tháng gặp khó khăn khi đi khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) do thông tin trên giấy tờ tùy thân như: chứng minh thư nhân dân, thẻ hội viên, thẻ đảng viên... không khớp với thông tin trên thẻ BHYT.
YBĐT - Sau gần 5 năm thực hiện Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 – 2015, đến nay, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) đã có 31 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi với tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 99,2%. Để duy trì và giữ vững kết quả đã đạt được, huyện Văn Chấn đã có nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên.