Giải pháp phòng, chống oan, sai trong xét xử các vụ án hình sự

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/4/2015 | 2:55:09 PM

YênBái - YBĐT - Nhằm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) “của dân, do dân, vì dân”, ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49 về Chiến lược cải cách tư pháp (CLCCTP) đến năm 2020; tiếp đó là các kết luận số 79, số 92 cụ thể hóa và bổ sung quan điểm của Đảng về CLCCTP, về phân công và kiểm soát quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện các quyền “lập pháp; hành pháp; tư pháp”.

Phạm nhân Trại tạm giam Công an tỉnh sau giờ lao động.
Phạm nhân Trại tạm giam Công an tỉnh sau giờ lao động.

Theo đó, Đảng ta xác định, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của CLCCTP xoay xung quanh cải cách, xác định chính xác tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án; lấy tòa án là trung tâm của hệ thống các cơ quan tư pháp; xét xử là hoạt động trọng tâm của cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng, tranh tụng tại các phiên tòa là khâu đột phá của hoạt động tư pháp.

Việc thể chế hóa quan điểm, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 đã quy định đổi mới toàn diện tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của nước nhà xác định “tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (Điều 102 Hiến pháp năm 2013 và Điều 2 Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án có rất nhiều giải pháp, trong đó, nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là một trong những giải pháp hữu hiệu, là yêu cầu khách quan mà thực tiễn đặt ra đối với hệ thống TAND nhằm khắc phục và phòng, chống oan, sai trong xét xử các vụ án hình sự; đặc biệt, để TAND thực sự đáp ứng được sự mong đợi của Đảng và Nhà nước, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…

Nguyên tắc tranh tụng trong phiên tòa hình sự là tranh luận giữa bên buộc tội (viện kiểm sát) với bên bị buộc tội là bị cáo và luật sư, những người tham gia tố tụng khác có lợi ích khác nhau theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự mà ở đó, tòa án (hội đồng xét xử) (HĐXX) đóng vai trò trọng tài, có địa vị pháp lý độc lập, có nhiệm vụ điều khiển, phân xử để xác định sự thật khách quan và ra phán quyết theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết số 49/BCT ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về CLCCTP đến năm 2020 xác định rõ mục tiêu: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam XHCN; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”. Trong Điều 103 Khoản 5 Hiến pháp năm 2013 quy định: “… Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo” và trong Luật Tổ chức TAND năm 2014 cũng quy định bảo đảm tranh tụng trong xét xử tại Điều 13: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử. Việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo quy định của Luật Tố tụng”.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, chủ thể của tranh tụng trong xét xử vụ án hình sự bao gồm: kiểm sát viên thực hành quyền công tố; bị cáo; luật sư bào chữa; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ… Như vậy, chủ thể của tranh tụng là các bên có quyền và lợi ích khác nhau có quyền bình đẳng đưa ra chứng cứ, đề xuất yêu cầu… để chứng minh mà ở đó, HĐXX giữ vai trò trọng tài, độc lập, để nghe, đánh giá chứng cứ một cách khách quan và ra phán quyết theo pháp luật.

Song, trên thực tế, nhiều HĐXX còn nhầm lẫn vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tòa án dẫn đến sa vào việc tranh tụng, thậm chí tranh cãi với luật sư, bị cáo, những người tham gia tố tụng và hậu quả khiến tòa án từ chỗ là người điều khiển tranh tụng (trọng tài) trở thành chủ thể của tranh tụng hoặc ra sức “bảo vệ cáo trạng của viện kiểm sát” làm cho vụ án xét xử thiếu khách quan, không công bằng, trái với quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp.

Vì vậy, để bảo đảm phòng, chống oan, sai trong xét xử các vụ án hình sự và đúng với mục đích của việc tranh tụng tại tòa, HĐXX bằng các thủ tục tiến hành cuộc điều tra công khai xác định sự thật khách quan của vụ án, góp phần giảm thiểu tình trạng ép cung, bức cung, nhục hình dẫn đến oan, sai. Đặc biệt, tòa án phải bảo đảm cho các chủ thể của tranh tụng được đưa ra chứng cứ, đề xuất yêu cầu, tranh luận, đối đáp một cách khách quan, dân chủ, công bằng…; trên cơ sở đó, xem xét khách quan, toàn diện chứng cứ thu thập và kiểm tra công khai tại phiên tòa để ra bản án, quyết định đúng pháp luật bảo đảm mục đích cuối cùng là bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân…

Như vậy, tranh tụng phải được hình thành ngay từ phần thủ tục bắt đầu phiên tòa nên nếu HĐXX không chú ý hoặc điều hành không đầy đủ phần thủ tục, thì hệ quả của việc oan, sai của phần tiếp theo sẽ là điều khó tránh khỏi. Xin đơn cử, nếu như bị cáo, luật sư yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, đưa vật chứng ra xem xét tại phiên tòa mà họ cho rằng điều đó là cần thiết nhưng kiểm sát viên lại cho rằng, tất cả chứng cứ đã đầy đủ, không cần thiết phải triệu tập thêm mà HĐXX chấp nhận ngay ý kiến của kiểm sát viên thì rất dễ dẫn đến oan, sai.

Là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, bảo vệ Đảng, chế độ, bảo vệ phẩm giá con người, các quyền cơ bản của công dân, bảo vệ công lý, việc tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án hình sự theo yêu cầu cải cách tư pháp, không ngừng nâng cao chất lượng tranh tụng để xác định sự thật khách quan của từng vụ án là yêu cầu bức thiết mà thực tiễn đặt ra đối với hệ thống tòa án, mỗi HĐXX, từng thẩm phán. Đó là giải pháp hữu hiệu bảo đảm các phán quyết của TAND khách quan, công bằng, đúng pháp luật, phòng, chống oan, sai trong xét xử và giải quyết các vụ án hình sự.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Nhà nước cần sửa đổi Bộ Luật Hình sự theo hướng thiết kế lại trình tự, thủ tục xét hỏi, tranh luận, tranh tụng bình đẳng giữa các bên; ngoài ra, cần mở rộng phạm vi tham gia tố tụng của luật sư, người bào chữa cho bị can, bị cáo, người bảo vệ quyền lợi của đương sự… để họ có thể tham gia tố tụng ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bảo đảm sự bình đẳng với bên buộc tội cũng như quá trình điều tra, xác minh, thu thập, đánh giá chứng cứ thực sự khách quan và có ý nghĩa khi các bên tham gia tranh tụng công khai tại phiên tòa.

P.V Xây dựng Đảng - Nội chính

Các tin khác

YBĐT - Sáng 22/4, Văn phòng đại diện Marie Stopes International (MSI) tại Việt Nam phối hợp với Sở Y tế tỉnh Yên Bái tổ chức khai trương mô hình nhượng quyền xã hội (NQXH) “Tình chị em” tại Trạm Y tế xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái.

Trẻ tiêm vắcxin.

Ngày 22/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết qua kết quả giám sát dịch bệnh trong cả nước, hiện nay vẫn ghi nhận các trường hợp trẻ em mắc bệnh ho gà khi mới 2-4 tháng tuổi và một số trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm khác.

Tối 21-4, tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, Bộ Y tế long trọng tổ chức chương trình "Con đường thuốc Việt". Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dự.

Ngày hội đọc sách thu hút đông đảo học sinh đến tham quan, tìm những cuốn sách yêu thích.

YBĐT - Trong thời buổi số hóa với tốc độ phát triển “chóng mặt” của công nghệ thông tin làm cho việc tìm kiếm thông tin nhanh trở nên dễ dàng và đơn giản đã tác động không nhỏ đến cách sống và lối suy nghĩ của nhiều người, trong đó có sự thay đổi về thói quen đọc sách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục