Sắp có Bộ dữ liệu về giảm nghèo đa chiều
- Cập nhật: Thứ hai, 4/5/2015 | 7:40:28 AM
Chuẩn nghèo mới được xem xét dựa trên 5 chiều gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin.
Nhu cầu cơ bản của người dân là: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin.
|
Khác với việc xác định chuẩn nghèo chỉ dựa theo thu nhập, tới đây, chuẩn nghèo mới được xem xét dựa trên 5 chiều gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin. Chuẩn nghèo mới sẽ không chỉ tác động đến người nghèo mà sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho từng địa phương, khu vực. Đây sẽ là bước ngoặt trong việc thay đổi chính sách giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội trong những giai đoạn tiếp theo.
Phóng viên báo chí đã có cuộc phỏng vấn ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng - Chánh văn phòng Giảm nghèo quốc gia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về vấn đề này.
PV: Thưa ông, đến khi nào phương pháp đo lường nghèo đa chiều sẽ được thực hiện và phương pháp này liệu có gây thêm áp lực về nguồn lực đối với công tác giảm nghèo hay không?
Ông Ngô Trường Thi: Việc chuyển đổi phương pháp tiếp cận nghèo từ đơn chiều sang đa chiều được chỉ đạo trong Nghị quyết 76 của Quốc hội về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và cũng là chỉ đạo của Chính phủ nhằm làm sao tác động tốt hơn, toàn diện hơn đến người nghèo.
Hiện nay chúng tôi đang xây dựng và hoàn thiện Đề án cũng xác định mọi cái mới phải có lộ trình, không thể nào áp dụng nguyên kinh nghiệm của các nước, cũng không thể đốt cháy giai đoạn mà phải có bước chuyển, đặc biệt là phải phù hợp với khả năng ngân sách cũng như phù hợp với mặt bằng chính sách hiện nay.
Theo lộ trình, Thủ tướng Chính đã giao cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các Bộ, ngành để trình Thủ tướng trước tháng 6/2015. Trên cơ sở được phê duyệt, chúng tôi sẽ triển khai hướng dẫn các địa phương tổ chức điều tra để cuối năm nay sẽ có một Bộ dữ liệu đầy đủ về nghèo, không chỉ là vấn đề thu nhập mà còn là khả nâng tiếp cận các nhu cầu sống cơ bản của người dân.
Hiện nay, chúng tôi đã xác định được 5 nhu cầu cơ bản của người dân trong xây dựng Bộ dữ liệu này, đó là: Nhu cầu về tiếp cận y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin.
Chúng tôi cho rằng, thông tin trong giai đoạn tới là nhu cầu rất quan trọng, bởi có thông tin thì người nghèo mới có thể tiếp cận các chính sách được. Đồng thời, chúng ta vẫn sử dụng chuẩn nghèo dựa trên thu nhập, tuy nhiên phải tiến tới về chuẩn tối thiểu để đáp ứng nhu cầu tối thiểu nhất của người dân. Và để phù hợp khả năng cân đối ngân sách, chúng tôi đang dự kiến trình Chính phủ áp dụng chuẩn nghèo chính sách, có thể thấp hơn chuẩn tối thiểu để giải quyết nhu cầu về lương thực, thực phẩm và một số nhu cầu khác nhu y tế, giáo dục, nhà ở và tiến tới năm 2020 sẽ áp dụng chuẩn mức sống tối thiểu.
PV: Vậy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong tiếp cận và thực hiện phương pháp nghèo đa chiều sẽ như thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Trường Thi: Hiện nay, chúng tôi đang thử nghiệm, bởi khi chuyển sang phương pháp đo lường mới đòi hỏi phải có một công cụ mới. Công cụ mới ở đây chúng tôi đang dự kiến như sau:
Thứ nhất là chuyển từ việc trực tiếp tổ chức điều tra sang một phần để người dân tự đăng ký và sau đó thẩm định vì đây là cách làm dân chủ nhất và sát với nhu cầu của người dân. Nếu người dân có nhu cầu đăng ký thì họ sẽ thấy trách nhiệm của mình hơn và sẽ không tạo ra sức ép về vấn đề bình xét.
Thứ hai, để xác định thu nhập, chúng tôi sử dụng các chỉ tiêu dễ nhận dạng, làm cơ sở để sau này người dân có ý kiến. Ví dụ: vấn đề nhà ở chẳng hạn. Chúng ta dùng cụm từ nhà kiên cố thì rất khó, do vậy chúng tôi chia nhỏ ra là mái nhà làm bằng vật liệu gì, tường làm bằng gì để sau này nhận dạng rất dễ.
Một bước nữa để xác định hộ nghèo là bình xét. Chúng tôi cho rằng giai đoạn đầu của giảm nghèo việc bình xét đạt kết quả, nhưng đến giai đoạn này đã tạo ra lợi ích nhóm, dòng họ dẫn đến phản ánh không chính xác. Có những người thực sự nghèo thì lại không được cộng đồng bình xét, có những người không nghèo thì lại được bình xét, bởi do chúng ta dùng hình thức biểu quyết quá bán. Vì vậy, sắp tới chúng tôi chủ trương không dùng bình xét hộ nghèo hay không nghèo, mà bằng cách họp dân và lấy ý kiến người dân để nhận dạng đặc điểm theo kê khai, theo điều tra đúng hay sai. Từ đó, căn cứ vào tiêu chí xác định đối tượng nghèo hay không nghèo.
PV: Theo ông, việc tiến hành áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều có ảnh hưởng đến tốc độ giảm nghèo của cả nước trong thời gian tới không?
Ông Ngô Trường Thi: Tôi cho rằng nó không ảnh hưởng gì đến tốc độ cả, có ảnh hưởng thì chỉ ảnh hưởng nếu chuẩn nghèo khi cập nhật CPI (tức là cập nhập chỉ số giá tiêu dùng hàng năm) trong điều kiện giá tiêu dùng biến động lớn, thì khi đó tốc độ giảm nghèo chậm lại. Còn với cách đánh giá như thế này tôi cho rằng là khách quan, đảm bảo đúng thực chất của vấn đề nghèo đói cũng như tỷ lệ nghèo ở từng địa phương.
Trong phương pháp mới, chúng tôi hạn chế việc cùng trên địa bàn, ví dụ trên một huyện nhưng nếu làm như kiểu cũ thì có những xã điều kiện tốt hơn lại có tỷ lệ nghèo cao hơn, ngược lại có xã điều kiện khó khăn hơn nhưng tỷ lệ nghèo lại thấp hơn, bởi việc đánh giá đo hoàn toàn do chủ quan. Tuy nhiên, phương pháp sắp tới này, giải quyết vấn đề không tạo ra sự chênh lệch bất hợp lý và việc đó người dân sẽ là người giám sát tốt nhất
PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo VOV)
Các tin khác
Sau cơn mưa nặng hạt chiều 3-5, một vụ lở đất đã xảy ra trên đường Triệu Việt Vương, phường 4 (Đà Lạt, Lâm Đồng) khiến một xe taxi bị chôn vùi.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Vinh Hiển, sẽ có tổng chủ biên trong việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới.
Đoàn công tác cũng đang tích cực hỗ trợ những nhóm công dân đang ở Kathmandu sớm có máy bay về Việt Nam.
YBĐT - Yên Bái có khoảng 77 nghìn CNVCLĐ. Số CNVCLĐ ở các đơn vị có tổ chức công đoàn do LĐLĐ tỉnh quản lý là 40.717 người...