Bỏ lò luyện thi - bám trường

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/5/2015 | 8:00:56 AM

YBĐT - Những đổi mới trong chương trình tuyển sinh đại học-cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2015 như không có cấu trúc đề thi, hướng dẫn ôn tập... đã khiến nhiều học sinh bỏ ý định luyện lò Hà Nội sau khi kết thúc năm học. Các sĩ tử Yên Bái đã chọn giải pháp bám trường, bám thầy cô mong có những cập nhật mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Nhiều học sinh lớp 13 (học sinh tốt nghiệp THPT năm trước chưa đỗ ĐH-CĐ) cũng đã bỏ lò luyện tìm về thầy cô trường cũ.

Lò luyện không còn "nóng"

Tháng 5, cũng là lúc sĩ tử gấp rút ôn luyện kết thúc 12 năm đèn sách để bước vào tương lai mới. Mọi năm, thời điểm này, các lò luyện thi Ở thành phố Yên Bái đã dần "nóng" lên thì nay lượng học sinh ở mức trung bình như trong năm học. Cũng như các bạn, Nguyễn Thị Như Quỳnh-lớp 12 A1, Trường THPT Lý Thường Kiệt xác định thi khối D và em cũng luyện thi tại các lớp luyện. Tuy vậy, sự thay đổi của chương trình tuyển sinh đã khiến em chuyển hướng: "Em đã xác định tập trung ôn tại các lớp luyện các môn Toán, Văn, Anh. Nhưng giờ không có cấu trúc đề thi ĐH-CĐ nên em tập trung ôn tại trường để nắm được thông tin nhanh hơn, kết hợp tham gia các lớp luyện bên ngoài để củng cố, nâng cao kiến thức. Tuy nhiên, lớp luyện ở bên ngoài cũng vắng lắm, môn đông cũng chỉ khoảng hơn 20 bạn. Các lớp luyện của thầy cô giáo ở trường thì đông hơn". Quỳnh cũng cho biết thêm, trước em cũng có ý định sau khi học xong sẽ xuống Hà Nội để ôn luyện, nhưng trước sự đổi mới này em quyết định không đi nữa.

Trên địa bàn thành phố Yên Bái có 2 loại hình lớp luyện thi ĐH-CĐ. Đó là, lớp do các thầy cô hiện đang giảng dạy tại các trường THPT dạy. Hai là, lớp do các thầy cô đã nghỉ hưu, luyện thi "có tiếng". Như mọi năm, các lò luyện thi có tiếng như của thầy T. và cô H. thì các em phải đăng kí từ rất sớm, nếu không sẽ không có cơ hội được luyện thi. Kinh nghiệm đã tạo nên một "thương hiệu" luyện thi ĐH-CĐ cho các lớp này. Tuy nhiên, sự đổi mới của kỳ thi chung đã thay đổi. Các lớp "thương hiệu" không còn "nóng" như mọi năm. Trần Khánh Toàn-lớp 12 A1, Trường THPT Lý Thường Kiệt dự định sẽ xét tuyển vào Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ: "Hàng năm, lò luyện của thầy T. đông kín, mỗi lớp phải 40-50 người và có lớp còn phải tuyển đầu vào. Thế nhưng, năm nay lớp của em chỉ khoảng hơn 20 người. Em vẫn duy trì ôn luyện ở đây nhưng vẫn bám sát chương trình ở trường để được cập nhật thông tin".

Có thể thấy, sau khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ, nhiều học sinh lớp 12 đã không còn mặn mà với các "lò luyện". Đồng thời, nhiều học sinh lớp "13" cũng tìm về với thầy cô giáo cũ để tiếp cận những đổi mới được hướng dẫn có bài bản từ Bộ. Trường hợp của Mai Phương là một thí dụ. Năm ngoái, Mai Phương thiếu 1,5 điểm để vào Trường Đại học Ngoại thương mà em rất yêu thích, nên ngay từ giữa năm 2014 em về Hà Nội ôn luyện ở lò có tiếng. Nhưng khi cập nhật được những thông tin đổi mới về kỳ thi chung quốc gia, Mai Phương đã bỏ lò luyện ở Hà Nội về Yên Bái ôn thi. Em chia sẻ: "Không có cấu trúc đề thi, nếu em cứ ở các lò luyện Hà Nội sẽ không có thông tin chính thống nên em tìm về lớp ôn của cô giáo cũ".

Bám trường, bám lớp

"Bám sát chương trình học, theo sát thầy cô để cập nhật thông tin chính thống" là "sáng kiến thi cử" mà sĩ tử truyền tai nhau. Đến tháng 7, thí sinh mới bước vào kỳ thi THPT quốc gia, nhưng sau khi hoàn thành chương trình lớp 12 theo kế hoạch, các trường THPT đã lên phương án ôn luyện cho học sinh kéo dài hết tháng 6 (khác với trước đây, thí sinh được nghỉ 1 tháng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT).

Cô Nguyễn Thị Hòa-Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh cho biết: "Nhà trường đã có kế hoạch ôn tập cho học sinh bám sát theo định hướng của Bộ. Học sinh đang gấp rút ôn luyện. Chúng tôi định hướng các em cần học theo hướng hiểu sâu, rộng để có thể phân tích, tránh học tủ, học vẹt, dành nhiều thời gian cho việc tự học vì yêu cầu đề thi năm nay có câu hỏi mở, có tính phân hóa. Đối với các môn xã hội, cần cập nhật tình hình thời sự". Đặc biệt, các trường THPT toàn tỉnh đã tổ chức thi thử theo đề thi chung của Sở GD&ĐT. Từ kết quả đó, phân loại học sinh yếu môn nào để tiếp tục bồi dưỡng. Cô Hòa cho biết thêm: theo đăng kí ban đầu của các em, nhà trường có 3 lớp ôn môn Sử, 3 lớp Địa, 4 lớp Toán, 4 lớp Văn nhưng sau khi thi thử, trường phát sinh thêm 1 lớp Toán cho các em đạt điểm chưa cao".

Em Nguyễn Hằng Nga-lớp 12A1, Trường THPT Lý Thường Kiệt cho biết: "Thầy cô là người trực tiếp dạy, nắm được điểm mạnh, điểm yếu của mình nên sẽ có hướng ôn luyện để mình đạt kết quả tốt nhất. Hơn nữa, năm nay kỳ thi có rất nhiều điểm mới, thông tin cập nhật từng ngày mà những thông tin định hướng từ nhà trường sẽ là chính xác nhất nên chúng em bám sát vào thầy cô và nhà trường thôi".

Suy nghĩ của Nga cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều sỹ tử khác. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao rất nhiều sĩ tử thôi ý định luyện lò Hà Nội, lò luyện có "tiếng" ở thành phố Yên Bái để tập trung bám trường, bám lớp. Đồng thời, đó cũng là những tác động rất tích cực của kỳ thi 2 trong 1 năm nay vừa giảm áp lực lại tiết kiệm rất lớn về  tài chính cho gia đình,  xã hội.

Thanh Ba

Các tin khác

YBĐT - Để hoạt động của HĐND xã ngày một phát huy hiệu quả, góp phần vào thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch được giao cũng như nghị quyết HĐND xã đã đề ra, tại kỳ họp cuối năm 2014, HĐND xã Yên Hưng, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã thẳng thắn rút kinh nghiệm những mặt tồn tại. Đồng thời, xây dựng nhiệm vụ năm 2015 trên tinh thần tiếp tục đổi mới hoạt động của HĐND xã theo hướng thiết thực và hiệu quả.

Ảnh chỉ có tính minh họa.

Ngày 13/5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt lịch tiêm chủng vắcxin sởi-rubella khi trẻ 18 tháng tuổi thay thế mũi tiêm vắcxin sởi nhắc lại trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm làm thí nghiệm biến nước bẩn thành nước sạch.

Trong bảng xếp hạng mới nhất của OECD - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, giáo dục Việt Nam được xếp hạng thứ 12, cao hơn cả giáo dục Anh, Mỹ.

Cán bộ chuyên trách DS/KHHGĐ xã Quang Minh  tuyên truyền, vận động đồng bào Dao không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

YBĐT - Huyện Văn Yên có 27 xã, thị trấn, trong đó có 10 xã vùng cao, vùng sâu kinh tế khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm trên 42%, giao thông không thuận lợi, dân trí thấp, hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thích đẻ con trai, đẻ nhiều con... vẫn tồn tại ở một số bộ phận người dân, gây ảnh hưởng đến lớn đến chất lượng dân số.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục