Khắc tinh của tội phạm
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/5/2015 | 9:19:35 AM
YênBái - YBĐT - “Phải luôn kiên quyết, mưu trí, dũng cảm trước tội phạm” - đó chính là phương châm sống và làm việc của Thượng tá Đinh Văn Phán - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - hình sự - kinh tế Công an huyện Trạm Tấu. Con người ấy nổi tiếng đến mức “Ở cả huyện Trạm Tấu này, tội phạm nghe tiếng anh Phán là sợ vỡ mật” - Thượng tá Đỗ Văn Thắng - Trưởng Công an huyện nhận xét.
Thượng tá Đinh Văn Phán nắm bắt thông tin từ cơ sở.
|
Chúng tôi tìm gặp Thượng tá Đinh Văn Phán giữa lúc anh vừa đi cơ sở ở xã Phình Hồ về. Nụ cười hiền hậu trên khuôn mặt dễ hoà đồng với đồng bào vùng cao nơi đây đã khiến tôi lầm tưởng anh là người Thái huyện Văn Chấn? “Ồ không! Mình là người Thái Bình, xã Minh Khai, huyện Hưng Hà chính gốc đấy” - anh nói. 36 năm công tác ở ngành công an tỉnh Yên Bái cũng chừng ấy quãng thời gian ấy anh gắn bó với mảnh đất vùng cao Trạm Tấu khó khăn, đầy gió lào và nắng nóng này. Nhớ năm 1978, sau khi qua lớp huấn luyện sơ cấp công an, Đinh Văn Phán được trên điều động về huyện Trạm Tấu với nhiệm vụ phụ trách xã Trạm Tấu.
Thời gian trôi cùng các địa bàn xã mà anh đảm nhiệm phụ trách như: Phình Hồ, Pá Lau, Túc Đán, Xà Hồ... Vì thế, từ chỗ không biết tiếng Mông, tiếng Thái, đến nay, anh đã thành thạo ngôn ngữ ở vùng này rồi biết “hầu dinh” (hút thuốc), “hầu mình” (uống cạn), “kín nặm pịa” (ăn nước của ruột non) và cả cách trồng trỉa làm nương của đồng bào để thực sự được dân tin, dân hiểu, dân bảo vệ những năm tháng ở bản. Đường đi về xã là bằng đôi chân trần, xã gần thì 2 giờ, xã xa thì nửa ngày đi bộ.
Cứ đi khắc đến, khăn mặt vắt vai, trong túi công tác có thêm gói kẹo nhỏ để làm quà cho nơi mình trú chân dọc đường. Những thôn, bản nơi anh công tác dân đã yên ổn làm ăn, định canh định cư, xây cuộc sống mới. Kẻ xấu không có chỗ truyền đạo trái pháp luật. Chính quyền xã được anh tham mưu đã tự giải quyết những vấn đề ngay tại cơ sở nhằm để xây dựng chính quyền vững mạnh.
Với cương vị là Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - hình sự - kinh tế của Công an huyện, Thượng tá Phán đã cùng anh em trong Đội bám địa bàn, sàng lọc nguồn tin phục vụ tốt cho các chuyên án được giao. Kỷ niệm đáng nhớ nhiều không kể hết. Tháng 9/2001, bà Đinh Thị Cơ, thủ quỹ một cơ quan của huyện bị mất tại nhà riêng 57 triệu đồng. Kẻ gian lợi dụng việc nhà bà Cơ vừa xây xong để đột nhập lấy cắp mà không để lại dấu vết gì tại hiện trường. Cả Đội điều tra gần 3 tuần vừa kết hợp phát động quần chúng vừa bám theo các đối tượng nghi vấn, đã bắt giữ thủ phạm chính là người hàng xóm ''tốt bụng'', thu giữ hơn 46 triệu đồng chôn trong vườn nhà, qua đó, giải tỏa tâm lý trong xóm làng, đem lại lòng tin của mọi người với lực lượng công an. Trước kia, lợi dụng địa bàn núi non hiểm trở, đây là mảnh đất lý tưởng cho các đối tượng phạm tội trồng, buôn bán, sử dụng các chất ma túy.
Hàng năm, cứ vào dịp sau tết Nguyên đán là anh lại cùng các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 138 huyện luồn rừng, vượt núi tới những địa bàn giáp ranh với huyện bạn nhằm kiểm tra tình trạng tái trồng cây thuốc phiện. Cả vài tuần sống cảnh đi bộ, nằm rừng, ăn mì tôm rồi muỗi, vắt và cả cạm bẫy tự chế rình rập..., cái vui lớn nhất đối với anh là từng năm diện tích cây thuốc phiện đã giảm dần. Đến năm 2015 này, theo số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 huyện, Trạm Tấu đã không còn bất cứ một diện tích trồng cây thuốc phiện nào nữa; số người nghiện mới không phát sinh thêm...
Kỷ niệm về phòng, chống tội phạm về ma túy được anh Phán kể lại: “Tháng 10/2004, tôi đã phối hợp cùng lực lượng chuyên ngành của tỉnh, bóc gỡ đường dây ma túy từ Thanh Hoá về Trạm Tấu, thu giữ tại chỗ 100g hêrôin. Đây là đường dây buôn bán ma túy lợi dụng việc thăm thân nhân của dòng họ người Mông giữa hai tỉnh, đã lôi kéo cả một cán bộ ở xã Pá Hu vào cuộc. Qua đấu tranh suốt một năm trời, cuối cùng, đã bắt giữ 3 đối tượng người Mông tham gia buôn bán ma túy; tiếp tục đấu tranh với các đối tượng này, Phòng PC17 đã bóc gỡ hết đường dây buôn bán chết người này ở địa bàn huyện bạn…”.
Đại úy Trần Mạnh Cường - Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - hình sự - kinh tế Công an huyện, cũng là một “học trò”, một “người em” của anh Phán trong nghiệp vụ chia sẻ tâm sự về “người anh” của mình: “Đội trưởng của chúng tôi không chỉ là một “khắc tinh” với đám tội phạm mà còn là một người chú, người anh cả của anh em đồng nghiệp trong cuộc sống hàng ngày. Những cán bộ, chiến sỹ trẻ chúng tôi luôn lấy anh làm tấm gương phấn đấu trong sự nghiệp đấu tranh với tội phạm cũng như trong ứng xử đời thường”.
Vất vả gặp nhiều nhưng chưa bao giờ Thượng tá Đinh Văn Phán lùi bước trước khó khăn. Xác định gắn cả cuộc đời mình với ngành công an nơi vùng cao khó khăn, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh khiêm nhường ngay cạnh cơ quan để tiện bước đi về khi ngày nghỉ. Những tấm bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua cơ sở… đã minh chứng thay cho lời nói ở con người kiệm lời này.
Thiên Cầm
Các tin khác
YBĐT - Tân Phượng - xã vùng cao của huyện Lục Yên (Yên Bái), là nơi cư trú của gần hai ngàn người dân tộc Dao đỏ. Cuộc sống khép kín của người Dao cùng với những phong tục tập quán vô cùng đặc sắc của họ dường như chưa thể bị phá vỡ trước những biến động rất mạnh của xã hội...
100.000 người dân được khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; 1.000 người cao tuổi được mổ mắt miễn phí, 100 trẻ em được phẫu thuật dị tật bẩm sinh… Đó là kế hoạch thực hiện trong Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng.
Cụ bà Nguyễn Thị Trù, sinh năm 1893 (122 tuổi), đang cư trú tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vừa được Hiệp hội Kỷ lục Thế giới chính thức trao bằng kỷ lục “người phụ nữ cao tuổi nhất thế giới”.
Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với một số Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu điều chỉnh mức lương cơ sở trên kết quả tạo nguồn của Bộ Tài chính.