Thiên tai và phòng, chống
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/5/2015 | 9:07:47 AM
YênBái - YBĐT - Là một tỉnh miền núi, không nằm trong tâm bão hay mắt bão nhưng Yên Bái thường xuyên phải hứng chịu hoàn lưu bão và thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Thời gian gần đây, năm nào, Yên Bái cũng bị thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.
Khu vực sạt lở đất tại thôn 4, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên vào tháng 10/2014.
|
Điển hình như trận lũ quét kinh hoàng ở xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn) và các huyện phía Tây năm 2005 đã cướp đi sinh mạng của 51 người, hàng trăm ngôi nhà, hoa màu, các công trình giao thông, trường học bị cuốn trôi; trận lũ quét, sạt lở đất xảy trong tháng 8/2006 trên địa bàn thành phố Yên Bái đã làm chết 4 người, 673 nhà dân bị sạt taluy. Ngay trong mùa mưa bão 2014 cũng có 4 người bị chết và bị thương, ước thiệt hại về kinh tế gần trăm tỷ đồng.
Vẫn biết thiên tai là một tất yếu tự nhiên, vừa nằm trong quy luật vận động của sinh thái môi trường vừa đột biến cực đoan, thất thường nhưng chúng ta vẫn có thể phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa thiệt hại của thiên tai, đòi hỏi phải hoạch định một chiến lược, kế hoạch và hành động bền bỉ, quyết liệt, nhất quán trong nhịp sống của chúng ta. Trên cơ sở chuyển biến cả về nhận thức của cộng đồng, đóng góp công sức cùng những căn cứ khoa học, kết hợp với lực lượng, phương tiện của toàn xã hội để phòng ngừa, giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần hiểu rõ bản chất của thiên tai, ảnh hưởng đối với từng người và cộng đồng. Sự chuẩn bị thường nhật để sẵn sàng đối phó với thiên tai và tiếp cận một cách khoa học để thích ứng, chế ngự hài hòa với môi trường thiên tai, chủ động hơn, hợp quy luật hơn chắc chắn sẽ hạn chế thiệt hại một cách thấp nhất. Bằng thực tế qua nhiều năm cho thấy, những thiệt hại do thiên tai ở Yên Bái thường bởi lũ quét khi có mưa to, sau hoàn lưu các cơn bão ở thượng nguồn, ngập úng do ách tắc dòng chảy, sạt lở taluy ngay và sau những ngày mưa to kéo dài hay vùng lốc xoáy xảy ra ở thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Lục Yên, Văn Yên... Do vậy, các địa phương cần căn cứ vào đó để có những quy hoạch, kế hoạch phòng, chống trước mắt và lâu dài, bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong môi trường đầy biến động do thiên tai gây ra.
Những năm qua, Yên Bái đã và đang làm khá tốt công tác rà soát, quy hoạch, kế hoạch di dời các hộ dân sống ven các bờ suối, triền núi cao có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao về định cư tại nơi an toàn. Tính từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã di dời trên 4.243 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm với tổng kinh phí trên 140 tỷ đồng. Đó là một sự nỗ lực cao của địa phương, do vậy, số người bị lũ cuốn trôi cũng như sạt lở đất đã giảm hẳn. Tuy nhiên việc quy hoạch, bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn trong công tác thu hồi đất, tái định cư, thiếu vốn đầu tư dẫn đến tiến độ chậm.
Hiện nay, vẫn còn trên 3.000 hộ dân sống và sinh hoạt trong vùng nguy hiểm tập trung ở Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ... Đó là chưa kể hàng trăm hộ dân ở thành phố Yên Bái và các thị trấn, thị tứ sống dưới các chân đồi, chân núi có taluy dương cao hàng chục mét, rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, một số địa phương, nhất là cấp xã, phường trong công tác phòng, chống thiên tai còn chủ quan, việc tuyên truyền, vận động nhân dân đối phó với thiên tai chưa thường xuyên; khá nhiều hộ dân vẫn lơ là, mất cảnh giác trước thiên tai.
Thiên tai là khắc nghiệt nhưng rõ ràng có sự phòng, chống của chúng ta chắc chắn sẽ giảm thiểu tối đa thiệt hại. Do đó, công việc cần làm trước mắt trong mùa mưa bão 2015 này là xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn sinh mạng và tài sản cho nhân dân. Các huyện, xã, phường, thôn, bản phải rà soát toàn bộ phương án đối phó với thiên tai trên địa bàn, chuẩn bị các mặt theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, lực lượng tại chỗ và vật tư tại chỗ) để chủ động đối phó với mọi tình huống; tiến hành đôn đốc và kiểm tra đến từng hộ dân để có sự chuẩn bị thiết thực, cụ thể và bổ khuyết kịp thời những hạn chế.
Về lâu dài, cần xây dựng kế hoạch, quy hoạch phòng chống xuyên suốt, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường, bảo đảm sự hài hòa giữa môi trường nhân tạo với môi trường thiên nhiên, giữ gìn đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống và hạn chế tác động xấu của thiên tai, sự biến đổi khí hậu bất lợi.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Với mục tiêu “xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, hiện đại, bảo vệ công lý”, hoạt động của TAND tỉnh nói chung và các tòa chuyên trách đã có nhiều đổi mới, chất lượng hoạt động xét xử ngày càng nâng cao.
YBĐT - Ngày 21/5, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị xét các danh hiệu thi đua tập thể và cá nhân. Đồng chí Ngô Thị Chinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.
YBĐT - Ngày 21/5, Đoàn công tác của tỉnh Lai Châu do đồng chí Tống Thanh Hải – Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến thăm, làm việc, trao đổi một số kinh nghiệm trong công quản lý nhà nước về dạy nghề và cai nghiện ma túy tại tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 08 của Thành ủy Yên Bái đã thực sự đi vào cuộc sống và trở thành tiền đề quan trọng trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và HIV/AIDS ở thành phố Yên Bái.