Trẻ em đuối nước - Bao giờ hết nỗi lo?
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/7/2015 | 2:41:26 PM
YênBái - YBĐT - Mới đầu mùa hè nhưng tình trạng đuối nước đối với trẻ em trên địa bàn tỉnh đã và đang trở thành nỗi lo của nhiều người. Những băn khoăn này hoàn toàn có căn cứ khi thời gian gần đây, tình hình trẻ em tử vong do đuối nước liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Trẻ em tìm kiếm kỹ năng, kiến thức phòng chống đuối nước qua sách báo.
|
Nỗi đau để lại
Đã qua hơn một tháng, nhưng cái chết thương tâm của em Trần Văn Hậu, sinh năm 2001 ở thôn 2, xã Mậu Đông, huyện Văn Yên vẫn làm nhói lòng người dân thôn 2. Không giấu nổi niềm xúc động, Trần Văn Lượng - bố của em Hậu bùi ngùi kể lại: Hôm đó (23/5), cháu đi chăn trâu ở bãi bồi ven sông, trên đường về gặp lũ và bị nước cuốn trôi. Mặc dù, các lực lượng cứu hộ, người dân, cùng gia đình cháu đã khẩn trương tìm kiếm, nhưng do nước sông lên cao và chảy xiết, nên đến giờ vẫn chưa tìm thấy xác”.
Trường hợp mới đây nhất là ở xã Đại Phác, em Hoàng Hữu Phước, sinh năm 2007, ở thôn Đại Thắng nghỉ hè cùng bạn bè đi tắm suối Thia đã bị chết đuối ngày 2/6/2015. Ở thôn Văn Tiên 3, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, em Đoàn Công Bằng cũng chết đuối do đi tắm thác cùng bạn bè.
Đây chỉ là ba trong số nhiều trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước xảy ra từ đầu năm đến nay. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ như: nhận thức và kiến thức phòng ngừa tai nạn thương tích của gia đình, cộng đồng và bản thân trẻ em chưa đầy đủ; trẻ em luôn hiếu động, nhu cầu được vui chơi rất lớn nhưng lại chưa ý thức được sự nguy hiểm của các địa điểm không an toàn; cha mẹ chưa quan tâm định hướng, chỉ bảo cho trẻ em một cách cụ thể; một số gia đình còn rất thờ ơ, thiếu cảnh giác, để trẻ nhỏ chơi ở khu vực nguy hiểm gần ao hồ, ngoài tầm mắt… Do đó, các vụ việc gần đây, đều xuất phát từ nguyên nhân này. Bên cạnh đó, địa hình tỉnh Yên Bái phức tạp, có nhiều sông, suối ao, hồ trong khu dân cư; nhiều điểm nguy hiểm chưa có biển cảnh báo; nhiều bến đò dân sinh không bảo đảm các điều kiện an toàn là các nguy cơ thường trực đối với trẻ em khi đi học, đi chơi.
Phòng, chống đuối nước
Theo số liệu báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh đã có 11 trẻ em tử vong do đuối nước và bằng một nửa của cả năm 2014 (21 trẻ). Đây là thực trạng đáng báo động với các cấp, ngành, các gia đình và toàn xã hội, cần quan tâm hơn nữa đến các em, nhất là trong dịp hè. Tình trạng đuối nước ở trẻ em hoàn toàn có thể phòng tránh được, nhưng trên thực tế phần lớn trẻ em hiện nay chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường nước. Nhận thức không đầy đủ, dẫn tới thiếu trách nhiệm, bất cẩn và sao nhãng của cha mẹ... trong bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, môi trường sống, học tập, sinh hoạt của trẻ tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu an toàn. Với các địa phương vùng cao thì thiếu sân chơi cho trẻ trong dịp hè. Đã có nhiều trường hợp trẻ em tử vong đáng tiếc do thiếu hiểu biết, cách xử trí tình huống…
Ông Phạm Tuấn Chung - Phó giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Để giảm thiểu tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước, hàng năm, Sở chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có tai nạn đuối nước. Công tác tuyên truyền cần phải quan tâm đẩy mạnh theo nhiều kênh, nhiều hình thức, đặc biệt là tuyên truyền cho học sinh trong nhà trường về các nguy cơ đuối nước có thể xảy ra khi đi chơi ở gần các khu vực sông, ngòi, ao hồ không an toàn; tuyên truyền cho các cha mẹ, người trông trẻ các kỹ năng đề phòng tai nạn thương tích khi chăm sóc trẻ nhỏ; loại trừ các nguy cơ có thể gây đuối nước ở tại gia đình, cộng đồng; tổ chức các chiến dịch tuyên truyền phòng chống đuối nước vào trước dịp nghỉ hè, phát huy sự tham gia của chính trẻ em vào trong hoạt động phòng chống đuối nước ở trẻ em; triển khai kế hoạch giám sát về tiêu chuẩn ngôi nhà an toàn, phòng chống đuối nước ở trẻ em; duy trì và thiết lập lại hệ thống cộng tác viên về bảo vệ chăm sóc trẻ em tại từng thôn bản, tổ dân phố để tuyên truyền, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn về phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại gia đình, cụm dân cư. Vận động nguồn lực để cấp cặp phao cứu sinh cho học sinh trẻ em vùng lũ lụt, sông ngòi có nguy cơ cao; mở các lớp dạy bơi…
Song, đến nay hiệu quả chưa cao bởi do thiếu sự quan tâm, giám sát của các cấp, của gia đình, nhiều trẻ em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước. Do đó, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, hạn chế tử vong do đuối nước ở mức thấp nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp, ngành, toàn xã hội. Đặc biệt, mỗi gia đình cần phối hợp với nhà trường để quản lý chặt chẽ con em mình.
Trần Minh
Các tin khác
Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội vừa có thông báo về kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) đợt 2 năm 2015 từ ngày 1-8 đến ngày 6-8; dự phòng ngày 7 và 8-8.
YBĐT - Chi bộ Đại đội 27, thuộc Đảng bộ phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh với nhiệm vụ chính trị trọng tâm là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ); nhiều năm qua, Chi bộ đã phát huy dân chủ trong sinh hoạt, nêu cao tinh thần đoàn kết khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo trong công tác của cán bộ, đảng viên, tạo động lực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, liên tục 5 năm liền được công nhận là chi bộ trong sạch vững mạnh (TSVM), đơn vị vững mạnh toàn diện (VMTD), được các cấp khen thưởng.
YBĐT - Quê hương Yên Bình không chỉ đổi mới, phát triển mà ngày càng trở nên bình yên. Đó là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, đặc biệt là của lực lượng Công an huyện với những chiến sỹ “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, dũng cảm, mưu trí, đấu tranh tấn công trấn áp tội phạm về trật tự xã hội.
YBĐT - Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái, khởi nguồn của dịch tiêu chảy ngày 17/6/2015 ở bản Tà Chơ, xã Kim Nọi (Mù Cang Chải) tại một gia đình tổ chức đám ma từ ngày 17 - 19/6.