Thực hiện hiệu quả Đề án 61 để “tam nông” phát triển
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/7/2015 | 5:05:15 PM
YênBái - YBĐT - Ngày 3/7, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 61 – KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Các đồng chí: Hà Thị Khiết – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban chỉ đạo Đề án 61; Vũ Văn Ninh – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Quốc Cường - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó trưởng ban Chỉ đạo Đề án 61 chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 61; lãnh đạo các ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên cả nước tại các điểm cầu.
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Phó chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo đại diện UBND tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Kết luận 61 của tỉnh; thường trực các huyện, thị, thành ủy; Hội Nông dân tỉnh.
Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 61 – KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” (gọi tắt là Đề án 61) và thực hiện Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 – 2020” (viết tắt là Quyết định 673/QĐ-TTg) trên cả nước, việc thực hiện đã đem lại hiệu quả, thiết thực. Đến nay đã có 44 tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo Đề án 61; 5 tỉnh, thành phố ban chỉ đạo Đề án 61 lồng ghép cùng với ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.
Qua thực hiện Đề án, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể về chăm lo xây dựng giai cấp nông dân được nâng lên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thường xuyên được quan tâm: các cấp hội nông dân đã tổ chức 571.402 buổi tuyên truyền cho trên 25 triệu lượt người về nội dung Đề án 61, Quyết định 673 gắn với việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (“tam nông”) và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Yên Bái, sau 5 năm thực hiện Kết luận 61 và Quyết định 673, đến nay đã có 7/9 huyện, thị, thành phố thành lập Quỹ hỗ trợ nông dân cấp huyện với nguồn vốn 6,1 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành, các doanh nghiệp mở 7.154 lớp tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông, lâm sản cho 296.622 lượt hội viên nông dân.
Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh còn tích cực chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “tam nông”. Hội nông dân các cấp từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo, thực hiện có nội dung trọng tâm, mang tính thiết thực, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của tổ chức Hội và giai cấp nông dân, phát huy vai trò, trách nhiệm chủ thể của người nông dân trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua thực hiện Kết luận 61, tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ thêm một số nội dung trong Kết luận số 61 của Ban Bí thư như: công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chăm lo lợi ích hợp pháp của hội viên và nông dân; những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện; công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xây dựng nông thôn mới…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Ban Chỉ đạo Đề án và hội nông dân các cấp đã làm được trong thời gian qua. Đồng chí cũng đề nghị: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, hội viên nông dân tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện Kết luận 61 và Quyết định 673; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình; củng cố, xây dựng các cấp hội nông dân vững mạnh, vận động nông dân tham gia xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân; thực hiện liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý); nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề và phát triển Quỹ hỗ trợ nông dân. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách để chính sách đi vào cuộc sống. Về nguồn lực thực thi các chính sách đầu tư nguồn lực vào nông nghiệp, nông thôn đã ban hành, Chính phủ sẽ hoàn thiện, bố trí trong các chương trình, mục tiêu cụ thể…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Hà Thị Khiết - Trưởng ban chỉ đạo Đề án 61 mong muốn từ những mặt được và chưa được sau 5 năm thực hiện Đề án 61 và Quyết định số 673/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đề án và hội nông dân các cấp cần rút ra được bài học kinh nghiệm, từng địa phương tổ chức nghiên cứu thực hiện hiệu quả Đề án này nhằm phát huy vai trò và sự đồng thuận của các ngành, các cấp cùng nhau đưa nông nghiệp, nông dân và nông thôn ngày càng phát triển.
Minh Huyền – Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Ngày 3/7, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 (ảnh).
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Yên Bình có 41.953 đối tượng là người dân tộc thiểu số cư trú ở các xã khó khăn trên địa bàn huyện được cấp thẻ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện đổi 437 thẻ cho các đối tượng và báo giảm 77 đối tượng.
YBĐT - Trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Yên Bái và Đảng uỷ Quân khu 2, Đảng bộ Quân sự tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, lãnh đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, đạt được kết quả quan trọng.
YBĐT - Là xã vùng cao của huyện Văn Chấn (Yên Bái), Suối Giàng có 595 hộ dân, gần 3.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống ở 8 thôn, bản. Do trình độ dân trí thấp, phong tục, tập quán lạc hậu, cộng với đặc thù là điểm thăm quan, du lịch thu hút ngày càng nhiều du khách nên việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở đây đang trở nên khó khăn.