Kiện toàn các phòng khám ngoại trú cho chương trình điều trị HIV

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/9/2015 | 1:49:44 PM

Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết Chương trình chăm sóc điều trị HIV/AIDS bắt đầu ở Việt Nam từ năm 2000; mở rộng từ năm 2005.

Thuốc ARV được đóng gói để cấp phát cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế cộng đồng quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.
Thuốc ARV được đóng gói để cấp phát cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế cộng đồng quận 8, thành phố Hồ Chí Minh.

Đến nay, có 312 cơ sở điều trị được đặt tại các tuyến, trong đó, tuyến Trung ương, quân đội là 8 cơ sở, còn lại là ở tuyến tỉnh/thành phố, tuyến huyện/thị và tuyến xã/phường. Trong số đó, có 48% cơ sở điều trị được đặt tại bệnh viện và 52% đặt tại hệ dự phòng.

Tuy nhiên, các phòng khám ngoại trú đặt tại bệnh viện chưa được coi là một khoa phòng thực sự của bệnh viện; nhân sự phần lớn là cán bộ hợp đồng, lương do dự án chi trả nên không bền vững, nhất là khi các dự án kết thúc.

Đặc biệt, chỉ có một số ít phòng khám ngoại trú vận dụng được bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV nhưng xét nghiệm cơ bản, chẩn đoán hình ảnh, điều trị nhiễm trùng cơ hội lại không được thanh toán bằng bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, hầu hết phòng khám ngoại trú đều được đặt tại khoa Truyền nhiễm nên chưa phù hợp với việc điều trị ngoại trú; còn các phòng khám ngoại trú được đặt tại Trung tâm y tế huyện thì không đủ chức năng khám chữa bệnh.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh đề nghị giao nhiệm vụ điều trị HIV/AIDS cho các cơ sở y tế, thành lập phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS tại các bệnh viện, đảm bảo bệnh nhân được điều trị liên tục. Tính đến thời điểm này, sở y tế của 41/63 tỉnh đã có văn bản chỉ đạo kiện toàn xong các nội dung trên.

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Đức Dương, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết trong bối cảnh các nguồn viện trợ quốc tế đang cắt giảm và để đạt được mục tiêu 90-90-90 do Liên hợp quốc đưa ra (90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định), Việt Nam cần đẩy mạnh chiến lược xét nghiệm tiết kiệm và hiệu quả; đưa xét nghiệm về tuyến xã/phường, xét nghiệm lưu động ở nơi tình hình dịch cao; tập trung cho nhóm có hành vi nguy cơ; sử dụng phương cách xét nghiệm bằng 3 test nhanh để khẳng định; đồng thời, mở rộng phòng xét nghiệm khẳng định tại tuyến huyện; kết nối hiệu quả giữa xét nghiệm phát hiện HIV và điều trị ARV.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần mở rộng tiêu chuẩn điều trị ARV; kiện toàn các phòng khám ngoại trú hiện có. Đối với phòng khám ngoại trú đặt tại Trung tâm y tế huyện không đủ điều kiện là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cần lên kế hoạch thành lập phòng khám ngoại trú mới tại khoa khám bệnh của bệnh viện huyện để tiếp nhận bệnh nhân mới.

Đối với phòng khám ngoại trú đặt tại bệnh viện huyện, bệnh viện cần lên kế hoạch chuyển phòng khám ngoại trú sang khoa khám bệnh cho phù hợp với qui chế; đồng thời, mở mới các phòng khám ngoại trú.

Đối với những huyện có từ 50 người nhiễm HIV còn sống trở nên thì mở mới phòng khám ngoại trú tại khoa khám bệnh của bệnh viện huyện hoặc Trung tâm y tế huyện có đủ điều kiện là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Với các huyện vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể mở mới phòng khám ngoại trú khi có từ 30 người nhiễm HIV trở lên.

Ngoài ra, sở y tế các tỉnh, thành phố làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh để tăng cường chi trả bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV, có văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.

Đồng thời, phân cấp và nâng cao năng lực cho tuyến xã/phường trong tư vấn và xét nghiệm test nhanh chẩn đoán nhiễm HIV, cấp thuốc ARV và theo dõi điều trị; xử trí các tác dụng phụ nhẹ; tăng cường tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mới; hỗ trợ chuyên môn cho tuyến xã.

Địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng với tình hình dịch; chủ động về cơ sở vật chất, nhân sự và chi trả về nhân sự; chủ động nâng cao năng lực cho tuyến huyện, tuyến xã...

(Theo TTXVN)

Các tin khác

Hồi 04 giờ ngày 14/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,7 độ vĩ Bắc; 110,6 độ kinh Đông, trên vùng biển Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách bờ biển Đà Nẵng-Quảng Ngãi khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 60 đến 75km một giờ), giật cấp 9-10.

Nữ lao công Đội vệ sinh môi trường 1 (Công ty cổ phần Môi trường và Năng Lượng Nam Thành, Yên Bái trong ca làm việc.

YBĐT - Đội Vệ sinh môi trường (VSMT) 1 thuộc Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái hiện có 65 công nhân vệ sinh. 65 con người này “quản lý” 36 tuyến đường với 40km chiều dài và phải bảo đảm mỗi ngày trước 8 giờ sáng, người dân được đi lại trên những vỉa hè, lòng đường sạch sẽ. Sau 5 giờ chiều, rác thải trong các hộ dân được thu gom chở về nơi quy định.

YBĐT - Ngày 19/6/2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật Giáo dục Quốc phòng và An ninh (GDQP&AN) số 30/2013/QH13. Ngày 28/6/2013, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 04/2013/L-CTN công bố Luật GDQP&AN;

Cán bộ thống kê khẩn trương hoàn thành việc nghiệm thu phiếu điều tra để chuyển đến Tổng cục Thống kê.

YBĐT - Đề án điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế, xã hội (ĐTTTTTVTTKTXH)của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) năm 2015 không chỉ hướng đến việc đánh giá trình độ phát triển của các DTTS so với mặt bằng chung của cả nước, mà còn đánh giá sự bình đẳng giữa các dân tộc. Ông Hoàng Trung Năng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục