Gieo chữ ở “cổng trời”
- Cập nhật: Thứ ba, 19/1/2016 | 9:59:31 AM
YBĐT - “Có công mài sắt có ngày nên kim”, vượt bao khó khăn vất vả, công sức, mồ hôi và nước mắt các thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm “gieo chữ” ở Háng Gàng đã gặt hái những thành công.
Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng tỷ lệ học sinh tại điểm trường Háng Gàng luôn đạt cao.
|
Giáp tết, tiết trời ở vùng cao Trạm Tấu lạnh như cắt. Tôi quyết định lên Háng Giàng nơi những thầy giáo, cô giáo của điểm trường Háng Gàng thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Pá Hu, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu đang ngày đêm vượt bao gian nan, vất vả bám lớp, bám trường "gieo” cái chữ, đem ánh sáng tri thức đến với con em đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Khi đặt vấn đề lên Háng Gàng nhiều người lắc đầu, kể cả những người có nhiều kinh nghiệm đi đường rừng. Anh Đoàn Đức Thuận - cán bộ phòng Giáo dục và Đào tạo huyện bảo tôi: "Háng Gàng nằm cách trung tâm xã Pá Hu hơn 21 km đường rừng. Để vào được điểm trường này có hai con đường, một là đi từ xã Pá Hu, hai đi từ đường Khấu Ly, bắt đầu từ xã Bản Mù. Dù đi đường nào đi chăng nữa thì cũng phải mất hơn 5 tiếng cuốc bộ đường rừng mới đến được”. Tôi quyết định xuất phát từ xã Pá Hu.
Tiết trời chính đông kèm theo mưa phùn càng làm cho cái lạnh ở vùng cao như "cắt da cắt thịt”. Đường đến Háng Gàng vốn đã khó đi nay lại trơn trượt do mưa phùn nên các thành viên trong đoàn không ai dám đi xe máy, dù đã trang bị xích cuốn lốp, xe win. Đúng như những lời cảnh báo từ trước, đường lên điểm trường Háng Gàng toàn dốc đá rồi đường đất.
Nhiều đoạn phải vượt 3 - 4 km ngược dốc rồi lại xuống dốc, càng nguy hiểm hơn khi một bên là vách núi dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút, sẩy chân là nguy hiểm đến tính mạng. Thầy giáo Nguyễn Thế Hợp - Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pá Hu, xã Pá Hu cùng đi kể: "Vì đường đi quá nguy hiểm lại xa nên mới có chuyện một số thầy cô giáo xin lên đây công tác nhưng khi chưa đến điểm trường thì đã vội "xuống núi vì sợ".
Tôi rệu rạo, bước cao bước thấp men theo con đường bé xíu chạy quanh từ sườn đồi này sang đồi khác. Càng đi càng thấy điểm trường Háng Gàng hun hút trong sương mù dày đặc của rừng nguyên sinh Háng Gàng. Đi được hơn 3 giờ đồng hồ, tôi hỏi thầy giáo Hợp:
- Háng Gàng còn xa nữa không thầy?
Thầy Hợp thở hổn hển, chỉ tay về trước bảo: "Đi qua 2 ngọn đồi trước mặt nữa là đến nơi nhà báo ạ!" Lòng tôi vui mừng cứ trượt dài trên dốc đứng, ngoằn ngoèo, dích dắc như "chuột chạy” để đến điểm trường Háng Gàng.
Rừng nguyên sinh Háng Gàng dày đặc sương mù, khiến bầu trời sầm sì quanh năm nhưng những tiếng đánh vần ê, a vẫn vang cả núi rừng từ điểm trường Háng Gàng vọng ra. Bởi ở đó có những thầy giáo, cô giáo không ngại khó, ngại khổ, cống hiến tuổi thanh xuân để đem ánh sáng đến với con em dân tộc Mông. Người tôi gặp đầu tiên là thầy giáo dạy bậc tiểu học Giàng A Phua. Là người bản địa, thầy Phua có thâm nên công tác gần 20 năm, trong đó có 9 năm gắn bó với điểm trường Háng Gàng này.
Sinh năm 1980 nhưng trông thầy Phua già hơn so với tuổi. Điều này chẳng có gì lạ, bởi sự khắc nghiệt của khí hậu nơi "cổng trời” này. Mùa hè nắng nóng cộng thêm gió Lào thổi làm khô cả ngọn chuối rừng, còn mùa đông lạnh buốt tưởng như thấu đến xương. Đời sống của 68 hộ dân trong bản còn nhiều khó khăn nhưng thầy Phua vẫn một lòng gắn bó với con em nơi đây. Anh bảo: "Lúc mới lên đây dạy học, khó khăn đủ bề, lớp học chỉ là túp lều nhỏ, được dựng ghép bằng ván gỗ sơ sài. Việc vận động học sinh ra lớp khó lắm”.
Điểm trường cách nhà hơn 30 km, 2 đến 3 tuần mới được về nhà một lần, trời mưa dầm có khi cả tháng không về được nhà, nhớ vợ thương con nhưng thầy Phua luôn vững vàng, kiên định. Với lòng yêu nghề, mến trẻ thầy Phua xác định: người dân nơi đây làm ăn, sinh sống được thì không có lý gì mình không mang tri thức cho bọn trẻ.
Hơn 9 năm công tác tại điểm trường này, đối với A Phua như một cuộc trường kỳ giữ lớp. Bởi ở vùng cao chỉ một đợt lạnh kéo dài hay một trận mưa đường núi sạt lở, điểm trường sẽ vắng học sinh. A Phua phải băng rừng, lội suối đến từng hộ gia đình vận động phụ huynh cho con em ra lớp. Ở Háng Gàng có nhiều chòm dân ở xa điểm trường như Chùm Tà, Trang Cáng, học sinh không thể đi về trong ngày nên phải ở lại trường cuối tuần mới về nhà. Nên ngoài dạy con chữ, A Phua như người bố thứ hai của bọn trẻ.
Anh tâm sự: "Muốn các em no cái bụng để học bài, hàng ngày mình phải dậy sớm lo cơm nước, vệ sinh cá nhân cho các em nên các bậc phụ huynh phấn khởi lắm”. Anh Giàng A Hảy phụ huynh em Giàng A Páo học sinh lớp 3 cho biết: "Nhà mình ở chòm Chùm Tà, cách điểm trường xa nên việc ăn học đều các thầy cô giáo cả, cuối tuần mình mới xuống đón cháu về nhà một lần. Học ở đây các cháu tiến bộ lắm, biết đọc, biết viết cả rồi”.
Đường lên điểm trường Háng Gàng xã Pá Hu (huyện Trạm Tấu).
Bây giờ người dân trong bản Háng Gàng xem Giàng A Phua là người con của bản, người bố thứ hai của lũ trẻ. Khi hỏi về khó khăn thầy đã trải qua, A Phua cười hiền khô bảo: "Mình là nam giới, được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao là niềm hạnh phúc. Mình chỉ thương các cô giáo dạy mầm non đang ngày qua ngày xa gia đình, xa chồng con, vượt bao khó khăn, vất vả để đến với các cháu”.
Đó là trường hợp của cô giáo trẻ Lò Thị Mạnh sinh năm 1986 ở xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ được điều động vào Háng Gàng dạy lớp mầm non. Những ngày mới đầu lên cô Mạnh đã bật khóc bởi sự trống trải của núi rừng và con đường lên bản vô cùng hiểm trở. Nhưng bằng tình yêu thương con trẻ, chia sẻ với cuộc sống của đồng bào, cô giáo Mạnh đã tận tâm mang tri thức, ánh sáng đến với học sinh vùng cao. Cùng với cô giáo Nguyễn Thu Hằng, cô Lò Thị Mạnh đang đảm nhận 1 lớp mầm non ở Háng Gàng với 37 cháu từ 3 - 5 tuổi. Không chỉ làm nhiệm vụ dạy học, các cô như người mẹ hiền thứ hai chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ của các cháu. Ở vùng thấp mỗi lớp từ 25 - 30 cháu, có cấp dưỡng chuyên lo bữa ăn cho các cháu còn vất vả. Còn ở Háng Gàng, 37 cháu, hai cô lo tất.
Cô Mạnh cho biết: "Ở đây ngoài việc dạy cho các cháu biết múa, hát, biết mặt chữ thì bọn em phải thay các bậc phụ huynh lo bữa ăn cho các cháu. Vất vả nhưng nhìn các cháu khỏe mạnh, vui tươi là thấy hạnh phúc rồi”.
"Có công mài sắt có ngày nên kim”, vượt bao khó khăn vất vả, công sức, mồ hôi và nước mắt các thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm "gieo chữ” ở Háng Gàng đã gặt hái những thành công. Nhưng có lẽ, hạnh phúc nhất đối với thầy giáo Phua, cô giáo Mạnh là giờ đây những gia đình có ý định bắt con nghỉ học ở nhà đi nương đã không còn mà thay vào đó là niềm vui thấy con biết đọc, biết viết. Và đã nhiều năm liền điểm trường Háng Gàng không có học sinh bỏ học, tỷ lệ ra lớp luôn đạt từ 98 - 100%. Đặc biệt hơn khi giờ Háng Gàng đã có những học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng như: Mùa A Seng, Mùa A Tồng, Mùa Thị Dí... Đó chính là những "sản phẩm”, những "món quà” vô giá đối với các thầy giáo, cô giáo nơi đây.
Tạm biệt điểm trường Háng Gàng nơi 33 học sinh tiểu học và 37 cháu mầm non cùng với 4 thầy cô giáo, đang chuẩn bị đón một mùa xuân mới, tôi rời Háng Gàng xuống núi với những bước chân không mệt mỏi. Tiếng đọc bài đồng thanh của học sinh ở Háng Gàng vang vọng lại phía sau. Tin rằng, một ngày không xa, Háng Gàng sẽ có đường, có điện, có một ngôi trường được xây dựng kiên cố để người dân và những người làm nhiệm vụ "gieo chữ” nơi đây vơi bớt nhọc nhằn.
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Thông qua các hoạt động thiết thực, trong năm 2015 đã có 2 nghìn hộ hội viên nông dân vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Yên Bái xuống còn 16,5%.
YBĐT - Năm 2015, Công an huyện Yên Bình đẩy mạnh phong trào “Thi đua Quyết thắng” trong toàn đơn vị, triển khai các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, gắn liền với đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” nên đã thu được những kết quả tích cực, quan trọng.
YBĐT - "Lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế gia đình làm đòn bẩy phong trào của Hội, những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Trạm Tấu đã xây dựng nhiều mô hình để tập hợp, thu hút hội viên tham gia hoạt động Hội" - đó là chia sẻ của chị Lưu Thị Quế - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện.
Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không được chủ quan với bệnh từ virus Zika bởi nước ta có bệnh sốt xuất huyết cùng với muỗi Aedes - loại muỗi truyền virus Zika.