Tết xưa miền ký ức ngọt ngào

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/2/2016 | 10:59:49 AM

YBĐT - Miền ký ức ngọt ngào, sâu thẳm ấy là cả một khoảng trời thơ vô tư, hồn nhiên trong tôi. Đó là những ngày tết của tuổi ấu thơ nghèo khó...

Tôi lớn lên khi đất nước vừa hoàn toàn thống nhất. Đó là hạnh phúc được kết tinh từ giá trị của chiến tranh và hoà bình. Nhưng khi ấy, cuộc sống còn muôn vàn khó khăn do tàn tích chiến tranh để lại. Những nẻo đường, miền quê còn nguyên bụi đất đỏ, những dòng sông, con suối vẫn lượn vòng nguyên sơ quanh những đô thị mới dựng xây, trong hương gió vẫn thơm nồng mùi khói rơm rạ...

Và tết đến là những ngày vui, hạnh phúc nhất không bao giờ quên. Thuở đó, tôi là đứa trẻ vinh hạnh có cha mẹ công tác tại các cơ quan ở thành phố. Ngày tết - tôi cũng như bao đứa trẻ cùng trang lứa chỉ có một ước mơ bé nhỏ nhưng cũng to lớn vô cùng đó là mong ước một chiếc áo mới - chiếc áo mới duy nhất trong năm và là phần thưởng của cả một năm nuôi lợn.

Tôi nhớ, những năm sau này mẹ vẫn thường kể: “Ngày ấy, một năm nuôi 2 con lợn. Tháng 9, cân một con cho cửa hàng thực phẩm, tem phiếu mua được là một chiếc nồi nấu cám lợn và vài đôi dép cao su cho các con đi học. Tết đến, cân một con, tem phiếu mua được vài cân gạo nếp, gạo tẻ và 3,5m vải phin-pha-non xanh trứng sáo để may áo cho anh em con...”. Ôi, những tính toán của thời bao cấp và chiếc áo phin xanh là cả một khoảng cao xanh của bầu trời trên đỉnh đầu tôi. Với tôi, chiếc áo phin ấy đồng hành theo tôi nhiều năm dài hết bậc tiểu học.

Đêm 30 Tết, mẹ ngồi bên ngọn đèn dầu nhưng đã khêu sáng hơn một chút so với thường ngày, kiểm tra từng nút chỉ, cúc áo để sớm mai tôi diện áo mới đi chơi. Đó cũng là ngày duy nhất trong năm tôi thấy mẹ buông thả mái tóc mềm mại, đen nhánh. Còn bố ngồi ướm chân từng đứa, để luồn từng quai dép lốp cho vừa xinh... Đêm ấy là một đêm rất dài, bởi trong lòng tôi còn bận thao thức, cái thao thức rất đỗi bình thường, dung dị nhưng nó đã ngự chiếm trong trái tim tôi đến giờ vẫn còn dồn dập - đó là sự chờ đợi một năm mới an vui. Trong tiết mưa xuân ấy, mùi hương trầm ngào ngạt quện với mùi thuốc pháo ngàn ngạt, vấn vít vào lồng ngực, cánh mũi khiến lòng tôi càng chộn rộn, cảm giác về một đêm giao thừa linh thiêng cứ dâng lên, len lỏi vào tri giác, rồi cùng âm thanh đùng, đoành dội vang từng đợt của bánh pháo đêm 30 càng nhắc nhớ chuẩn bị chia tay năm cũ đón một năm mới đến gần.

Ngày mùng 1 tết. Trời rét căm căm. Cái lạnh làm cho những hạt nước mưa dắt díu nhau chẳng muốn rơi xuống đất, chúng bám chặt lấy mái hiên, ngọn cỏ, giăng mắc trên những chiếc mạng nhện tạo thành những giọt sương long lanh, băng giá... mẹ xót xa kêu tôi mặc áo bông ra bên ngoài áo mới. Khi ấy, tôi không hề biết lạnh, chỉ  biết ngẩng mặt nhìn mưa giăng mà giận ông trời sao có thể làm trời lạnh để mẹ không cho mặc áo mới ra ngoài...

Hết ngày 3 mùng tết. Bố mẹ phải đi làm cũng là lúc tôi lăn ra ốm. Lý do thật đơn giản, vì muốn khoe áo mới với bạn bè, tôi đã giấu bố mẹ cởi áo bông ra. Trận viêm phổi nặng xảy ra. Bác sĩ bảo tôi phải tiêm mới khỏi. Bố mẹ lại phải lao đao, kiếm tìm thuốc pe-li-xi-lin, xit-tep để tiêm, mà loại thuốc đó phải nhờ vả chỗ quen biết mới xin được lệnh cấp thuốc. Khỏi bệnh, cũng là lúc tôi không thấy chiếc áo bông đen Trung Quốc của mẹ bay biến đi từ lúc nào, rồi không nhìn thấy nữa, nhưng tôi chỉ nhớ vậy chứ không bao giờ hiểu được lý do vì sao không nhìn thấy nó...

Lớn lên rồi. Tuổi thơ vuột mất lúc nào không hay. Nhiều cái tết đến rồi qua. Xóm làng bớt dần tiếng lợn kêu vì bị bắt bán cho cửa hàng thực phẩm. Lũ trẻ chúng tôi không phải ra đứng xếp hàng thay mẹ khi đi mua thực phẩm ngày tết. Áo quần đã có nhiều sắc hoa, đủ màu phong phú. Thành phố không còn tối tăm vì đã có điện sáng khắp nẻo đường, trong nhà đã có nhiều đồ đạc, thiết bị hiện đại… chiếc áo phin ngày nào chỉ còn là ảo ảnh trong miền ký ức xa xăm...

Tết nay, về ăn tết với mẹ, dựa người vào khung cửa, nhìn vào góc bếp xưa bỗng lòng trùng lại, hình bóng chiếc đèn dầu leo lét không còn ở đó, chỉ thấy tóc mẹ cha đã bạc, sợi trắng bay bay theo khói bếp chờn vờn, thấy cay xè khoé mắt... Ngoài hiên, mưa chiều vẫn còn đọng hạt, lòng thấy nao nao nhớ về khi xưa lại ước gì thời gian cứ cũ đi để tôi tìm lại tuổi ấu thơ của mình, tôi sẽ ngoan ngoãn mặc chiếc áo bông ra ngoài chiếc áo mới, để còn được thấy chiếc áo bông đen Trung Quốc mẹ khoác trên vai, rồi mẹ lại buông thả trên tóc đen óng mượt, cha sẽ ngồi kia chuẩn bị từng bánh pháo cho phút giao thừa, trên môi nở nụ cười hạnh phúc...

Tết xưa ấy mãi là miền ký ức ngọt ngào, sâu thẳm trong tôi.

Thanh Thủy

Các tin khác
Ban Chỉ huy Quân sự thị xã tặng quà, chúc tết Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Cúc.

YBĐT - Nhân dịp đón tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, thị xã Nghĩa Lộ đã thành lập các đoàn công tác đến thăm, chúc tết và tặng 354 suất quà của Thị ủy - HĐND - UBND thị xã, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn gửi đến các đối tượng chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Lãnh đạo UBND phường Yên Thịnh trao quà tết cho hộ nghèo trên địa bàn phường.

YBĐT - Chăm lo tết cho người nghèo và gia đình chính sách đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai với nhiều hình thức. Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “lá lành đùm lá rách”, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái đã và đang tập trung thực hiện tốt công tác chăm lo tết cho người già neo đơn, các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bệnh hiểm nghèo, khuyết tật… với mong muốn mọi nhà, mọi người đều được đón tết yên vui, đầm ấm.

Già làng, trưởng thôn, người có uy tín cùng lãnh đạo Chi bộ thôn Lìm Mông, xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) trao đổi kinh nghiệm sản xuất lúa 2 vụ.

YBĐT - Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là các già làng, trưởng dòng họ, cán bộ công chức nghỉ hưu… đi đầu trong các phong trào của địa phương, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương.

YBĐT - Việt Nam nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng chưa có trường hợp nhiễm vi-rút Zika, song hiển hiện nguy cơ vi-rút Zika xâm nhập. Phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Trọng Phú - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về công tác triển khai phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika gây ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục