Dự án 600 phó chủ tịch xã: 95% hoàn thành tốt nhiệm vụ
- Cập nhật: Thứ tư, 24/5/2017 | 8:35:55 AM
Sau 5 năm về xã công tác, hầu hết các đội viên dự án đã khẳng định được năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của phó chủ tịch UBND xã.
Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Dự án 600 phó chủ tịch xã của các tỉnh khu vực Tây Bắc.
|
Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo (gọi tắt là Dự án 600 Phó Chủ tịch xã) được triển khai tại 21 huyện của 5 tỉnh khu vực Tây Bắc gồm Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai và Yên Bái.
Sau 5 năm triển khai, điểm đáng ghi nhận là cấp ủy, chính quyền các tỉnh trong khu vực rất quan tâm và ủng hộ chủ trương tăng cường trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã theo mục tiêu của dự án, tạo điều kiện cho các đội viên thực hiện nhiệm vụ.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Dự án 600 phó chủ tịch xã của các tỉnh khu vực Tây Bắc tổ chức sáng 23/5 tại Lào Cai: Các tỉnh khu vực Tây Bắc đã tuyển chọn được 182 đội viên dự án, trong đó Điện Biên có 32 đội viên, Lai Châu 47, Sơn La 49, Lào Cai 34 và Yên Bái 20.
Ngay sau khi được bầu và phê chuẩn chức vụ Phó chủ tịch UBND xã, UBND các xã nơi đội viên về công tác đã họp, phân công rõ trách nhiệm cũng như thẩm quyền ký các văn bản thuộc lĩnh vực đội viên dự án phụ trách.
Theo đó, trong 5 tỉnh có 107 đội viên dự án được phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế (chiếm 58,8%), có 75 đội viên dự án được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa-xã hội (chiếm 41,2%). Trên 95% các phó cchủ tịch xã đều được đánh giá là đã hoàn thành nhiệm vụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Các đội viên dự án đã được cấp ủy, chính quyền xã trực tiếp là bí thư và chủ tịch UBND xã quan tâm, giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng tiếp cận với công việc được giao. Các tỉnh trong khu vực đã thường xuyên tổ chức kiểm tra thực hiện dự án; quan tâm, hướng dẫn đội viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, một số tỉnh tổ chức các buổi gặp mặt định kỳ hằng tháng (đối với cấp huyện) và 6 tháng (đối với cấp tỉnh) để trao đổi thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn, kiến nghị, đề xuất để kịp thời tháo gỡ.
Điển hình như tỉnh Lai Châu, Lào Cai hằng năm đều tổ chức Hội nghị đánh giá Dự án 600 phó chủ tịch xã và tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với đội viên Dự án để trao đổi tâm tư, nguyện vọng cũng như chỉ đạo để giải quyết khó khăn, vướng mắc để đội viên Dự án yên tâm công tác.
Theo ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ), sau 5 năm về xã công tác, hầu hết các đội viên dự án đã khẳng định được năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của phó chủ tịch UBND xã, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho chính quyền xã, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận.
Hầu hết các đội viên dự án hoàn thành nhiệm vụ được giao, đa số hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước; yên tâm công tác và quyết tâm gắn bó lâu dài với địa phương; được kết nạp Đảng và được cấp ủy, chính quyền quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo quản lý, tham gia ban chấp hành Đảng ủy xã nhiệm kỳ 2015-2020. Một số đội viên Dự án được tham gia ban chấp hành Đảng ủy huyện.
Tại Hội nghị, các ý kiến phát biểu đều cho rằng đây là chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương. Có ý kiến cho rằng cần đánh giá toàn diện về dự án để điều chỉnh chính sách cho phù hợp và những trí thức trẻ tăng cường về địa phương nên có thời gian đào tạo ở cơ sở từ 3-5 năm để có thể đảm nhiệm được chức danh Phó Chủ tịch, việc bố trí chức danh ngay có thể làm các em quá sức. Chính sách là phải nhất quán từ trung ương đến địa phương, nếu giao tiếp, Trung ương phải bố trí kinh phí, không thể tỉnh tự đặt ra chính sách riêng cho các em, đặt cấp ủy, chính quyền vào thế khó và các em cũng nảy sinh tâm lý so bì.
Đề nghị tiếp tục đưa trí thức trẻ có trình độ chuyên môn tăng cường về cơ sở, mở rộng ra ở các xã khó khăn khác, nhiều ý kiến cho rằng đây cần phải là việc làm thường xuyên, phải chú trọng đào tạo trình độ chuyên môn, đạo đức, chuẩn bị kỹ cho đội viên kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng quản lý, kỹ năng mềm.
Một số đại biểu đề nghị để các đội viên có thời gian thử thách 1-2 năm để học hỏi, xem năng lực lãnh đạo có vai trò đầu tàu không mới bầu, bổ nhiệm. Để bảo đảm tính bền vững, cần ưu tiên tuyển chọn bồi dưỡng, đào tạo người địa phương ngay từ khi trong trường phổ thông, phải có quy hoạch để đào tạo, định hướng bồi dưỡng trong 3-5 năm để bố trí. Nói về giải quyết khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp cho đội viên sau khi kết thúc dự án, các đại biểu đề nghị phải có chỉ đạo chung của Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.
(Theo chinhphu.vn)
Các tin khác
YBĐT - Chỉ còn ít ngày nữa là kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ diễn ra, với sự chuẩn bị kỹ từ ôn luyện, củng cố kiến thức cùng sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, tin rằng thầy và trò Trường THPT Nguyễn Lương Bằng (Văn Yên) sẽ đạt được kết quả cao nhất.
YBĐT - Hệ thống đường trục xã, trục thôn, địa phương đã giao các tổ chức đoàn thể cắm biển tự quản, vệ sinh vào ngày 25 hàng tháng và các nhánh đường khác thì nhân dân tiến hành tổng vệ sinh hàng tháng vào ngày 10.
YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Giáo dục huyện Văn Chấn đã tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng cán bộ, giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học 2016 – 2017.
YBĐT - 150 đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn tham gia lao động tình nguyện phát tỉa cành cây hai bên đường, quét dọn mặt đường, thu gom xử lý rác thải...