Hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2017)

Học theo phong cách làm báo của Bác

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/6/2017 | 6:54:15 AM

YBĐT - Từ lòng yêu nước, thương dân, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước từ năm 1911. Trên con đường đầy gian nan ấy, Bác đã đến với báo chí. Mục đích không phải để trở thành nhà báo, mà Bác muốn sử dụng báo chí là công cụ và phương tiện để hoạt động cách mạng.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Bác Hồ ở Pa-ri (Pháp) rất muốn lấy tờ báo làm phương tiện để tuyên truyền cho nước ta; vạch trần tội ác của chế độ thực dân đối với đồng bào ta và các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa. Nhưng tiếc thay, lúc đó Bác không biết viết chữ Pháp và chưa biết viết báo. Làm thế nào bây giờ? Lòng yêu nước, thương dân thôi thúc Bác đi đến quyết tâm phải học viết chữ Pháp và học viết báo cho kỳ được.

Lúc bấy giờ có một đồng chí công nhân làm ở tòa báo "Đời sống thợ thuyền" (La vie douvriers) cho Bác biết trong tờ báo có mục “tin tức”, mỗi tin chỉ có năm, ba dòng thôi, có tài liệu gì thì anh cứ viết rồi tôi đăng cho. Bác nói: “Tài liệu thì có chỉ tội tôi không viết được”. Đồng chí ấy nói: “Anh cứ viết 3 dòng, 5 dòng cũng được. Có thế nào viết thế ấy. Nếu có sai mẹo mực thì tôi sửa cho”.

Thế là từ đấy, Bác học viết báo. Từ viết ngắn dần dần viết dài, rồi từ viết dài lại tập rút ngắn lại. Vừa viết, vừa rút kinh nghiệm dần dần thông thạo. Rồi từ viết báo, Bác viết cả truyện vì Bác xem mấy tập truyện của A-na-tôn Phờ-răng và của Tôn-xtôi, thấy các ông ấy viết giản đơn, dễ hiểu lắm. Bây giờ có vấn đề gì thì viết, viết dài hay viết ngắn là tùy ý thích của mình; tùy vào vấn đề mà viết dài hay viết ngắn.

Bác Hồ đã trở thành người làm báo. Bác là người sáng lập ra tờ báo, vừa là chủ bút, chủ nhiệm vừa là người phát hành và bán báo của tờ Pa-ri-a (Le Paria).

Chuyển về Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động. Năm 1925, Bác cho xuất bản tờ báo Thanh Niên của Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Người vừa là chủ bút, vừa là người viết báo, in báo và phát hành báo. Mục đích của tờ báo là để tuyên truyền, chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, đường lối cho sự ra đời của Đảng. Người đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam và là người thày của báo chí cách mạng Việt Nam. Tư tưởng, phong cách, đạo đức làm báo của Bác là chuẩn mực cao đẹp nhất để các thế hệ làm báo noi theo mỗi ngày.

Trước khi viết bài báo, bao giờ Bác cũng tự đặt cho mình câu hỏi: Viết cho ai xem? Ai đọc? Thế là Bác xác định đối tượng của bài báo. Và từ đối tượng để xem cách viết thế nào cho phù hợp. Trước hết, Bác xác định đối tượng là cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Đấy là quan điểm quần chúng của báo chí. Với đối tượng ấy, thì cách viết phải ngắn gọn, rõ ràng, xúc tích, phải dùng từ, dùng chữ dễ hiểu, dễ đọc.

Từ phong cách quần chúng ấy, Bác Hồ đã nhiều lần phê phán cách viết “rau muống”, “trường giang đại hải”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản 1947, trong tiêu đề “Chống thói ba hoa”, Bác răn dạy cán bộ phải sửa đổi nhiều thói hư, tật xấu. Những biểu hiện của thói ba hoa, được Bác chỉ ra, trước hết là: “Viết và nói dài dòng, rỗng tuếch. Nhiều anh chị em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác. Nhưng không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy, tốn mực, mất công người xem. Viết làm gì dài dòng, rỗng tuếch như thế. Chỉ có thể trả lời: là quyết không muốn cho quần chúng xem”.

Bác hết sức tránh và dạy cán bộ hết sức tránh cách viết dài dòng, rỗng tuếch. Nhưng rồi Bác cũng lại nói, không phải là không viết dài. Viết ngắn mà khô khan quá có người không thích đọc. Khi mà trình độ hiểu biết, đời sống sinh hoạt của nhiều người đã cao hơn phải viết cho văn chương, người ta thấy hay, thấy lạ mới thích đọc. Khi viết xong phải đọc đi, đọc lại ba, bốn lần, câu chữ nào thừa thì bỏ đi. Có những bài viết quan trọng phải đọc đi, đọc lại 9 - 10 lần chưa đủ, sửa đi, sửa lại cho chặt chẽ. Có thể nhờ một vài người đọc giúp, chỗ nào chưa đúng thì sửa.

Viết để làm gì?

Phong cách làm báo của Bác được thể hiện rất rõ trong những bài viết, bài nói. Trong thư gửi lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng (7/1949); bài nói tại Trường Đảng Trung ương (8/1952) và tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ II (4/1959), Bác dạy những người làm báo khi viết phải trả lời câu hỏi: Viết để làm gì? Viết để giáo dục, để giải thích, để cổ động, để phê bình đấu tranh, để phục vụ quần chúng. Viết để nêu cái hay, cái tốt của dân ta, của cán bộ, bộ đội, của bạn bè.

Đồng thời, phải phê bình những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, của nhân dân; để vạch trần âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch. Rõ ràng ở đây phải có lập trường, tư tưởng rõ ràng. Cái gì chưa hiểu, chưa rõ, chưa chính xác thì đừng viết. Viết phê bình càng phải như thế. Phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, nói có sách, mách có chứng, phải phê bình với tinh thần xây dựng “trị bệnh, cứu người”. Chớ phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm.

Lấy tài liệu ở đâu mà viết?

Những năm tháng hoạt động ở Pari, khi mới tập viết báo cho tờ "Đời sống thợ thuyền", rồi đến tờ Pa-ri-a Bác lấy tài liệu qua sách, báo; qua hỏi, qua nghe thợ thuyền kể lại và từ những điều mắt thấy. Từ tài liệu thu thập được, Bác viết tin, bài vạch trần tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta. Tác phẩm “Bản án chế độ thực dân” là tiêu biểu.

Từ phong cách gần gũi thợ thuyền, chịu nghe, chịu hỏi, chịu ghi chép trong cuộc đời làm báo, Bác đã rút ra những điều thật bổ ích cho mình và cho những người làm báo cách mạng. Đó là, Phải nghe, phải hỏi; phải thấy; phải ghi chép. Nghe ai? Nghe cán bộ, đảng viên, nghe đồng bào. Hỏi ai? Hỏi nhân dân, hỏi cán bộ, bộ đội, hỏi người đi xa về, hỏi tình hình các nơi; hỏi dư luận ở quần chúng, ở cán bộ, đảng viên.

Phải thấy: mình phải đến tận nơi xảy ra sự việc để quan sát, mắt thấy, tai nghe; phải xem sách, báo chí trong nước và ngoài nước; phải ghi chép những gì đã thấy, đã nghe, đã đọc được, để viết. Cái gì chưa thấy, chưa rõ thì chớ có viết.

Phong cách làm báo vô cùng giản dị, nhưng thật sâu sắc của Người  mãi mãi soi đường cho những người làm báo trong mỗi chuyến đi thực tế. Và phong cách làm báo của Người là tấm gương mẫu mực để các thế hệ làm báo học tập mỗi ngày trước mỗi trang viết của mình, xứng đáng với trách nhiệm vẻ vang mà Bác Hồ đã xác định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Hải Đường

Các tin khác

YBĐT - Liên tiếp trong các ngày 28/5 và 2, 3/6, trên địa bàn xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn xảy ra 3 vụ cháy nhà.

YBĐT - Từ năm 2014, cứ mỗi năm 1 lần, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường trên địa bàn thành phố Yên Bái lại được tham gia lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) do Phòng GD-ĐT thành phố Yên Bái phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC & Cứu nạn cứu hộ (CNCH) - Công an tỉnh Yên Bái tổ chức.

Hội viên Hội Người cao tuổi phường Yên Ninh tập luyện môn bóng chuyền hơi.

YBĐT - Hội Người cao tuổi phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái có 11 chi hội, 71 tổ hội với 1.506 hội viên tham gia sinh hoạt.

Nhân dân thôn Hồng Sơn, xã Sơn Thịnh trồng rau sạch để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

YBĐT - Đến nay, Sơn Thịnh đã hoàn thành 14/19 tiêu chí nông thôn mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục