Mù Cang Chải sau một năm sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học

  • Cập nhật: Thứ tư, 7/6/2017 | 6:57:55 AM

YBĐT - Sau một năm thực hiện, Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2016 - 2020 đã cho thấy những lợi ích thiết thực song cũng cần có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà tặng quà thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà tặng quà thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.

Tạo môi trường giáo dục chất lượng
 
"Có lẽ, điều đầu tiên dễ nhận thấy nhất và cũng là điều đáng mừng nhất cho đến thời điểm này đó là sự thay đổi từ chính bản thân các em học sinh. Từ bao nhiêu bỡ ngỡ, dè dặt, thậm chí là rất thiếu tự tin của những ngày đầu chuyển từ điểm lẻ về trường chính học tập, giờ đây các em đã hòa nhập vào nề nếp chung của nhà trường, chăm chỉ học tập, tự tin, mạnh dạn, rất nhiều em tỏ ra hứng thú hơn trong môi trường học tập, sinh hoạt mới, từ đó chăm chỉ học tập, rèn luyện hơn".

Đó là những điều mà cô Nguyễn Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học (TH) và THCS La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn muốn nói đến trước tiên khi nhìn lại một năm thực hiện việc xóa 4 điểm trường tiểu học, sáp nhập trường TH, THCS thành Trường TH&THCS theo Đề án trên địa bàn xã La Pán Tẩn, giai đoạn 2016-2020.

Điều ấy, không chỉ được nhận thấy ở riêng Trường TH&THCS La Pán Tẩn. "Có thể nói, mọi hoạt động học tập, sinh hoạt của các em học sinh tiểu học sau khi chuyển từ điểm lẻ về trường chính đến giờ đã đi vào nề nếp, rất ổn định, nhất là đối với những học sinh bán trú" cũng là khẳng định của thầy Nguyễn Tiến Lực - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học (PTDTBT TH) Púng Luông.

Chia sẻ từ chính các em học sinh đã minh chứng thêm điều này. Em Mùa Thị Xanh - học sinh lớp 5A3, Trường PTDTBT TH Púng Luông hồ hởi: "Trước đây, em học ở điểm trường bản Púng Luông. Năm học này được chuyển về học tập tại trường chính và được ở bán trú.

Ban đầu chưa quen, em cũng rất ngại, không tự tin. Bây giờ thì thấy thích lắm, được các thầy cô dạy dỗ, chỉ bảo nhiều hơn, muốn hỏi bài vở các thầy cô cũng thuận tiện, lại có nhiều bạn bè vừa cùng học cùng chơi, được tham gia nhiều hoạt động hơn, vui lắm ạ!".

Em Vàng Thị Vang - lớp 5A3 nhà ở bản Mí Háng Tâu hay Thào Thị Vanh - lớp 3A2 cùng ở bản Mí Háng Tâu, xã Púng Luông và nhiều bạn học sinh khác cũng đều chung chia sẻ như Mùa Thị Xanh.

Để có được điều này, đó là cả một sự cố gắng đầy vất vả của các thầy cô trong suốt năm học qua. Đặc biệt, nhiều em lần đầu ở trong môi trường bán trú, bao sinh hoạt tập thể còn bỡ ngỡ đã được thầy cô chỉ bảo, rèn luyện kỹ càng.

Thầy Nguyễn Tiến Lực cho hay: "Sau sáp nhập, học sinh đông hơn trước nhiều. Nhiều học sinh nhỏ tuổi chưa quen với việc tự chăm sóc bản thân trong môi trường tập thể, từ việc nhỏ như chưa quen ngủ giường tầng chẳng hạn... Vì vậy, giáo viên phải rất sát sao với các em. Rồi chúng tôi cũng hướng dẫn cho các em học tập, sinh hoạt theo giờ giấc, nề nếp từ việc trực phòng, tắm giặt… dần giúp em đi vào khuôn khổ, quy củ trong mọi sinh hoạt, rèn luyện để được như bây giờ".

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để thích nghi, hòa nhập và hứng thú với môi trường học tập mới của chính những em học sinh khi được chuyển từ điểm lẻ về học tập cho thấy lợi ích của xóa bỏ điểm lẻ trong việc tạo ra một môi trường học tập tốt hơn cho học sinh.

Thầy Hoàng Văn Đồng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải nhận định: "Thực hiện sáp nhập trường, điểm trường, học sinh được tập trung về trường chính được học tập, nuôi dưỡng ở môi trường thuận lợi hơn, tốt hơn, được tham gia các hoạt động chung của nhà trường… Qua đó, giúp các em học sinh tích cực hơn trong học tập, nâng cao tỷ lệ thường xuyên, chuyên cần".

Báo cáo đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Đề án của UBND huyện Mù Cang Chải cũng đã khẳng định những điều các thầy cô giáo và các em học sinh minh chứng.

Không chỉ tạo môi trường giáo dục tốt cho học sinh đồng thụ hưởng, việc sáp nhập trường cũng tạo điều kiện cho giáo viên được giảng dạy, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp hơn.

Thực tế cho thấy, việc xóa bỏ điểm lẻ khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ lẻ, trường gần dân trong điều kiện địa bàn rộng, dân cư phân bố không tập trung, giáo viên phải bám trường, bám lớp dàn trải, khó có điều kiện thường xuyên trao đổi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Qua thực hiện sáp nhập trong năm qua, nhiều cán bộ quản lý ở các trường mầm non (MN), TH trên địa bàn huyện cũng thừa nhận rằng, sáp nhập là điều kiện quan trọng để đổi mới công tác quản lý giáo dục, cán bộ quản lý các đơn vị trường không phải dành nhiều thời gian đi kiểm tra tại các điểm trường lẻ, công tác quản lý thuận lợi và hiệu quả hơn trước.

Chuyển từ điểm lẻ về trường chính, học sinh Trường TH&THCS La Pán Tẩn được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục chất lượng hơn.

Những bất cập cần điều chỉnh

Những kết quả bước đầu qua một năm thực hiện Đề án trên địa bàn huyện đã cho thấy những lợi ích mà việc triển khai Đề án mang lại. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án đã phát sinh một số bất hợp lý trong việc sắp xếp trường, điểm trường cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Đối với xã Lao Chải, sáp nhập 2 đơn vị trường TH trên cùng địa bàn là Trường PTDTBT TH Xéo Dì Hồ với Trường PTDTBT TH Lao Chải thành Trường PTDTBT TH Lao Chải sau sáp nhập, Trường có 32 lớp với 1.066 học sinh, chia thành 2 khu cách nhau 17km, đường giao thông đi lại khó khăn, số lượng học sinh quá đông, khó khăn trong công tác quản lý.

Đối với xã Púng Luông, sáp nhập Trường MN Púng Luông với Trường PTDTBT TH Púng Luông thành Trường PTDTBT TH Púng Luông có cấp học MN, khoảng cách giữa điểm trường chính MN và điểm trường chính TH là 3km. Sau khi trường sáp nhập, gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, điều hành các hoạt động của cán bộ quản lý nhà trường.

Đối với các điểm trường lẻ MN sau khi sáp nhập về điểm trường chính và điểm trường lẻ, còn 9 điểm trường chưa phù hợp. Do giao thông đi lại từ bản về điểm trường sáp nhập xa trên 3km, dân cư phân bố rải rác, không tập trung nên việc đưa con em đến học tại trường chính không được thường xuyên, nhất là những ngày thời tiết mưa, rét, dẫn đến việc duy trì tỷ lệ chuyên cần của các đơn vị trường thấp, chỉ đạt 70-80%.

Qua thực tế cho thấy những điểm chưa hợp lý này, thầy Hoàng Văn Đồng cũng bày tỏ kiến nghị cần tách Trường MN Púng Luông ra khỏi Trường TH, không tiếp tục sáp nhập trường MN với trường TH như trong lộ trình; tách Trường MN Lao Chải ra làm 2 trường; mở lại 9 điểm lẻ MN có khoảng cách so với điểm trường sáp nhập trên 3km.

 Học sinh Trường PTDTBT TH Púng Luông cùng nhau ôn bài tại ký túc xá.

Khó khăn cần được quan tâm, tháo gỡ

Phục vụ việc sáp nhập trường, điểm trường, các trường trên địa bàn đã được đầu tư thêm về cơ sở vật chất. Trong đó, đầu tư xây mới và di chuyển từ điểm lẻ về điểm chính 72 phòng học (6 phòng xây mới, 66 phòng di chuyển từ điểm lẻ về), 16 phòng ở bán trú, 10 bếp - phòng ăn, 15 công trình vệ sinh, 10 nhà tắm, 13 công trình nước sạch...; xây dựng 20 công trình, trong đó có 16 công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng và 3 công trình đang thi công.

Mặc dù đã được quan tâm đầu tư song một số trường số học sinh ở điểm lẻ về điểm chính tăng nhiều nên cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chưa thực sự đồng bộ, còn nhiều công trình tạm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Một số trang thiết bị, đồ dùng dạy học được đầu tư đã lâu hiện đã xuống cấp, không thể sử dụng được, làm ảnh hưởng tới việc học tập và sinh hoạt của học sinh. Một số trường sau khi chuyển học sinh từ điểm trường lẻ về điểm trường chính không có đủ số phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày, có những lớp học có quy mô vượt quy định.

Về đội ngũ, đội ngũ sau sắp xếp đối với cán bộ quản lý, nhân viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ khi thực hiện Đề án. Tuy nhiên, số lượng giáo viên MN, giáo viên THCS còn thiếu nhiều (MN thiếu 69 giáo viên; THCS thiếu 27 giáo viên), đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh cấp THCS thiếu 7 người.

Thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất nên nhiều đơn vị không thực hiện được việc dạy 2 buổi/ngày, ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tổng số lớp không được tổ chức học 2 buổi/ ngày trên địa bàn huyện là 223 lớp với 7.741 học sinh; trong đó: MN 9 lớp, tiểu học 123 lớp.

Ngoài ra, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia cũng còn gặp một số khó khăn như khi sáp nhập, quỹ đất để xây dựng trường chuẩn không đảm bảo theo quy định; không có quy chế công nhận trường chuẩn liên cấp…

Những khó khăn, bất hợp lý này rất cần được quan tâm tháo gỡ, điều chỉnh để việc thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, giai đoạn 2016-2020 tiếp tục được thực hiện hiệu quả, phù hợp với thực tế, góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện phát triển.

Đến tháng 5/2017, huyện Mù Cang Chải có 34 trường, 48 điểm trường lẻ, 533 nhóm (lớp) với 17.641 trẻ, học sinh. So với thời điểm cuối năm học 2015-2016 (trước khi sáp nhập): giảm 3 trường, giảm 92 điểm trường lẻ, giảm 185 lớp ở điểm trường lẻ, tăng 92 lớp ở điểm trường chính. So với Đề án được phê duyệt tăng 1 điểm trường, giảm 1 lớp. Số học sinh tăng ở trường chính so với năm học 2015-2016 là 3.829 cháu, học sinh. Bình quân 34 học sinh/ lớp, trong đó có 76 lớp có số cháu, học sinh/ lớp cao hơn điều lệ quy định. Tỷ lệ huy động đạt 99,4% so với kế hoạch giao. 

Thu Hạnh - Đức Hồng 

Các tin khác

YBĐT - Từ lòng yêu nước, thương dân, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước từ năm 1911. Trên con đường đầy gian nan ấy, Bác đã đến với báo chí. Mục đích không phải để trở thành nhà báo, mà Bác muốn sử dụng báo chí là công cụ và phương tiện để hoạt động cách mạng.

YBĐT - Liên tiếp trong các ngày 28/5 và 2, 3/6, trên địa bàn xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn xảy ra 3 vụ cháy nhà.

YBĐT - Từ năm 2014, cứ mỗi năm 1 lần, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các nhà trường trên địa bàn thành phố Yên Bái lại được tham gia lớp tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy (PCCC) do Phòng GD-ĐT thành phố Yên Bái phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC & Cứu nạn cứu hộ (CNCH) - Công an tỉnh Yên Bái tổ chức.

Hội viên Hội Người cao tuổi phường Yên Ninh tập luyện môn bóng chuyền hơi.

YBĐT - Hội Người cao tuổi phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái có 11 chi hội, 71 tổ hội với 1.506 hội viên tham gia sinh hoạt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục