Điều chỉnh để hiệu quả hơn

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/11/2017 | 7:23:43 AM

YBĐT - Đề án Sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020 là một trong những đề án quan trọng được quan tâm đặc biệt. Bởi đây là bước đột phá của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái trong tiến trình nâng cao nguồn nhân lực cho địa phương. Với những kết quả đã đạt được thời gian qua, Đề án cũng có những điều chỉnh để hiệu quả, phù hợp hơn.

Việc học tập trung đã giúp học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Công, huyện Trạm Tấu được tiếp cận với phương pháp giáo dục hiện đại.
Việc học tập trung đã giúp học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Công, huyện Trạm Tấu được tiếp cận với phương pháp giáo dục hiện đại.

Sau khi thực hiện sắp xếp, học sinh được tập trung học tập, sinh hoạt tại điểm trường chính, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Số học sinh được học bán trú và hưởng chính sách tăng, tạo điều kiện tốt hơn cho các em đến trường. 

Các trường tăng cường tổ chức các hoạt động lao động, văn hóa, thể thao và tổ chức đời sống nội trú cho học sinh phù hợp với tính chất đặc thù của trường dân tộc bán trú như: văn nghệ, thể dục, thể thao; các trò chơi dân gian, các hoạt động ngoại khóa... Tổ chức hướng dẫn các em cách tự học, tự rèn luyện; triển khai hoạt động lao động sản xuất, tăng gia nhằm góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày và rèn kỹ năng lao động cho học sinh. 

Việc triển khai Đề án đã góp phần thu gọn đầu mối, khắc phục dứt điểm tình trạng nhiều cơ sở trường học trên cùng một địa bàn có quy mô quá nhỏ, gây lãng phí về bộ máy biên chế quản lý cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị; bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ công chức, viên chức để hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Đến thời điểm cuối năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 382 trường, 587 điểm trường, 5.966 lớp, 178.946 học sinh, 48 trường phổ thông dân tộc bán trú và 50 trường có học sinh bán trú. So với trước khi thực hiện Đề án, giảm 148 trường, giảm 178 điểm trường, giảm 169 lớp, tăng 5.990 học sinh, tăng 5.708 học sinh bán trú. Có thể thấy, quy mô, mạng lưới trường lớp từng bước được quy hoạch, sắp xếp ổn định và hiệu quả. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được quan tâm, bố trí hợp lý; cơ sở vật chất từng bước hiện đại. Chất lượng giáo dục có những chuyển biến rõ rệt. 

Nhiều chỉ số đã đạt ở mức khá so với khu vực và cả nước. So với năm 2010, tỷ lệ học sinh phổ thông hoàn thành khóa học tăng trên 9%, tỷ lệ bỏ học giảm 1%, công tác phổ cập giáo dục được củng cố, giữ vững và phát triển theo hướng bền vững. Đặc biệt, Yên Bái đã có nhiều học sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi các cấp, nhiều em học sinh đạt thủ khoa các trường đại học trong nước.

Thực tế cho thấy, do sáp nhập các điểm trường lẻ nên số lượng học sinh bán trú tăng đột biến đã gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tập trung bổ sung các điều kiện thiết yếu như xây dựng các công trình phụ trợ, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh, phát động các phòng trào "tương thân, tương ái", đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bán trú.

 UBND tỉnh Yên Bái đã giao bổ sung nguồn vốn 60,9 tỷ đồng, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đã huy động xã hội hóa trên 63 tỷ đồng xây dựng các công trình phụ trợ, sửa chữa phòng học, hỗ trợ học sinh nghèo mua sách vở và đồ dùng học tập, xây dựng kho thóc khuyến học, hỗ trợ các trường dân tộc bán trú bước vào năm học mới. 

Qua đó, giải quyết phần nào bài toán khó khăn cơ sở vật chất ở các trường sau sáp nhập. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã phát động phong trào "tương thân, tương ái" hỗ trợ học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú; tập trung chỉ đạo các giải pháp tích cực nhằm huy động học sinh ra lớp, tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở, sinh hoạt của học sinh cũng như trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý học sinh. 

Năm học vừa qua, đã có 5.268 giáo viên nhận hỗ trợ, giúp đỡ 15.531 học sinh; 662 lớp lớn đăng ký giúp đỡ các lớp nhỏ; 287 lượt các đơn vị, tổ chức, cá nhân hỗ trợ 94 đơn vị nhà trường; 131 trường vùng thuận lợi kết nghĩa với trường khó khăn; 33 trường tổ chức kết nghĩa với ban chỉ huy quân sự, công an huyện... 

Bên cạnh đó vẫn còn một số trường liên cấp có quy mô lớn, cơ sở vật chất độc lập giữa các cấp học, không liền kề nhau, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Một số nơi, điểm trường mầm non, tiểu học (vùng thấp) có khoảng cách về điểm trường chính xa, giao thông không thuận lợi. Một số điểm trường nằm trong diện sáp nhập nhưng điểm chính chưa đủ cơ sở vật chất, chưa thể mở rộng quỹ đất, do đó, chưa đủ các điều kiện để tổ chức dạy và học tại điểm trường chính sau sáp nhập...

Từ những khó khăn, bất cập đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu, điều chỉnh một số nội dung sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học. Theo đó, tách 20 trường mầm non có quy mô 200 trẻ mầm non trở lên ra khỏi những trường phổ thông có cấp học mầm non thành trường mầm non độc lập; không sáp nhập 120 điểm trường, trong đó có 74 điểm trường mầm non ở vùng đặc biệt khó khăn, có khoảng cách so với điểm trường chính từ 4 km trở lên hoặc từ 3-4 km nhưng khó khăn về giao thông (qua đèo, suối...), 20 điểm trường mầm non, tiểu học (vùng thấp) có khoảng cách từ 5 km trở lên, giao thông khó khăn, không bảo đảm an toàn, học sinh về học tại điểm trường chính không thuộc diện hưởng chính sách bán trú; 26 điểm trường tiểu học có từ lớp 1 đến lớp 5 và quy mô ổn định, cơ sở vật chất được xây dựng từ bán kiên cố trở lên. Cùng với đó, điều chỉnh lùi thời gian thực hiện sáp nhập đối với 67 điểm trường vào các năm tiếp theo do chưa bảo đảm cơ sở vật chất ở điểm trường chính.  

Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là những điều chỉnh Đề án kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tin chắc rằng, giai đoạn tiếp theo của Đề án sẽ mang tới một diện mạo mới cho giáo dục Yên Bái, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong tương lai.

Minh Tư

Các tin khác
Thầy cô và bạn bè chúc mừng em Trần Quang Huy (người đứng giữa) đạt giải Khuyến khích Olympic Vật lý châu Á kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á - Thái Bình Dương năm học 2014 - 2015.

YBĐT - Cùng với giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong những năm qua cũng từng bước hình thành và có bước phát triển ổn định. Mô hình trường chất lượng cao xuất hiện ở các địa phương với sự tham gia, vào cuộc tích cực của cả xã hội trong công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

YBĐT - Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố Yên Bái vừa bàn giao nhà tình nghĩa cho hội viên CCB Trần Bách ở thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc.

YBĐT - Vừa qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Yên Bái đã trao tiền ủng hộ của Hội cho các gia đình CCB có người bị chết trong trận lũ vừa qua tại thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trạm Tấu, với số tiền  11 triệu đồng; vận động cán bộ, công chức trong cơ quan Thường trực Hội ủng hộ 1 ngày lương.

Đại diện Câu lạc bộ Nữ doanh nhân, lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh  trao tặng bò giống cho các hội viên phụ nữ xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình

YBĐT - Sáng 14/11, Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao tặng 8 con bò giống trị giá hơn 100 triệu đồng cho 8 hội viên phụ nữ nghèo ở 2 xã Ngọc Chấn và Cảm Nhân, huyện Yên Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục