Số đợt không khí lạnh giảm hẳn (từ trung bình mỗi năm đón nhận 29 đợt không khí lạnh trong các thập niên 1971 -1990 xuống còn 15 - 16 đợt rét mỗi năm trong các năm từ 1994 - 2008). Độ ẩm trung bình trong tháng có xu hướng thấp dần, số ngày nắng nóng có xu thế tăng lên.
Về mùa đông số đợt không khí lạnh giảm, số ngày mưa phùn giảm. Trong mùa mưa lũ, xuất hiện những trận mưa kéo dài với cường độ mưa lớn kèm theo gió xoáy và đôi khi có cả mưa đá gây lũ lụt, ngập úng, lũ ống, lũ quét phá hại mùa màng, tính mạng, tài sản của nhân dân ở các vùng ven sông, suối. Tuy nhiên, lượng mưa trung bình năm trong thời gian gần đây đang có xu hướng giảm so với các năm trước, lượng mưa giảm nhiều vào mùa khô. Do đó, tình trạng hạn hán, thiếu nước có nguy cơ tái diễn ở các vùng trong tỉnh.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, nhiệt độ trung bình năm trên các vùng trong tỉnh có xu hướng tăng dần; diễn biến thời tiết có nhiều bất thường; các hiện tượng cực đoan liên quan đến nhiệt độ như không khí lạnh, rét đậm, rét hại xảy ra sớm hơn so với trung bình nhiều năm.
Những biến đổi khí hậu (BĐKH) đó đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân, tác động xấu đến sản xuất nông - lâm nghiệp, gia tăng lũ quét và thiên tai; gia tăng các chi phí xã hội cũng như các chi phí cho các thiệt hại do thiên tai gây ra, tạo nên gánh nặng không nhỏ đối với một tỉnh miền núi như Yên Bái.
Chỉ riêng trong năm 2017, từ tháng 8 đến tháng 10, trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra các trận lũ ống, lũ quét tại các huyện: Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ, Văn Chấn làm thiệt hại hàng trăm héc ta hoa màu, sập đổ hoàn toàn hàng trăm ngôi nhà, phá hỏng nhiều tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học; cuốn trôi, làm chết và mất tích nhiều người. Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra với các huyện nói trên lên tới hàng nghìn tỷ đồng, kèm theo đó là nỗi đau vô cùng lớn đối với các gia đình có người thân thiệt mạng do lũ cuốn trôi.
Thực trạng đó cho thấy, BĐKH đang là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại. Do đó, ứng phó với BĐKH là công việc không của riêng ai mà là của toàn xã hội, phải làm thường xuyên, liên tục, ở tất cả các địa phương, các lĩnh vực. Nó đòi hỏi sự chủ động, tích cực không chỉ của cơ quan Nhà nước mà phải của cả các chủ thể khác như: doanh nghiệp, cộng đồng. Ngày 31/3/2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Theo đó, đã từng bước củng cố, tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của con người; ứng phó kịp thời với thiên tai, giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng bất lợi từ thiên tai; bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên nhiên thiên, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và giữ gìn đa dạng sinh học; kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ xã hội với chủ động ứng phó với BĐKH và bảo vệ môi trường.
Mục tiêu đến năm 2020, 100% cộng đồng dân cư trong tỉnh sẽ được tiếp nhận thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH; 100% cán bộ, công chức, viên chức, 85% học sinh - sinh viên, 70% cộng đồng dân cư được trang bị các thông tin về BĐKH và các biện pháp ứng phó liên quan; xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH trên địa bàn tỉnh; bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, tăng cường khả năng hấp thụ nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống.
Hồng Oanh