Gom giữ kỷ vật, kết nối yêu thương

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/10/2018 | 10:44:19 AM

YBĐT - Sẵn sàng sẻ chia yêu thương và luôn tâm niệm "Hạnh phúc là cho đi và sẽ còn mãi”, ông Nguyễn Nha, sinh năm 1959, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ ngoài sở hữu hàng trăm kỷ vật thời chiến tranh có giá trị còn là "địa chỉ” kết nối trái tim yêu thương tới những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo, trẻ em thiếu may mắn… 

Ông Nha (bên phải) cùng các hội viên Câu lạc bộ 67 làm từ thiện ở xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.
Ông Nha (bên phải) cùng các hội viên Câu lạc bộ 67 làm từ thiện ở xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Nha và chiêm ngưỡng những tủ kính chật kín kỷ vật chiến tranh qua các thời kỳ. Ông Nha tiếp chuyện: "Với tôi, mỗi kỷ vật, đồ dùng đều gắn với những kỷ niệm hoài ước nhất định, nó giống như những người bạn tri kỷ vậy!”. 

Tôi hỏi ông, rằng vì sao đam mê sưu tầm những kỷ vật chiến tranh? Ông nói: "Ngoài sở thích, niềm đam mê, còn xuất phát từ sự lãng mạn, hoài cổ vốn có trong tâm hồn mình. Sưu tầm những kỷ vật này còn giúp tôi so sánh rõ hơn giữa trang bị của ta với địch. Mặc dù trang bị của địch hiện đại hơn nhưng vẫn thua ta. Đây chính là khí phách của người Việt đấy!”. 

Giữa bộn bề lo toan cuộc sống, ông Nha vẫn dành thời gian cùng chiếc xe máy 67 đi xuyên Việt để sưu tầm các kỷ vật chiến tranh cho "bảo tàng” của mình. Qua thời gian, số lượng kỷ vật ông sưu tầm được tăng dần với nhiều loại, kiểu mẫu khác nhau. Trong các tủ kính trưng bày, ông phân chia các kỷ vật, đồ dùng theo thời kỳ chống Pháp, thời chống Mỹ và cả thời bao cấp. 

"Nhà báo tin không, những chiếc bình đựng nước, những chiếc đài cũ này, tôi vô tình tìm chúng ở bãi rác và nơi buôn bán phế liệu đấy” – ông thích thú.… 

Ông tiếp: "Cũng có nhà lưu giữ những kỷ vật do chồng, con để lại làm kỷ niệm. Tôi tìm đến bày tỏ quan điểm, cách lưu giữ kỷ vật của bản thân, đôi khi thì nài nỉ bằng tấm chân tình và tôi đã thuyết phục để họ bán hoặc tặng lại cho mình”. 

Có những vật dụng, kỷ vật gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân thời chiến mà một số gia đình hiện nay không có ý lưu giữ, ông đã thu gom để nâng niu và trưng bày trong "kho tàng” của mình. Với ông, không phải ai cũng may mắn gặp được những món đồ này, bởi gặp và sở hữu chúng chính là một cái duyên. Người không biết giữ gìn, trân trọng thì nó chẳng bao giờ đến. Đã có rất nhiều người đến hỏi để mua lại toàn bộ số kỷ vật của ông hoặc mua lẻ một số thứ trong bộ sưu tập nhưng ông nhất quyết không bán. 

"Tiền thì ai cũng muốn, nhưng tôi muốn lưu lại những kỷ vật, hình ảnh một thời chiến tranh cho con cháu đời sau biết đến mà trân trọng!” – ông Nha chia sẻ. 

Luôn tâm niệm: "Sống là cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình”, ông Nguyễn Nha luôn cố gắng đem lại niềm tin yêu cho những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Tham gia Câu lạc bộ 67 – "ngôi nhà” có chung một tấm lòng thiện nguyện, hướng thiện, không chỉ tổ chức các chuyến đi vận động quyên góp, ông còn cùng anh em trong Câu lạc bộ trực tiếp đóng góp công sức, tiền của và huy động sự ủng hộ từ các nhà hảo tâm với mong muốn góp sức giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn; những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn; người già neo đơn có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống; những người đang mang trong mình bệnh hiểm nghèo thêm phần hy vọng vào điều kỳ diệu phía trước. 

Ông Nha tâm sự: "Đi nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh rất đáng thương. Tôi nhớ mãi hai anh em ruột Mùa A Râu, học sinh lớp 4 và Mùa Thị Xi, học lớp 2 xã Suối Bu, huyện Văn Chấn, bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác ở nơi xa. Chúng tôi đã cùng cô giáo chủ nhiệm đi nhiều giờ đồng hồ, vượt núi mới đến được nhà các cháu. Nhưng khi đến, cậu anh 10 tuổi đã đi rừng làm nương nuôi em. Tôi cùng anh em đợi đến chiều muộn cũng không gặp được, đành để lại gạo, mắm, mì chính, đường, sữa gửi lại với lời nhắn các cháu cố gắng học tập vượt qua khó khăn…”. 

Hay chương trình phát gạo trợ giúp cho 10 học sinh người dân tộc Dao có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã An Lương; phát 208 bộ quần áo ấm cho học sinh ở xã Suối Quyền trong chương trình Áo ấm mùa đông – Hà Nội – Sài Gòn – Yên Bái tại điểm trường Vàng Ngần, Văn Chấn; tặng bà Hoàng Thị Liều ở bản Đêu, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ một chiếc đài radio với mong muốn giúp bà được bầu bạn với làn sóng phát thanh cho đỡ cô quạnh. 

Chia tay ông Nguyễn Nha – người lưu giữ kỷ vật, người kết nối yêu thương với cái bắt tay thật chặt, mong ông có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục hành trình, góp phần bảo tồn lưu giữ những kỷ vật có giá trị lịch sử và tiếp thêm động lực giúp những mảnh đời khó khăn vươn lên trong cuộc sống. 

Ngọc Sơn

Các tin khác
Trẻ em gái từ 5-7 tuổi có nguy cơ cao nhất bị bạo lực thể chất. (hình minh họa)

Đối thoại ASEAN-EU về bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái đã được tổ chức ngày 22/10, tại Hà Nội.

Mỗi tuần 1 lần, hội viên Chi hội Phụ nữ tổ 7B, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình tập trung quét dọn vệ sinh “Đoạn đường phụ nữ tự quản”.

YBĐT - Thời gian qua, Hội Phụ nữ thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình đã xây dựng nhiều mô hình tuyến đường, đoạn đường tự quản, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ trong giữ gìn, bảo vệ môi trường sống cũng như xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.

YBĐT - Gần đây, nhiều bậc cha mẹ thường hay phàn nàn rằng, thời đại kỷ nguyên số này thật khó quản lý con cái khi chúng thường xuyên sử dụng mạng Internet. 

Đêm nay, không khí lại đổ bộ Bắc Bộ, nhiệt độ giảm xuống 18 độ C.

Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến một số nơi ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, đêm nay ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục