Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp từ hợp tác xã

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/10/2018 | 8:02:07 AM

YBĐT - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều thanh niên lựa chọn mô hình hợp tác xã (HTX) để lập nghiệp. Những thành công bước đầu của họ đã và sẽ chắp cánh ý tưởng khởi nghiệp cho thanh niên ở nông thôn.

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Đạt sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Đạt sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP.

HTX Thanh niên Q&C thuộc thôn 8 xã Đại Phác, huyện Văn Yên được thành lập năm 2015 do 2 thanh niên Phạm Văn Cường và Trần Văn Quân khởi xướng. Giám đốc HTX Thanh niên Q&C - Phạm Văn Cường chia sẻ: "Chúng tôi xuất thân từ những ngành nghề khác nhau như người làm nghề sửa xe, cơ khí, người lái xe nhưng có chung ý tưởng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn để cung ứng ra thị trường”. 

Khi mới thành lập, HTX gặp nhiều khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, nhờ áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch và nắm bắt được thị hiếu của thị trường, đến nay, HTX đã là một trong những địa chỉ tin cậy về cung ứng sản phẩm nông sản sạch cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. 

Hiện, HTX tập trung sản xuất các loại củ, quả như: dưa lê, dưa lưới, dưa chuột, xu hào, cải bắp, súp lơ, cà chua cung ứng cho các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, cho khách hàng cá nhân, một số trường học và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn thị trấn Mậu A. Doanh thu hàng năm đạt hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập từ 3,6 -  4 triệu đồng/người/ tháng. 

Theo ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, tuy thu nhập của các bạn trẻ này chưa cao nhưng kết quả hàm chứa nhiều ý nghĩa lớn đó là, Q&C đã tạo ra một "làn sóng” về sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tương tự, Phạm Thế Đạt sinh năm 1987 cũng lựa chọn mô hình HTX để lập nghiệp. 

Năm 2017, Phạm Thế Đạt cùng 7 thành viên đã thành lập HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Đạt với vốn điều lệ trên 2 tỷ đồng. Trên diện tích 7 ha do các thành viên góp đất và một phần thuê lại của bà con trong thôn, HTX tập trung sản xuất rau an toàn theo chứng chỉ VietGAP và cung cấp các dịch vụ nông nghiệp cho người dân địa phương. 

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX đã bắt tay với HTX Thanh niên Q&C, HTX Trung Thành, huyện Văn Yên. Nhờ sự liên kết này, tính chất chuyên môn hóa được xác lập khi HTX Phú Đạt chuyên sản xuất rau sạch, Q&C chuyên sản xuất các loại củ, quả. Để đưa sản phẩm đến với khách hàng, HTX đã mở Cửa hàng Nông sản an toàn tại thị trấn Mậu A. 

Hiện, trung bình mỗi ngày HTX xuất ra thị trường 1,5 tạ rau các loại. Hoạt động chưa đầy 2 năm nhưng HTX đã trở thành "bà đỡ” của nông dân, tạo việc làm cho 15 người lao động với mức thu nhập 130.000 đồng/người/ngày. 

Toàn tỉnh hiện có khoảng 10 mô hình HTX do thanh niên làm chủ. Các HTX này đã tạo luồng gió mới cho kinh tế hợp tác, HTX bởi sức trẻ, sự nhanh nhạy, có tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm nhưng cũng gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế, kiến thức về thị trường, đầu ra sản phẩm. 

Anh Phạm Thế Đạt - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Đạt cho biết: "Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là về kỹ thuật sản xuất, nên thời gian tới, chúng tôi rất mong được hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, vốn để mở rộng sản xuất, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. 

Về vấn đề này, ông Hà Đức Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: để mô hình kinh tế HTX trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, Văn Yên đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX; đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ HTX; chú trọng xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao; lựa chọn những HTX kinh doanh hiệu quả làm nòng cốt, xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng. 

Cùng đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng cường hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và luôn đồng hành để kịp thời giúp đỡ các doanh nghiệp, HTX; thực hiện đầy đủ, kịp thời, vận dụng sáng tạo các chính sách của Chính phủ, của tỉnh hỗ trợ cho doanh nghiệp và HTX.

Từ các mô hình ở Văn Yên cho thấy, để ngày càng có nhiều thanh niên lựa chọn HTX làm điểm xuất phát lập thân, lập nghiệp, Liên minh HTX tỉnh, chính quyền địa phương, các ngành liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách phát triển HTX kiểu mới; thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất cho đội ngũ lãnh đạo các HTX.

Đồng thời hỗ trợ vốn vay lãi suất ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp cũng như hỗ trợ mở rộng thị trường thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; đặc biệt là tạo cơ chế thuận lợi để hỗ trợ cho các HTX hoạt động, nhất là tiếp cận vốn, nghiên cứu thị trường. 

Văn Thông

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Sở Y tế Yên Bái vừa có văn bản gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh; phòng y tế các huyện, thị xã, thành phố; các công ty dược phẩm trong tỉnh về việc đình chỉ lưu hành thuổc không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Từ năm 2019, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh sẽ không được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) nếu vượt tổng mức được giao, đồng nghĩa với việc sẽ không còn khái niệm vượt trần, vượt quỹ.

Kiểm tra hoạt động kinh doanh TPCN tại một cửa hàng ở Đắk Lắk

Bộ Y tế sẽ kiểm tra thực trạng hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với mặt hàng dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) tại 18 tỉnh, thành phố.

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là vấn đề luôn được tỉnh quan tâm. (Trong ảnh: Tư vấn việc làm cho người lao động).

YBĐT - 9 tháng qua, toàn tỉnh đã hỗ trợ giải quyết việc làm 14.963 lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục