Kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 với hàng loạt những gian lận thi cử ở một số địa phương và nghi vấn ở các tỉnh thành khác đã khiến cho dư luận xã hội mất niềm tin vào một kỳ thi được kỳ vọng là nghiêm túc, khách quan.
Từ những gian lận, bất cập trong công tác coi thi, chấm thi, nhiều nhà giáo đã bày tỏ mong muốn, đề xuất những giải pháp để tổ chức kỳ thi trong năm 2019 được trung thực nhằm lấy lại niềm tin của người dân.
Vai trò, trách nhiệm của trường ĐH phải lớn hơn
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ sẽ nỗ lực làm tốt. Để đạt được điều này, vai trò của các trường ĐH, CĐ trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 phải lớn hơn, rộng hơn, tham gia nhiều khâu hơn. Một phần yêu cầu là các trường này sẽ trực tiếp chấm bài thi trắc nghiệm. Câu chuyện này còn dài và sẽ triển khai tập huấn cụ thể thông qua quy chế.
PGS.TS Mai Văn Trinh cũng lưu ý các trường ĐH phải đặc biệt coi trọng việc lựa chọn nhân sự tham gia kỳ thi này. Vì đây là vấn đề mang tính chất quyết định. Những nhân sự này phải là những người có tinh thần trách nhiệm, có sự hiểu biết về thi cử và sau này sẽ tham gia vào khâu chấm thi.
Tuy nhiên, việc đổi mới tuyển sinh vẫn phải bám theo định hướng cụ thể như các trường phải chuẩn bị tinh thần để tự chủ trong tuyển sinh, xét tuyển.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho rằng, những bất ổn trong cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã được bộc lộ trong mùa thi năm 2018, vì vậy cần tăng cường hơn vai trò của trường ĐH trong khâu coi thi và chấm thi. Bộ cần kiên quyết làm việc này để các trường có cơ sở để tin tưởng hơn vào kết quả của kỳ thi.
Dù thiết bị, công nghệ có hiện đại để phát hiện gian lận thi cử như thế nào thì ý thức của con người vẫn là quan trọng nhất.
Với quan điểm như vậy, PGS.TS Lê Hồng Quân, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội mong muốn từ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, các địa phương thực hiện đúng quy chế thi. Những cán bộ, giám thị làm công tác coi thi phải tăng cường trách nhiệm, ý thức và đạo đức khi tham gia các công đoạn của kỳ thi.
Khi kết quả thi phản ánh đúng năng lực của thí sinh thì các trường ĐH mới yên tâm sử dụng để làm căn cứ xét tuyển. Các em học sinh và xã hội cũng mới tin tưởng về kết quả kỳ thi nghiêm túc và công bằng cho các thí sinh.
PGS.TS Lê Hồng Quân cho rằng, mặc dù những người vi phạm, làm sai lệch kết quả điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 đã bị giam giữ để phục vụ tiếp cho công tác điều tra nhưng xã hội vẫn rất mong các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, sớm công bố kết quả điều tra và hình thức xử lý những người vi phạm.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 đã bộc lộ một số bất cập trong công tác tổ chức ra đề, chấm thi nên GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên mong muốn trong năm 2019, khi xây dựng kế hoạch thi ở các địa phương, Bộ GD-ĐT phải quy định rõ về các công việc, đơn vị nào thực hiện, ai thực hiện. Việc này sẽ giúp quy trách nhiệm rõ ràng cho cá nhân, tránh việc kỷ luật cả hội đồng thi nhưng không rõ ai chịu trách nhiệm chính.
Về đề thi, GS.TS Hồng Quang nêu quan điểm, cấu trúc đề thi nên có một tỷ lệ thoả đáng giữa nền tảng học vấn rộng và học vấn chuyên sâu, vì nền tảng học vấn rộng là điều quan trọng với học sinh phổ thông và cũng là để các trường ĐH nhận diện trình độ của học sinh trong quá trình xét tuyển.
(Theo VOV)