Nhận thức rõ tác hại của ma túy gây ra với đời sống xã hội, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, quyết định về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống ma túy trong tình hình mới. Đối với Yên Bái, công tác này luôn được Đảng bộ tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao.
Đặc biệt từ năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 331 ngày 4/4/2013 về việc phê duyệt Dự án triển khai điều trị thay thế các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 1.038 bệnh nhân đang điều trị bằng Methadone, đạt 86% chỉ tiêu giao, số bệnh nhân lũy tích là 2.016 trường hợp.
Hiệu quả điều trị bằng Methadone đã được đánh giá tại các nước trên thế giới và ở Việt Nam. Theo đó, người nghiện giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp, không còn nhu cầu bức bách kiếm tiền để mua ma túy nên giảm được tội phạm và giảm bạo lực gia đình, họ có khả năng lao động và tạo thu nhập, sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng...
Tại Yên Bái, theo thông tin từ lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trước khi tham gia điều trị, 100% người nghiện sử dụng hêrôin, sau 24 tháng điều trị, tỷ lệ sử dụng giảm còn 15,87%. Trước khi điều trị, hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48,5% bệnh nhân sử dụng 5 lần/ngày, 45,1% bệnh nhân sử dụng từ 3 – 4 lần/ngày và chỉ 6,3% bệnh nhân sử dụng với tần suất 1 - 2 lần/ngày.
Tuy nhiên, sau 24 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng trong nhóm bệnh còn tiếp tục sử dụng chỉ còn 2 - 3 lần/tháng. Bệnh nhân cũng giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV do giảm số lần sử dụng bơm kim tiêm.
Cùng với ích lợi trên, Chương trình cũng đem lại nhiều lợi ích về an ninh, xã hội khi qua điều tra tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống còn 1,34% sau 24 tháng điều trị. Mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng giảm mạnh khi tỷ lệ bệnh nhân có các hành vi bán, cầm cố đồ đạc, nói dối thậm chí cưỡng ép người thân để có tiền sử dụng ma túy giảm từ 90,3% trước điều trị xuống còn 2,27% sau 24 tháng điều trị.
Một người nghiện trung bình mỗi ngày tiêu tốn 230.000 đồng mua hêrôin (tương đương 84 triệu đồng/năm), khi điều trị Methadone trung bình khoảng 6 - 8 triệu đồng/năm.
Việc điều trị bằng Methdone cũng giảm chi phí đầu tư vận hành vì thuốc rẻ, cơ sở điều trị là ngoại trú nên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực không nhiều.
Theo tính toán, để xây một cơ sở điều trị Methadone cho 250 người bệnh cần từ 500 triệu - 1 tỷ đồng; chi phí vận hành cơ sở là 1,4 tỷ đồng/năm; giá thuốc chỉ tiêu tốn cho mỗi người bệnh là 7.500 đồng/ngày, tương đương 2.700.000 đồng/năm.
Tuy điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế mang lại hiệu quả lớn nhưng việc triển khai chương trình còn khó khăn. Nguyên nhân, dù đã được kiềm chế nhưng số người nghiện ma túy được phát hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái hàng năm vẫn tăng khoảng từ 100 đến 200 người, đưa tổng số người nghiện ma túy toàn tỉnh dao động từ 2.300 đến 2.700 người.
Tuy nhiên, người nghiện ma túy còn ngại lộ diện, không dám tham gia điều trị do sự kỳ thị, phân biệt và đối xử của cộng đồng, cũng như họ chưa hiểu rõ về bản chất và lợi ích của điều trị thay thế nói chung và điều trị Methadone nói riêng…
Trước những hiệu quả điều trị do Methadone mang lại, để tăng số người nghiện có hồ sơ quản lý điều trị bằng Methadone, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, chính quyền và người dân trong việc triển khai hoạt động điều trị Methadone qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện ứng dụng hệ thống quản lý thông tin điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh; tích cực đào tạo, tập huấn đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng để tiếp cận vận động các đối tượng nghiện ma túy tham gia điều trị bằng thuốc Methadone.
Để chương trình điều trị hiệu quả, các ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, tạo thế trận liên hoàn trong công tác quản lý và điều trị bệnh nhân nghiện.
Nguyễn Đình