Vị thành niên, thanh niên là nguồn nhân lực kế cận nên luôn được xã hội đặc biệt quan tâm. Việc thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) vị thành niên, thanh niên có thể dẫn đến những hành vi lệch lạc so với chuẩn mực văn hóa, thậm chí vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an toàn xã hội. Bởi vậy, vấn đề CSSKSS vị thành niên, thanh niên cần sự quan tâm của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Đề án "Cải thiện tình trạng cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2016-2020” của Tổng cục Dân số/ Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đưa ra các mục tiêu cụ thể như: giảm 50% số vị thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn vào năm 2020; tăng tỷ lệ điểm cung cấp dịch vụ CSSKSS/kế hoạch hoá gia đình (KHHGĐ) thân thiện với vị thành niên, thanh niên lên 75% vào năm 2020; 50% cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên ủng hộ, hướng dẫn, hỗ trợ con cái chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức và tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ… để từ đó nâng cao kiến thức, thái độ và hành vi của vị thành niên, thanh niên về vấn đề SKSS - KHHGĐ.
Đạt được mục tiêu ấy sẽ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, CSSK, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân địa phương.
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, số người trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên chiếm khoảng 25% dân số. Trong thời gian qua, dưới sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành với nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục CSSKSS vị thành niên, những câu chuyện mặt trái đã giảm dần và không còn là chủ đề nóng.
Vấn đề CSSKSS vị thành niên, thanh niên luôn được ngành dân số quan tâm, triển khai bằng các hoạt động thiết thực. Trong đó, ngành dân số đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các hoạt động ngoại khóa ở các trường học, từ đó khơi gợi vấn đề và cung cấp những kiến thức cần thiết cho học sinh một cách tự nhiên, nhẹ nhàng và thân thiện nhất.
Kèm theo tài liệu, các loại sách bỏ túi giúp các em trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên dễ tiếp cận, chia sẻ. Mặt khác, các hoạt động tuyên truyền cũng được cán bộ dân số phối hợp tổ chức tại các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp nhằm hướng vào những đối tượng xung quanh vị thành niên, thanh niên.
Ngoài ra, tiếp tục động viên, duy trì sinh hoạt, nhân rộng các câu lạc bộ tiền hôn nhân, định hướng hoạt động nhằm chú trọng hơn nữa đến nhóm dân số vị thành niên, thanh niên nhằm giảm tối đa tình trạng mang thai, phá thai, sinh con ngoài ý muốn; góp phần nâng cao chất lượng SKSS và sức khỏe nói chung của vị thành niên, thanh niên trong toàn tỉnh...
Vừa qua, Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức buổi tuyên truyền chăm sóc sức khỏe vị thành niên với sự tham gia các em học sinh trong nhà trường. Thông qua buổi tuyên truyền đã trang bị cho học sinh kiến thức để tự CSSKSS bản thân, kỹ năng ứng xử trước sự thay đổi về tâm sinh lý lứa tuổi...
Em Nguyễn Thị Hương, học sinh lớp 11A1 chia sẻ: "Qua buổi tuyên truyền CSSK vị thành niên em và các bạn đã hiểu thêm về cách bảo vệ mình trước những hành vi có hại đến SKSS. Ngoài cung cấp kiến thức về SKSS, qua buổi tuyên truyền giúp em thêm tự tin, cởi mở hơn khi chia sẻ những thắc mắc về giới tính”. Bên cạnh sự vào cuộc của ngành dân số, các trường học, sự quan tâm của gia đình cũng là nhân tố giúp công tác CSSKSS lứa tuổi vị thành niên trên địa bản tỉnh có chuyển biến tích cực.
Chị Nguyễn Thị Hằng, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết: "Mình có con gái đang lứa tuổi vị thành niên, là con gái nên cháu có sự thay đổi rất lớn về tâm sinh lý. Bởi vậy, tôi đã chủ động thường xuyên tâm sự, trò chuyện với con để kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của cháu, với những vấn đề tế nhị, tôi tìm mua sách giáo dục giới tính vị thành niên để con đọc”.
Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm 2018 với chủ đề "CSSKSS vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi”, đội ngũ làm dân số từ tỉnh đến địa phương tập trung tuyên truyền sâu rộng, ưu tiên về SKSS vị thành niên, thanh niên; tình dục an toàn; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và tác hại của phá thai không an toàn...
Các cấp, các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền; tổ chức các sự kiện truyền thông như mít tinh, cổ động diễu hành, hội thảo, hội nghị, tọa đàm... tạo không khí sôi nổi hưởng ứng.
Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh còn tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông về CSSKSS, tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ tư vấn, khám tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Ở cấp xã, cán bộ chuyên trách về dân số thực hiện đẩy mạnh hoạt động truyền thông, trong đó đặc biệt chú trọng kênh truyền thông trực tiếp thông qua hệ thống cộng tác viên DS-KHHGĐ; tích cực tổ chức các cuộc truyền thông tại cộng đồng: thăm hộ gia đình, tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân... giao lưu văn hóa, văn nghệ lồng ghép tuyên truyền.
Qua đó, không chỉ giúp các em phát triển một cách toàn diện về tâm sinh lý mà còn góp phần phòng ngừa các tệ nạn và các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra nếu các em thiếu các kiến thức và không được trang bị về SKSS.
Thu Hiền