Phấn đấu cơ bản về đích các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh trong năm 2019,
Chương trình hành động số 144-CTr/TU ngày 15/02/2019 của Tỉnh ủy Yên Bái lĩnh vực đào tạo nghề và giải quyết việc làm đã đề ra mục tiêu: năm 2019, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%; chuyển dịch khoảng 2% lao động nông thôn sang phi nông nghiệp (tương đương 5.300 lao động); tạo việc làm mới cho trên 20.000 lao động, tăng 2.000 lao động so với chỉ tiêu giao.
Đây là những mục tiêu rất lớn, cần giải pháp đồng bộ và quyết tâm chính trị cao.
Để đạt được mục tiêu Chương trình hành động số 144-CTr/TU, lĩnh vực đào tạo nghề, giải quyết việc làm phải có sự vào cuộc đồng bộ của toàn thể hệ thống chính trị, của các cấp và các địa phương. Trong đó, giải pháp đầu tiên là phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Đồng thời, nâng cao nhận thức của người lao động về học nghề, việc làm và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề, tuyển dụng lao động trên địa bàn.
Để đạt mục tiêu đào tạo khoảng 31.000 lao động các loại trong năm 2019, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) phải được thực hiện tốt.
Theo đó, ngành giáo dục - đào tạo và các đơn vị nhà trường phải đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp trong các trường phổ thông, tổ chức tư vấn hướng nghiệp, học nghề, việc làm tại các trường THCS, THPT trên địa bàn; phối hợp tổ chức hiệu quả Ngày hội "Tư vấn tuyển sinh, học nghề, việc làm” để thu hút học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề hoặc tham gia thị trường lao động.
Ngành lao động, thương binh và xã hội phải thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin thị trường lao động để các ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm, người lao động có đầy đủ thông tin phục vụ việc cung ứng nhân lực, tìm kiếm việc làm, tuyển dụng lao động, đào tạo lao động.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 617-NQ/BCSĐ ngày 28/12/2018 của Ban Cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến 2021, định hướng đến 2030; Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Yên Bái đến năm 2020”.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh (gồm 3 trường đào tạo thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông, lâm nghiệp; 4 trường đào tạo lĩnh vực thương mại, dịch vụ và các cơ sở đào tạo cấp huyện) phải tiếp tục đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, giáo trình đào tạo phù hợp; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Các cơ sở cần làm tốt khâu tuyển sinh qua tìm hiểu thị trường lao động, liên kết với doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia vào quá trình đào tạo lao động. Từ đó, đào tạo nghề theo nhu cầu, theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm đầu ra cho người học nghề. Đồng thời, cần có hình thức liên thông, liên kết đào tạo trong và ngoài tỉnh ở các cấp trình độ và những ngành nghề tỉnh đang có nhu cầu sử dụng như: nhóm ngành công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ...
Cùng những ngành nghề hiện có, phải chú ý nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; định hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ, định hướng phát triển du lịch của tỉnh; cung ứng nhân lực theo nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp...
Bên cạnh công tác đào tạo, để giải quyết bài toán tạo việc làm cho 20.000 lao động thì cùng với thực hiện những chính sách hỗ trợ công tác đào tạo thì những giải pháp cơ bản, bền vững, lâu dài là các cấp, các ngành, các địa phương phải triển khai thực hiện hiệu quả chính sách thu hút đầu tư, phát triển thêm nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh; qua đó, tạo thêm nhiều việc làm.
Đồng thời, thực hiện liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn, gắn với việc sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ gắn với phương án tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo.
Đồng thời, triển khai các chính sách, dự án đầu tư phát triển mạnh nông thôn, phát triển ngành nghề sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm ở nông thôn gắn với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giảm tỷ lệ lao động làm việc trong nông nghiệp…
Ngành lao động tiếp tục phối hợp thực hiện tốt rà soát nhu cầu việc làm, nhu cầu chuyển đổi việc làm của người lao động, nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để cung ứng lao động, tư vấn và giải quyết việc làm cho người lao động phù hợp theo từng vùng, từng nhóm đối tượng (gồm giải quyết việc làm trong tỉnh, ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động).
Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp, người lao động, trung tâm dịch vụ việc làm trong việc cung ứng nhân lực theo nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đưa lao động đi làm việc ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động.
Để chuyển đổi lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, phải xây dựng tốt chính sách khuyến khích, trong đó, tập trung hỗ trợ đối với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp được tỉnh thu hút đầu tư, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ đào tạo và tuyển dụng nhiều lao động của tỉnh vào làm việc.
Tỉnh cần hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặt hàng đào tạo theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động học ngoại ngữ để tham gia xuất khẩu lao động; hỗ trợ hoạt động thông tin tuyên truyền về Đề án, thông tin thị trường lao động, rà soát xác định hiện trạng chuyển dịch cơ cấu lao động của các địa phương...
Lao động, việc làm là vấn đề hết sức quan trọng. Với sự vào cuộc và các giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương, các cơ sở đào tạo... tin tưởng rằng, bài toán đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động ở Yên Bái sẽ được giải quyết tốt, đạt mục tiêu đề ra theo Chương trình hành động của Tỉnh ủy.
Theo đó, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng lao động, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển theo hướng bền vững mà còn hạn chế đến mức thấp nhất các vấn đề an sinh và tệ nạn xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Đình Tứ