Là xã vùng sâu của huyện Văn Yên, Đại Sơn có 99% dân số là đồng bào Dao, Mông, kinh tế chậm phát triển nên đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) xã Đại Sơn đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên quan tâm sản xuất nông, lâm nghiệp đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, phát huy thế mạnh trồng quế; phát triển các mô hình kinh tế mới như: chăn nuôi tổng hợp, trồng nấm... tăng nguồn thu nhập nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên.
Xác định nâng cao trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm sản xuất cho hội viên là nhiệm vụ trọng tâm, năm 2018, Hội đã phối hợp tổ chức được nhiều buổi tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho hội viên; mở 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn về chăn nuôi - thú y và kỹ thuật trồng nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ cho trên 60 học viên tham gia và tổ chức một số buổi đi tham quan thực tế mô hình kinh tế điển hình trong, ngoài xã. Bên cạnh đó, Hội còn chú trọng công tác huy động vốn cho hội viên.
Qua đó, HND xã đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để xây dựng kế hoạch vay vốn cũng như hoạt động ủy thác vay vốn, quản lý dư nợ trên địa bàn xã.
Hiện, HND xã trực tiếp quản lý 6 tổ tiết kiệm và vay vốn, với hơn 242 hộ vay, có tổng dư nợ trên 6,3 tỷ đồng. Tất cả các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, trả gốc và lãi đúng hạn, không có tình trạng nợ quá hạn.
Ông Lý Tòn Cầu - Chủ tịch HND xã Đại Sơn cho biết, về cây quế, Hội đã tuyên truyền các hội viên từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật như: trồng quế bầu để nâng cao tỷ lệ sống, không phun thuốc trừ cỏ, hạn chế thuốc trừ sâu theo hướng phát triển quế sạch...
Từ những kiến thức thông qua các lớp học nghề ngắn hạn, tập huấn về khoa học, kỹ thuật, nhiều hội viên tích cực phát triển kinh tế bằng chăn nuôi, trồng mấm, trang trại tổng hợp, tăng thêm thu nhập.
Trong đó, một số mô hình đã đem lại thu nhập cao, điển hình như: mô hình chăn nuôi lợn rừng, cá rô phi đơn tính của hội viên Bàn Tiến Nhị ở Chi hội thôn 1; nuôi cá quất, cá lăng, cá bỗng của hội viên Hoàng Văn Thu ở Chi hội thôn 1; mô hình trang trại vườn rừng tổng hợp của hội viên Bàn Phúc Xuân...
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đại Sơn luôn giữ vững diện tích quế với 3.000 ha, hàng năm cho khai thác quế vỏ khô đạt trên 475 tấn, tận thu gỗ quế trên 4.000 m3 và hàng nghìn tấn cành, lá.
Đến thăm mô hình chăn nuôi của hội viên Bàn Tiến Nhị ở Chi hội thôn 1, anh bộc bạch: "Qua học tập, tập huấn và tìm hiểu thông tin, tôi nhận thấy hướng phát triển kinh tế truyền thống ngày càng hạn chế vì đất đai hạn hẹp do con người đông lên nên tôi bắt đầu học hỏi hướng phát triển kinh tế hiện đại, không cần nhiều đất, nhưng hiệu quả cao. Sau 2 năm thực hiện mô hình chăn nuôi lợn rừng lai, kết hợp nuôi cá rô phi đơn tính trên diện tích hơn 1.000 m2 ao, sau khi trừ chi phí tôi có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm”.
Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhất là sự đồng hành, giúp đỡ trực tiếp của HND xã Đại Sơn đã tạo chỗ dựa vững chắc về vật chất, kinh nghiệm, kỹ thuật, tạo động lực tinh thần giúp hội viên mạnh dạn khai thác thế mạnh tại chỗ phát triển kinh tế.
Hết năm 2018, Hội có 8 mô hình sản xuất, kinh doanh cho thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên; có 7 hộ là điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được huyện, xã khen thưởng. HND xã đã góp phần không nhỏ vào việc giảm hộ nghèo chung của xã từ 344 hộ năm 2018 xuống còn 269 hộ.
Những hội viên có kinh tế khá giả xây được nhà kiên cố, mua sắm được tiện nghi sinh hoạt hiện đại phục vụ đời sống chiếm tới trên 20% số hộ toàn xã.
A Mua