Thầy giáo Trần Tuấn Ngọc - Quyền hiệu trưởng Trường CĐYT Yên Bái cho biết, mấy năm trở lại đây Trường CĐYT Yên Bái gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng, nguyên nhân cơ bản là sinh viên sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm tại các cơ sở y tế Nhà nước.
Đứng trước khó khăn đó, năm 2017, nhà trường đã ký kết hợp tác với Công ty Tam Quy, tổ chức đào tạo kiến thức, nghiệp vụ y tế, kết hợp với dạy tiếng Nhật cho các sinh viên. Tham gia chương trình đào tạo, các em sẽ được dạy miễn phí tiếng Nhật trong năm học cuối, phía Tam Quy còn hỗ trợ 500 nghìn đồng/sinh viên/tháng và hỗ trợ tiền nhà ở, tiền điện, tiền nước.
Là mô hình liên kết đào tạo mới cộng với tâm lý ngại ngùng, lo lắng của sinh viên và các bậc phụ huynh nên số sinh viên tham gia Chương trình không nhiều, sau một năm chỉ còn 6 sinh viên điều dưỡng khóa III hoàn thành chương trình đào tạo để tham gia kỳ thi tiếng và được cấp chứng chỉ tiếng Nhật N4 trở lên (trong số 6 sinh viên đi thi có 2 sinh viên đạt chứng chỉ N3) và đã lựa chọn được đơn hàng để sang Nhật làm việc.
Ngày 3/4/2019, Lễ xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc đã được Trường CĐYT Yên Bái tổ chức. 6 điều dưỡng gồm 2 nam, 4 nữ trong bộ đồng phục mới, lưu luyến chia tay thầy cô và bạn bè để về Nội Bài bay sang Nhật Bản làm việc.
Những lời căn dặn ân cần, những phát biểu xúc động và cả những ánh mắt lưu luyến giữa thầy cô và các bạn, giữa người ở và người đi thật bồi hồi nhưng đầy ắp niềm vui vì 6 sinh viên và các bậc phụ huynh của các em đã có một sự lựa chọn đúng.
Phía các thầy cô giáo và lãnh đạo Công ty Tam Quy đều chung quan điểm rằng: "6 sinh viên là những hạt giống, là sự khởi đầu tốt đẹp cho sinh viên Trường CĐYT Yên Bái và rất nhiều bạn trẻ khác còn đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông bước ra thế giới, với một tâm thế mới, để học tập, lao động tăng thêm thu nhập, bồi dưỡng thêm kiến thức giúp cho bản thân và quê hương đất nước sau này”.
Được biết, điều dưỡng sang Nhật Bản làm việc sẽ có thu nhập ít nhất 26 triệu đồng mỗi tháng, thời gian làm việc là 3 năm và có thể gia hạn thêm 2 năm nếu có nhu cầu; đặc biệt, sau 1 năm làm việc tại Nhật Bản, nếu thi tiếp để đạt chứng chỉ tiếng Nhật N3 trở lên, người lao động sẽ được thi và cấp Chứng chỉ Điều dưỡng Quốc gia, đạt được mục tiêu này thì mức lương hàng tháng sẽ rất cao, đồng thời được sống và làm việc không thời hạn tại nước Nhật.
Trở lại với buổi Lễ xuất cảnh tại Trường CĐYT Yên Bái, điều dưỡng Nguyễn Thị Hường, ở phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái, là một trong số 6 điều dưỡng sang Nhật làm việc chuyến đầu tâm sự: "Khi tham gia Chương trình, không ít người thân, trong đó cả cha mẹ em đều phản đối. Tuy nhiên, phần vì khó khăn trong tìm kiếm việc làm tại Yên Bái, phần vì mọi người đều thấy được những cơ hội khi sang Nhật làm việc nên đã đồng ý và động viên em, từ đó em quyết tâm học tập và hôm nay lên đường".
"Sang Nhật, em sẽ giữ liên lạc với các thầy cô, bạn bè và nhất là các bạn khóa sau, kể lại chân thực cuộc sống, việc làm và thu nhập để mọi người đều biết và có quyết định đúng đắn” - Hường nói.
Trong số 6 điều dưỡng của Trường CĐYT Yên Bái lên đường sang Nhật Bản làm việc vào ngày 3/4 có một nhân vật rất đáng nói, đó là bạn Cao Ngọc Huy - một điều dưỡng hiện có bác làm lãnh đạo một bệnh viện công quy mô lớn và một người chú là thành viên Hội đồng quản trị một bệnh viện tư nhân, điều ấy có nghĩa là cơ hội tìm kiếm việc làm của Huy là rất lớn.
Nhưng nói như ông Cao Ngọc Nam bố của Huy thì bản thân và xã hội cần có cái nhìn mới, cuộc sống không nên và không thể dựa vào người khác. Sang Nhật làm việc, các em được mở mang kiến thức nói chung, nâng cao chuyên môn y tế nói riêng, chưa kể sẽ có một khoản vốn lớn để lo cho cuộc sống và tương lai sau này.
"Tôi và con tôi đều tin vào quyết định của mình là đúng và hoàn toàn tin tưởng cháu sẽ tiếp tục ở lại Nhật Bản làm việc lâu dài. Sau 3 hoặc 5 năm, nếu con tôi về nước, nó đủ kiến thức và điều kiện để tự lo cho cuộc sống hoặc tự tin thi tuyển vào vị trí điều dưỡng ở bất kỳ bệnh viện nào” - ông Cao Ngọc Nam chia sẻ.
Theo ghi nhận của chúng tôi, kết quả trong công tác xuất khẩu lao động tại tỉnh Yên Bái những năm qua gặp rất nhiều khó khăn do chi phí ban đầu tương đối lớn (sang Nhật làm điều dưỡng hết khoảng 80 triệu đồng); chất lượng lao động của chúng ta khá thấp (chưa có nghề nghiệp, chưa biết tiếng) nên chỉ nhận được những đơn hàng lao động giản đơn, làm nặng nhọc, thu nhập thấp...
Tâm lý không muốn xa gia đình của các bạn trẻ, không muốn xa con cái của các bậc phụ huynh cũng là rào cản rất lớn.
Từ những hạn chế vừa nêu và kết quả bước đầu trong việc liên kết đào tạo và đưa điều dưỡng sang Nhật làm việc của Trường CĐYT Yên Bái cho thấy, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác xuất khẩu lao động, lấy những câu chuyện về đời sống, việc làm và thu nhập thực tế của người lao động tại nước sở tại làm thí dụ chứng minh.
Cùng với đó là đẩy mạnh triển khai những chính sách hỗ trợ cho vay xuất khẩu lao động; khuyến khích những mô hình liên doanh, liên kết... để khai thác tiềm năng trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, mang lại cơ hội việc làm và thu nhập cũng như nâng cao kỹ năng lao động cho người dân Yên Bái; để 6 "hạt giống” ở Trường CĐYT Yên Bái sẽ mở đầu cho phong trào học điều dưỡng, sang Nhật làm việc của nhiều học sinh sau khi kết thúc chương trình THPT.
Lê Phiên