Tại Việt Nam, trong giai đoạn đầu chuẩn bị triển khai mô hình, khi sự hiểu biết về Methadone vẫn còn hạn chế, còn nhiều ý kiến trái chiều về việc triển khai phương pháp điều trị này. Tuy nhiên, qua công tác tuyên truyền và vận động, mô hình đã được sự ủng hộ từ Trung ương đến địa phương cũng như cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi cho việc triển khai cũng như hiệu quả của mô hình.
Trên thế giới, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai tại Canada từ năm 1959 (tức là từ 58 năm trước) và đến nay đã được mở rộng ra gần 80 quốc gia.
Một số nước triển khai chương trình điều trị bằng Methadone rất hiệu quả như: Mỹ, năm 2010, đã có hơn 267.000 người được điều trị Methadone; tại Úc thì liệu pháp Methadone triển khai từ năm 1969, đến nay, đã có 35.850 người được điều trị; tại Châu Á, liệu pháp Methadone đã được thực hiện ở nhiều nước; Trung Quốc triển khai từ năm 2004, tính đến cuối năm 2010 đã có 140.000 người tham gia điều trị.
Tại Yên Bái, từ năm 2013 đến nay đã triển khai điều trị thay thế các dạng thuốc phiện bằng Methadone ở 8 cơ sở trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố gồm: thành phố Yên Bái, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ với tổng số 1.026 bệnh nhân đang điều trị.
Theo thống kê tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cơ sở điều trị Methadone đang điều trị cho 350 người nghiện, trong đó, Viêm gan C chiếm 95,7% (335/350 người), viêm gan B chiếm 13,1% (46/350 người), nhiễm HIV chiếm 31,4% (110/350 người), bệnh nhân đồng nhiễm lao/HIV chiếm 17,1% (60/350 người).
Trong số đó, bệnh nhân duy trì tốt là 97,5% (341/350 người) trong khi rất nhiều tỉnh khu vực miền Bắc chỉ có tỷ lệ duy trì dưới 30%, tỷ lệ bệnh nhân tái nghiện được điều tra chiếm tỷ lệ 8,57% (30/350 người) và bệnh nhân còn sử dụng heroin trong khi đang điều trị Methadone là 5,1% (phát hiện qua các đợt xét nghiệm heroin đột xuất và định kỳ). Trong khi đó cai nghiện tập trung tỷ lệ tái nghiện là trên 90%.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng việc điều trị thay thế nghiện thuốc phiện bằng Methadone là không hiệu quả. Vậy câu hỏi đặt ra, tại sao phải điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone hay các thuốc thay thế khác? Hiệu quả chính của điều trị nghiện bằng Methadone đã được đánh giá tại các nước trên thế giới và ở Việt Nam đó là người nghiện giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy bất hợp pháp, không còn nhu cầu bức bách kiếm tiền để mua ma túy nên giảm tội phạm và giảm bạo lực gia đình, họ có khả năng lao động và tạo thu nhập, được sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng, chi phí điều trị thấp, trong khi đó trung tâm cai nghiện bắt buộc tỷ lệ bệnh nhân tái nghiện trên 90%.
Theo kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới, tại Việt Nam (Cục Phòng, chống HIV) và tại Yên Bái cho thấy điều trị Methadone có rất nhiều lợi ích, cụ thể như: chương trình Methadone được triển khai đã làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị.
Trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 24 tháng tỷ lệ này chỉ còn 15,87%; những thay đổi tích cực về giảm tỷ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm và tăng tỷ lệ thường xuyên sử dụng bao cao su trong nhóm bệnh nhân tham gia chương trình đã góp phần dự phòng lây nhiễm HIV, các bệnh lây truyền qua đường máu....
Cùng với đó, tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tiết kiệm chi phí, trung bình 1 bệnh nhân điều trị chỉ khoảng 6 - 8 triệu đồng/năm, giảm chi phí đầu tư vận hành; điều trị Methadone còn giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng; giúp làm giảm các hành vi bạo lực gia đình và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Mặt khác, người tham gia điều trị Methadone còn được chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội hỗ trợ, tìm việc làm ngoài cộng đồng, ngay bản thân người bệnh khi không còn nghiện ma túy cũng có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cũng như có việc làm trở lại.
Với một tỉnh kinh tế khó khăn, thu nhập thấp, dân trí chưa cao, tỷ lệ nghiện ma túy cao và diễn biến ngày càng phức tạp, việc điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone và các thuốc thay thế khác (buprenorphine) là vô cùng cần thiết, cấp bách và mang tính chiến lược!
Bác sỹ CKII Phan Duy Tiêu (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái)