Bệnh đục thủy tinh thể khá phổ biến ở người trên 60 tuổi, ngoài ra, còn có thể gặp ở người trẻ do bẩm sinh, nhưng không nhiều. Khi tuổi thọ trung bình của người Việt Nam càng tăng cao thì đồng nghĩa với tình trạng số người mắc bệnh đục thủ tinh thể ngày càng lớn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi người dân ít được tiếp cận với các dịch vụ y tế nói chung và chuyên khoa mắt nói riêng.
Trước tình trạng kể trên, ngay sau khi thành lập, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hữu Nghị 103 Yên Bái đã có chủ trương phát triển chuyên khoa mắt, trong đó tập trung đầu tư chuyên sâu kỹ thuật mổ Phaco, điều trị dứt điểm bệnh đục thủy tinh thể, đem lại ánh sáng cho người mù lòa.
Bác sỹ Hồ Hữu Hóa - Phó Giám đốc BVĐK Hữu Nghị 103 Yên Bái chia sẻ: "Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh đục thủy tinh thể như: môi trường, lối sống, chế độ dinh dưỡng, di truyền, chấn thương… Tuy nhiên, đục thủy tinh thể do tuổi tác chiếm tới 99%. Quá trình lão hóa tự nhiên, kèm theo các yếu tố nguy cơ như stress, tia tử ngoại, vi khuẩn, môi trường ô nhiễm,…. sẽ làm tổn thương các mạch máu nuôi dưỡng mắt, cộng thêm các viêm nhiễm vùng mắt là nguyên nhân chính khiến cho các Protein của thủy tinh thể bị co cụm lại, tạo thành những đám mây che phủ tầm nhìn của mắt, khi đó, bệnh nhân sẽ bị đục thủy tinh thể... tiến tới gây suy giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Các cụ xưa đã nói "Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay” để nhấn mạnh tầm quan trọng của đôi mắt cũng như nỗi khổ của con người ta khi rơi vào cảnh mù lòa. Xuất phát từ thực tiễn này, ngay sau khi thành lập, Bệnh viện chúng tôi đã đầu tư thiết bị phẫu thuật Phaco, cử bác sỹ đi học chuyên sâu và hợp tác với nhiều viện lớn chuyên ngành về nhãn khoa như: Viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Mắt quốc tế... để tổ chức điều trị dứt điểm bệnh đục thủy tinh thể cho bệnh nhân”.
Được biết, liên tục các ngày trong tuần, BVĐK Hữu Nghị 103 Yên Bái bố trí bác sỹ chuyên khoa khám mắt cho bệnh nhân, cùng với đó là tổ chức các chuyến đi cộng đồng về tận thôn bản vùng sâu, vùng xa, phối hợp với các cán bộ của trạm y tế cơ sở tổ chức khám các bệnh về mắt, sàng lọc bệnh nhân bị đục thủy tinh thể đưa về Bệnh viện để tiến hành các xét nghiệm và phẫu thuật.
Chi phí cho mỗi ca mổ là không hề thấp nhưng rất may, phần lớn người dân Yên Bái, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đều đã được bảo hiểm y tế bao phủ nên người bệnh không phải chi phí bất kỳ một khoản tiền nào.
Bác sỹ Nguyễn Văn Bình - Trưởng khoa Mắt - Tai Mũi Họng BVĐK Hữu Nghị 103 Yên Bái cho biết: "Phẫu thuật Phaco giúp khôi phục thị lực cho các bệnh nhân có thị lực bị giảm do đục thủy tinh thể. Phẫu thuật sử dụng một thiết bị siêu âm giúp phá vỡ và hút bỏ thủy tinh thể bị đục, sau đó thay thế bằng một ống kính nội nhãn (IOL), nhờ đó giúp khôi phục thị lực. Ưu điểm của phẫu thuật Phaco là thời gian phẫu thuật ngắn (thường kéo dài từ 5 - 7 phút); ít gây đau đớn, không chảy máu, vết mổ nhỏ nên không cần khâu, thời gian hồi phục nhanh, có thể về ngay trong ngày mà không cần ở lại qua đêm ở bệnh viện, tỷ lệ thành công cao, ít để lại biến chứng và đặc biệt điều chỉnh được hầu hết các tật khúc xạ (cận, loạn và viễn thị)”.
Sau khi phẫu thuật Phaco, bà Nguyễn Thị Duyên, 81 tuổi ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên vui vẻ cho biết: "Các bác sỹ chỉ làm một tý là xong, tôi không có cảm giác đau đớn gì, giờ nhìn rõ hẳn; trước đây thì quá khổ, lúc nào cũng phải lần mò”.
Niềm vui của bà Duyên cũng là niềm vui chung của hàng nghìn bệnh nhân bị đục thủy tinh thể đã được phẫu thuật Phaco tại BVĐK Hữu Nghị 103 Yên Bái. Được biết, thời gian tới Bệnh viện sẽ tiếp tục đầu tư các trang thiết bị hiện đại và cử bác sỹ đi đào tạo tại các bệnh viện chuyên ngành nhãn khoa nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và điều trị các bệnh về mắt nói riêng.
Lê Phiên