Vì sao số bệnh nhân Whitmore tăng?

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/9/2019 | 1:12:41 PM

Số ca Whitmore tăng gần đây không phải do bùng phát về dịch bệnh mà nhờ nhiều cơ sở đã xét nghiệm được đúng bệnh hơn.

Tiến sĩ Trung hướng dẫn các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới xét nghiệm vi khuẩn Whitmore.
Tiến sĩ Trung hướng dẫn các bác sĩ bệnh viện tuyến dưới xét nghiệm vi khuẩn Whitmore.


Tiến sĩ Trịnh Thành Trung, Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội, người có 15 năm kinh nghiệm nghiên cứu về bệnh Whitmore cho biết như trên. Ông khẳng định vi khuẩn Whitmore không phải là "vi khuẩn ăn thịt người" như nhiều người lầm tưởng.

"Phương cách vi khuẩn Whitmore tấn công gây viêm và áp xe ở các cơ quan trên cơ thể giống với các căn nguyên gây bệnh truyền nhiễm khác nên không thể nói vi khuẩn Whitmore theo những biệt danh vô căn cứ", ông Trung nói.

Trường hợp bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai bị vi khuẩn Whitmore tấn công mũi là một dạng viêm và áp xe ngoài da. Bệnh nhân này đã bị vi khuẩn Whitmore tấn công ở vị trí mỏng yếu (cánh mũi) của cơ thể, thời gian được chẩn đoán bệnh lâu, thời gian được chỉ định điều trị đúng kháng sinh bị chậm, nên tổ chức viêm và áp xe trên cánh mũi vỡ ra (giống như nhiều mụn mủ nhọt ngoài da khác), dẫn đến làm thay đổi hình dạng cánh mũi.

Theo tiến sĩ Trung, Whitmore là một bệnh truyền nhiễm được các nhà khoa học Pháp phát hiện ở Việt Nam 94 năm trước. Trong thời chiến, hàng nghìn binh lính Pháp và Mỹ đã bị phơi nhiễm và nhiễm bệnh. Những năm 70 của thế kỷ trước, Whitmore còn có tên gọi là "Vietnamese time-bomb; tức quả bom hẹn giờ của Việt Nam" nhằm ám chỉ một loại bệnh bị phơi nhiễm tại Việt Nam, ủ bệnh trong thời gian dài, và mãi sau đó mới phát bệnh trên cựu chiến binh Mỹ trở về.

Tuy nhiên, điều kiện y tế nước ta ngày đó và sau giải phóng còn khó khăn thiếu thốn, chưa thể làm chủ kỹ thuật xét nghiệm bệnh. Bên cạnh đó, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm khác lưu hành như sốt rét, lao, HIV, sốt xuất huyết... nên Whitmore chưa được quan tâm thực sự.

Xét nghiệm vi sinh ở nhiều bệnh viện chưa được đầu tư đúng tầm, dẫn đến căn bệnh đã bị bỏ sót và lãng quên. Chính vì vậy, bệnh Whitmore đã có thể bị chẩn đoán nhầm thành các bệnh truyền nhiễm khác hoặc nhầm thành các bệnh lao phổi, ung thư phổi, ung thư gan, ung thư tủy xương, ung thư máu, u tuyến liệt tuyến, quai bị (ở trẻ em)... 

Gần đây, nhiều cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến trung ương đã chú trọng triển khai xét nghiệm vi sinh, dần làm chủ được kỹ thuật xét nghiệm và từ đó đã phát hiện ra các ca bệnh.
Whitmore là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao và tử vong nhanh nếu bệnh nhân không được chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh theo đúng phác đồ khuyến cáo.

Ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện tại TP HCM vào năm 1925. Bệnh được ghi nhận ở Hà Nội và Huế vào năm 1928 và 1936. Bằng chứng đầu tiên trên thế giới về sự tồn tại của vi khuẩn gây bệnh Whitmore (Burkholderia pseudomallei) sống ngoài môi trường đất được các nhà khoa học Pháp công bố năm 1937 tại tỉnh Hải Dương và năm 1955 tại các tỉnh Nam Bộ.

Đến nay, công tác xét nghiệm vi sinh tại các bệnh viện bắt đầu được quan tâm, các bác sĩ cũng cảnh giác về căn bệnh Whitmore này.

"Chính vì chẩn đoán đúng bệnh nên số lượng ca bệnh tăng lên, chứ không phải bệnh đột ngột quay trở lại và bùng phát thành dịch", ông Trung nhấn mạnh.

Vi khuẩn Whitmore sống ở trong đất và lây nhiễm sang người qua con đường tiếp xúc trực tiếp các vết trầy xước da với đất nhiễm khuẩn. Khi đi vào cơ thể, vi khuẩn có thể tấn công các bộ phận của cơ thể (không loại trừ một bộ phận, một cơ quan cơ thể nào). Dạng phổ biến nhất là tấn công phổi. 

Bên cạnh đó vi khuẩn có thể tấn công gây áp xe cơ quan nội tạng như gan, thận, tim hoặc áp xe ngoài da, áp xe cơ, viêm xương khớp, viêm tuyến lệ, viêm tuyến nước bọt mang tai, viêm tai giữa, viêm màng não, sưng hạch cổ, viêm tuyến sinh dục tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn...

Hiện, có 38 bệnh viện ở 26 tỉnh, thành phố đã được đào tạo về phương pháp xét nghiệm bệnh, phát hiện được gần 1.000 ca nhiễm Whitmore trong cả nước.

Dự báo của các chuyên gia quốc tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 ca nhiễm bệnh và khoảng 5.000 ca tử vong. Theo ông Trung, cần nghiên cứu phát triển các kỹ thuật xét nghiệm nhanh để giúp bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh, từ đó điều trị bệnh nhân theo phác đồ kháng sinh khuyến cáo nhằm giảm nguy cơ tử vong. 

(Theo VnExpress)

Các tin khác

Chiều 16/9, Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh Hà Giang đã công bố Quyết định khai trừ Đảng đối với hai bị can: Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương.

Từ giờ đến cuối tuần, nền nhiệt miền Bắc sẽ giảm dần.

Lãnh đạo xã Phú Thịnh trao đổi với nhân dân về phát triển vùng cây ăn quả.

Xã Văn Lãng sáp nhập vào xã Phú Thịnh với tên gọi mới là xã Phú Thịnh. Sau khi sáp nhập, xã Phú Thịnh mới có diện tích tự nhiên trên 22,4 km vuông, 10 thôn, tổng dân số 5.260 người.

Người dân thôn Thác Cá học tập, nâng cao trình độ kiến thức.

Thôn Thác Cá là điểm sáng "Cộng đồng học tập” của xã Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục