Những tấm gương tiêu biểu mùa dịch
Dù đã bước vào tuổi 95, chi tiêu hàng ngày chỉ phụ thuộc vào số tiền trợ cấp song cụ Nguyễn Thị Nấng ở thôn Khe Chì, xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn đã dành dụm hơn 1,1 triệu đồng để ủng hộ cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Đã trải qua những ngày tháng vô cùng gian khổ của nạn đói năm 1945 rồi bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, trong thời điểm hiện nay, cụ Nấng càng thấm thía ý nghĩa của tinh thần đoàn kết và chủ trương "chống dịch như chống giặc”.
Cụ Nấng chia sẻ: "Tuổi đã cao, sức đã yếu, cuộc sống tuy chưa dư giả nhưng tôi mong muốn đóng góp chút công sức của mình cùng mọi người đẩy lùi dịch bệnh”.
Chỉ trong thời gian ngắn, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước "chống dịch như chống giặc” chung tay cùng các bác sĩ tuyến đầu chống dịch, xã Nghĩa Tâm đã tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên, doanh nghiệp, cá nhân trong xã ủng hộ với số tiền gần 28 triệu đồng, trao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Văn Chấn. Đây là sự ủng hộ, quyên góp của các cán bộ, đảng viên, tổ chức, cá nhân và các hộ dân trong toàn xã.
Ông Hoàng Ngọc Út - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm cho biết: "Qua tuyên truyền, vận động, nhân dân đã nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, ủng hộ, đồng thuận với những chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân Nghĩa Tâm đã góp phần chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình lại được phát huy”.
Phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bên cạnh việc tuân thủ nghiêm các quy định theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Văn Chấn đã có nhiều hoạt động thiết thực, góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Các tổ chức hội, đoàn thể và các địa phương đã phát động trong đoàn viên, hội viên và nhân dân đóng góp kinh phí để mua khẩu trang, nước sát khuẩn phát miễn phí cho người dân; đồng thời, tự may khẩu trang, mũ chắn giọt bắn y tế cấp phát cho cán bộ y tế và những hộ dân vùng đặc biệt khó khăn.
Bà Lò Thị Thúy Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cho biết: Chúng tôi tổ chức vận động Hội phụ nữ các xã, thị trấn, các tổ hợp tác, hộ gia đình, ai có máy may, ai biết may thì đều trực tiếp may khẩu trang. Người không có máy thì tham gia cắt, lên khuôn, tạo mẫu, tuyên truyền, phân phát khẩu trang. Những chiếc khẩu trang may ra đến đâu phát đến đấy cho trẻ em, người nghèo.
"Chỉ tính riêng trong tháng 4, hội viên phụ nữ huyện Văn Chấn đã làm gần 20.000 khẩu trang, trên 1.000 chiếc mũ chắn giọt bắn cấp phát miễn phí cho nhân dân” - bà Nga nói.
Có thể thấy, công tác phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19 ở Văn Chấn được cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng nhiều hình thức khác nhau, song tất cả đều chung một ý chí, đồng sức, đồng lòng.
Hòa vào tinh thần đó, ngành giáo dục và đào tạo huyện Văn Chấn đã phát động ủng hộ tới 62 đơn vị trường với hơn 1.760 cán bộ, giáo viên tham gia ủng hộ số tiền gần 230 triệu đồng, hàng nghìn khẩu trang và nước sát khuẩn.
Cô giáo Lê Thị Thúy Hằng - Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học và THCS Suối Quyền chia sẻ: "Được sự thống nhất của Ban Giám hiệu, công đoàn viên trong nhà trường, chúng tôi đã kêu gọi đóng góp kinh phí, ngày công mua sắm vật liệu làm mũ chắn giọt bắn. Mong muốn, chiếc mũ bảo hộ này sẽ bảo vệ các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch”.
Không còn là khẩu hiệu
Sau 1 tháng phát động chương trình ủng hộ phòng chống dịch Covid-19, huyện Văn Chấn đã nhận được sự chung tay, tham gia ủng hộ của gần 110 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn với tổng số tiền hơn 760 triệu đồng.
Trong đó, tiền mặt hơn 410 triệu đồng, còn lại là hiện vật gồm: khẩu trang y tế, khẩu trang vải, mặt nạ chắn giọt bắn, thuốc sát khuẩn, xà phòng, găng tay y tế và một số thực phẩm khô như gạo, mì tôm.
Ông Hà Hữu Thế - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Văn Chấn cho biết: "Ngay sau khi tiếp nhận các nguồn quỹ ủng hộ, chúng tôi đã tổng hợp và chuyển số hàng, tiền nhận được đến tận tay các cơ quan, đơn vị và nhân dân để phòng chống đại dịch. Thông qua đó, tinh thần đoàn kết, chung tay, góp sức của cả cộng đồng, xã hội đã được nhân lên, góp phần cùng cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Phát huy tinh thần "chống dịch như chống giặc”, nhân dân Văn Chấn đã đồng lòng, góp sức tùy theo khả năng của mình. Tinh thần đoàn kết, "tương thân tương ái”, "thương người như thể thương thân”, "lá lành đùm lá rách” của dân tộc tiếp tục được khơi dậy, hình thành khối đại đoàn kết chiến thắng đại dịch Covid-19.
Quang Sơn