Người mù là đối tượng yếu thế trong xã hội và là nhóm đối tượng khó khăn nhất trong cộng đồng người khuyết tật. Để giúp người mù có điều kiện học tập, nâng cao hiểu biết, học nghề, xóa bỏ mặc cảm, tự ti trong cuộc sống vươn lên hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, từ năm 2014, được sự cho phép của UBND tỉnh, Hội Người mù (HNM) Yên Bái đã được thành lập.
Từ khi thành lập đến nay, Hội đã phát huy tốt vai trò tập hợp hội viên; tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền phổ biến Điều lệ Hội, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với hội viên. Hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 690 người mù, trong đó độ tuổi lao động có 286 người (chiếm hơn 40%).
Xác định nhóm người mù trong độ tuổi lao động khá đông, song hầu hết đều không có việc làm, sống phụ thuộc vào gia đình nên với chức năng giáo dục, đào tạo dạy nghề, tạo việc làm cho người mù, HNM Yên Bái đã phối hợp với Hội Đông y tỉnh mở 5 lớp dạy nghề tẩm quất cổ truyền cho hơn 50 học viên; hỗ trợ đào tạo nghề cho 15 hội viên.
Đồng thời, hàng năm cử hội viên tham gia các lớp nâng cao tay nghề: massage Nhật Bản, Thụy Điển; tác động cột sống... do Trung tâm Phục hồi chức năng cho người mù tổ chức. Sau các khóa đào tạo, 100% các hội viên đều có việc làm tại các cơ sở tẩm quất, massage trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập từ 3 triệu đồng trở lên/tháng.
Nhiều người mù có tay nghề cao đã tự đứng lên mở cơ sở riêng như các hội viên: Nguyễn Ngọc Khuyến, Hoàng Văn Công, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Thị Hương... Toàn tỉnh hiện có 9 cơ sở tẩm quất người mù với tổng số hơn 20 kỹ thuật viên.
Bà Nguyễn Thị Phượng - Chủ tịch HNM Yên Bái cho biết: Với nhiều người lành lặn, bình thường về thể chất thì việc tự nuôi sống bản thân có khi còn gặp khó khăn nên đối với người mù càng khó khăn gấp bội, có khi là không tưởng nếu không có một nghị lực phi thường. Khuyết tật về đôi mắt, song với trí óc và các giác quan khác phát triển bình thường, nhiều người mù vẫn quyết chí vươn lên tìm ánh sáng cho cuộc đời mình và đóng góp cho xã hội.
Để góp phần chăm lo, giúp đỡ các hội viên về cả thể chất lẫn tinh thần, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng, hàng năm, Hội thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các hội viên nhân dịp lễ, tết, đồng thời xác định "nghề tẩm quất” là nghề phù hợp với sức khỏe, trình độ của người mù nên thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp mở các lớp dạy nghề, truyền nghề tẩm quất, massage cho các hội viên.
Mặc dù đã nỗ lực trong hoạt động và có những bước phát triển, song hiện nay, HNM Yên Bái vẫn gặp không ít khó khăn do tổ chức Hội mới được thành lập ở cấp tỉnh nên việc triển khai các hoạt động ở cơ sở có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả.
Công tác xã hội hóa chăm lo giúp đỡ người mù, tạo điều kiện cho người mù học nghề, tạo việc làm còn ít so với các địa phương khác trong cả nước; Hội vẫn chưa tiếp cận được vốn vay để giúp hội viên phát triển kinh tế, sản xuất; việc triển khai mở các lớp dạy chữ nổi Braille cho người mù chưa thường xuyên, liên tục nên số người mù biết chữ nổi trên địa bàn tỉnh rất ít.
Tỉnh chưa có các cơ sở có chức năng giáo dục, dạy nghề chuyên biệt để tổ chức các lớp dạy chữ, dạy nghề cho người mù nên người mù gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, mở mang kiến thức, nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết xã hội...
Tâm tư, nguyện vọng của phần đông người mù là được học chữ, học nghề, có việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống và được tham gia vào các hoạt động xã hội. Do đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ HNM triển khai các hoạt động.
Tích cực kêu gọi, vận động các nguồn xã hội hóa thực hiện các hoạt động an sinh xã hội giúp đỡ người mù; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giúp người mù sống vui, sống khỏe, tự tin vươn lên trong cuộc sống.
Hồng Oanh