Quyết định nêu rõ, sức khỏe sinh sản (SKSS) và sức khỏe tình dục (SKTD) là những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của vị thành niên, thanh niên. Đầu tư cho chăm sóc SKSS, SKTD là đầu tư cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước…
Mặc dù Việt Nam đạt được những thành công nhất định trong chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên, nhưng vẫn còn một số những bất cập như kiến thức, kỹ năng về chăm sóc SKSS, SKTD của vị thành niên, thanh niên còn hạn chế; giáo dục về SKSS, SKTD chưa tiếp cận được ở diện rộng; việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về SKSS, SKTD chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của vị thành niên, thanh niên...
Mục tiêu của Kế hoạch là cải thiện tình trạng SKSS, SKTD của vị thành niên, thanh niên; góp phần đưa vị thành niên, thanh niên trở thành một lực lượng lao động khỏe mạnh, phát huy hết tiềm năng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Những ưu tiên trước mắt
Theo Quyết định, trong giai đoạn 2020-2025 có một số định hướng ưu tiên gồm: Tăng cường nhận thức của các cấp chính quyền và nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng, bao gồm cả phụ huynh, thầy cô giáo, lãnh đạo doanh nghiệp và các cán bộ y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên.
Xây dựng chính sách, kế hoạch can thiệp dựa trên các bằng chứng khoa học thu được từ các cuộc điều tra, khảo sát và nghiên cứu khoa học. Tập trung các nhóm đối tượng ưu tiên: Vị thành niên lứa tuổi 10-14; vị thành niên, thanh niên 15-24 tuổi chưa kết hôn; vị thành niên, thanh niên khuyết tật; người di cư, lao động trẻ tại các khu công nghiệp và vị thành niên, thanh niên dân tộc thiểu số. Lựa chọn các can thiệp phù hợp với các điều kiện tự nhiên và xã hội, tôn trọng yếu tố văn hóa, tâm lý, phong tục, tập quán; huy động tối đa sự tham gia của người dân và cộng đồng trong việc triển khai công tác truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên.
Đồng thời, đẩy mạnh sự tham gia tích cực, chủ động và có ý nghĩa của vị thành niên, thanh niên (trao quyền) trong xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch can thiệp, triển khai thực hiện và theo dõi, giám sát, đánh giá về cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD (Sáng kiến thanh niên làm chủ: tự thiết kế, tự thực hiện, tự đánh giá).
Đi đôi với việc tăng cường tính sẵn có và chất lượng của mạng lưới cung cấp dịch vụ, cần tăng cường mức độ sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD của vị thành niên, thanh niên thông qua việc truyền thông, giáo dục sức khỏe, chú trọng giáo dục SKSS, SKTD toàn diện cho vị thành niên, thanh niên; hạn chế những rào cản, khó khăn khi tiếp cận đến dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên.
Gắn kết chặt chẽ các chương trình/dự án can thiệp về SKSS, SKTD với bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong nhóm vị thành niên, thanh niên, các chương trình y tế liên quan như chương trình DS-KHHGĐ, HIV/AIDS… và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác. Tiếp tục củng cố hệ thống thông tin về SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên, trong đó bao gồm cả những thông tin từ hệ thống y tế trong và ngoài công lập, nâng cao chất lượng thu thập, báo cáo và sử dụng thông tin dữ liệu phục vụ cho công tác lập kế hoạch dựa trên bằng chứng và công tác tuyên truyền vận động chính sách, nguồn lực, cho các mục tiêu về SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên.
(Theo chinhphu.vn)