Đã 80 tuổi, con cái lại không có điều kiện chăm sóc, bà Văn Thị Mai ở tổ dân phố Phúc Yên, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái vào sống tại Trung tâm CTXH&BTXH diện nuôi dưỡng tự nguyện từ tháng 7/2020.
Cũng do điều kiện con đi làm ăn xa trong khi sức khỏe bản thân không được tốt, bà Hoàng Thị Thanh, 54 tuổi ở phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ đã lựa chọn dịch vụ nuôi dưỡng tự nguyện này từ hơn một năm nay. Cả bà Thanh và bà Mai đều chia sẻ rằng, nơi đây giờ như ngôi nhà thứ hai của mình.
Từ khi triển khai đến nay, mô hình nuôi dưỡng tự nguyện tại Trung tâm đã chăm sóc cho 21 lượt đối tượng, trong đó chủ yếu là người cao tuổi (NCT), người khuyết tật đặc biệt nặng không có khả năng tự phục vụ. Hiện tại, Trung tâm đang chăm sóc, phục vụ 11 đối tượng. Những con số này cho thấy dấu hiệu tích cực về sự tin tưởng và sự cởi mở hơn trong lựa chọn hình thức nuôi dưỡng tự nguyện cho người thân của nhiều gia đình, nhất là NCT.
Trước nay, theo quan điểm truyền thống của xã hội Việt Nam, cha mẹ, ông bà nhất thiết phải ở cùng con cháu trong gia đình. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, mặc dù có thể sống chung trong cùng gia đình nhưng vì những lý do khách quan, nhiều gia đình không có điều kiện để quan tâm, chăm sóc cha mẹ, ông bà một cách phù hợp, như vậy không hẳn là đã dành được những điều tốt đẹp nhất cho ông bà, cha mẹ mình.
Tuy nhiên, vì những định kiến xã hội nên việc lựa chọn dịch vụ nuôi dưỡng tự nguyện như thế này chưa được nhìn nhận đúng với ý nghĩa của nó.
Ông Phạm Công Quyết - Giám đốc Trung tâm CTXH&BTXH tỉnh cho hay: "Với người già, quan trọng nhất là tạo được môi trường sống phù hợp. Đặt tiêu chí đó lên trước tiên, với mô hình nuôi dưỡng tự nguyện dành cho NCT, ngoài việc không gian ăn ở thuận tiện, hợp lý thì chúng tôi xây dựng một môi trường sống mà ở đó NCT được chăm sóc về chế độ dinh dưỡng hợp lý, được chăm sóc y tế thường xuyên và đặc biệt là được tham gia những hoạt động tinh thần phù hợp với NCT, có bạn già để cùng chia sẻ, trò chuyện".
Qua thực tế cho thấy, nhóm NCT còn minh mẫn cảm thấy đây là môi trường sống phù hợp, với nhiều người còn là giảm bớt sự cô đơn của tuổi già. Bởi vậy, nhìn nhận từ những yếu tố hợp lý như vậy với NCT để nhiều gia đình nói riêng và xã hội nói chung có cái nhìn cởi mở, đúng đắn với dịch vụ nuôi dưỡng tự nguyện như thế này, từ đó có những sự lựa chọn hợp lý cho cả gia đình và bản thân người được nuôi dưỡng.
Cởi bỏ những định kiến xã hội, hình thức nuôi dưỡng tự nguyện này cũng là giải pháp hợp lý cho nhiều gia đình trong việc chăm sóc người thân, nhất là với những gia đình không có thời gian để chăm sóc được chu đáo.
Bên cạnh việc nhìn nhận đúng đắn về sự hợp lý của nuôi dưỡng tự nguyện, để đạt hiệu quả mong muốn, việc các gia đình làm công tác tư tưởng cho chính NCT khi lựa chọn hình thức này là rất cần thiết, để tránh tâm lý bị "bỏ rơi” đối với NCT. Còn khi đã trải nghiệm thì chính NCT sẽ cảm nhận được "ngôi nhà thứ hai” của mình như thực tế chia sẻ của nhiều NCT đã và đang sinh sống tại đây.
Hiện nay, dịch vụ nuôi dưỡng tự nguyện có mức thu thí điểm là 4 triệu đồng/người/ tháng. Cơ sở vật chất của Trung tâm CTXH&BTXH hiện có khả năng đáp ứng cho nhu cầu của hàng trăm đối tượng.
Để dịch vụ nuôi dưỡng tự nguyện ngày một đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng chăm sóc và của xã hội, ngoài việc Trung tâm sẽ tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ nhân lực về mặt chuyên môn, quan tâm tới cơ sở vật chất thì còn hướng đến việc xây dựng đề án nuôi dưỡng NCT tự nguyện với mong muốn có được những điều kiện tốt hơn nữa của dịch vụ này.
Ngoài đối tượng là NCT, Trung tâm còn hướng đến dịch vụ chăm sóc đối tượng tự nguyện là người khuyết tật, trẻ tự kỷ và phấn đấu để trở thành địa chỉ tin cậy, đồng hành cùng nhiều gia đình trong chăm sóc, nuôi dưỡng người thân của họ.
Thu Hạnh