Đoàn viên Hờ A Dì ở bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải sau khi tốt nghiệp Học viện Quản lý giáo dục trở về quê, chưa xin được việc làm, anh mạnh dạn vay trên 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện về đầu tư chuồng, trại, mua dê giống về phát triển chăn nuôi. Anh tích cực đọc sách, báo, mạng Internet để trang bị thêm kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc đàn dê tốt hơn.
Sau 3 năm xây dựng mô hình trang trại, đàn dê đã phát triển từ 20 con lên gần 100 con. Ngoài phát triển chăn nuôi, anh còn trồng trên 300 gốc chanh tứ thời, hiện đã cho thu hoạch và trồng, chăm sóc trên 1 ha cây sơn tra. Trong năm qua, từ chăn nuôi dê và trồng trọt, gia đình anh thu về gần 100 triệu đồng. Nguồn thu ban đầu đã tạo niềm tin, giúp anh phát triển kinh tế đúng hướng.
Anh Hờ A Dì cho biết: "Dù không tìm được việc làm đúng chuyên môn đã học, nhưng tôi đã quyết tâm chuyển hướng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Dù vậy, khó khăn nhất của tôi là thiếu vốn nên tôi mong muốn được các ngành, đoàn thể và ngân hàng huyện tạo điều kiện giúp đỡ cho vay vốn để phát triển mô hình ngày càng hiệu quả hơn”.
Cùng xã với Hờ A Dì nhưng đoàn viên Thào A Su ở bản La Pán Tẩn lại chọn hướng khởi nghiệp bằng cách làm mô hình Homestay. Khi nhận ra, địa phương mình có nhiều cảnh đẹp về ruộng bậc thang, là tiềm năng du lịch, anh đã mạnh dạn vay 300 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện về đầu tư xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ dùng nội thất để phục vụ khách du lịch.
Sau 2 năm triển khai, xây dựng, anh Su đã hoàn thiện công trình nhà nghỉ với 20 gian, đáp ứng nhu cầu phục vụ từ 20 đến 30 khách trong mỗi đợt.
Anh Thào A Su chia sẻ: "La Pán Tẩn là vùng đất có tiềm năng du lịch, để thu hút du khách đến tham quan, đồng thời tăng thu nhập cho gia đình, tôi đã quyết tâm mở Homestay này”.
Không chỉ vậy, anh Su còn tích cực giới thiệu, quảng bá nét văn hóa truyền thống, ẩm thực, cảnh quan của địa phương tới du khách và tích cực cùng ĐVTN lập thân, lập nghiệp.
Đoàn xã La Pán Tẩn đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho ĐVTN. Từ đó, phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp với nhiều mô hình như: Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải do đoàn viên Giàng A Dê làm chủ; mô hình nhà nghỉ cộng đồng Homestay do đoàn viên Giàng A Vềnh làm chủ và nhiều mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả khác.
Hiện, hầu hết các mô hình kinh tế do ĐVTN làm chủ trên địa bàn xã La Pán Tẩn đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Đây là minh chứng cho tinh thần vượt khó trong lao động sản xuất của tuổi trẻ địa phương.
Bí thư Đoàn xã La Pán Tẩn - Lù A Tu chia sẻ: "Bên cạnh số ĐVTN đi làm việc ngoại tỉnh, số ĐVTN còn ở lại địa phương đều tích cực phát triển kinh tế và họ đã thành công, từng bước ổn định cuộc sống, thoát nghèo và vươn lên làm giàu”.
Phát huy tinh thần tiên phong của những thủ lĩnh trẻ tuổi ở vùng cao, Bí thư Đoàn xã Púng Luông - Lý A Tủa luôn gương mẫu, đi đầu với mô hình kinh tế tổng hợp nuôi 30 con dê, 15 con trâu, bò, trên 200 con gà, vịt và đàn chim bồ câu gần 50 con, tổng thu nhập đạt 200 triệu đồng/năm.
Anh Lý A Tủa chia sẻ về dự định của mình: "Tới đây, tôi tiếp tục mở rộng diện tích chăn thả và mở rộng chuồng trại để nuôi thêm lợn, gà thương phẩm. Là cán bộ Đoàn, nếu muốn vận động được ĐVTN tham gia phát triển kinh tế thì trước tiên bản thân mình phải làm trước để mở lối đi đã. Làm được như vậy, khi tuyên truyền, vận động ĐVTN mới nghe và làm theo”.
Thời gian qua, Huyện đoàn Mù Cang Chải đã chú trọng hỗ trợ, đầu tư, nghiên cứu kỹ nội dung, mô hình và cách thức tổ chức Chương trình "Thanh niên khởi nghiệp”, đảm bảo phù hợp với điều kiện của địa phương.
Cùng với đó là tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, phổ biến, hướng dẫn thực hiện theo phương thức sản xuất, kinh doanh mới. Ngoài ra, còn tổ chức các chuyến công tác đưa ĐVTN đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở trong và ngoài huyện; thực hiện tốt công tác ủy thác cho ĐVTN vay vốn để "khởi nghiệp” kịp thời.
Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế của ĐVTN trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Tổ hợp tác Thanh niên phát triển du lịch cộng đồng tại thị trấn Mù Cang Chải, Tổ hợp tác Doanh nghiệp vận tải tại xã Lao Chải, mô hình phát triển chăn nuôi gà thương phẩm tại xã Púng Luông, mô hình khai thác vật liệu xây dựng tại xã Khao Mang…
Phong trào thi đua lập thân, lập nghiệp vươn lên làm giàu chính đáng của ĐVTN huyện Mù Cang Chải trong thời gian qua đã khơi dậy tinh thần của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng cao.
Thời gian tới, Huyện đoàn Mù Cang Chải tiếp tục triển khai, thực hiện việc hỗ trợ cho ĐVTN "khởi nghiệp” theo hai hướng cụ thể là thành lập nhóm cùng sở thích làm Homestay, nhóm cùng phát triển chăn nuôi để phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo công ăn, việc làm cho ĐVTN trên địa bàn huyện.
Chí Sinh