Thực hiện "một trong ba khâu đột phá chiến lược”, trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Trong 5 năm (2015 - 2020), toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 98.000 người, trong đó có khoảng 78.800 lao động nông thôn (chiếm 80%), khoảng 56.000 lao động là người dân tộc thiểu số (chiếm 57%); toàn tỉnh có trên 26.800 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Đáng chú ý, hoạt động đào tạo nghề đã từng bước gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và thị trường lao động, tỷ lệ người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%.
Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, ước năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 63,2%, tăng 18% so với năm 2015, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 31,5%. Có 94% doanh nghiệp khi tham gia khảo sát đánh giá: chất lượng nguồn nhân lực đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Từ công tác đào tạo, cơ cấu lao động của tỉnh chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động lĩnh vực phi nông nghiệp đạt 40,1%, tăng 10% so với năm 2015, lĩnh vực nông nghiệp còn 59,9%.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh thời gian qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: lực lượng lao động tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn, đa số được đào tạo ở trình độ thấp; chất lượng đào tạo còn hạn chế dẫn đến một bộ phận lao động đã qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Việc tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp gặp khó khăn, công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông còn hạn chế; một bộ phận người lao động, chủ yếu là người dân tộc thiểu số còn có tâm lý ngại đi học nghề, làm việc xa nhà, khả năng thích ứng với môi trường sản xuất công nghiệp còn hạn chế...
Là nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, có ý nghĩa quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, Đảng ta đã xác định, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước là một trong ba đột phá của chiến lược.
Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, nhất là nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX đề ra mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho trên 18.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71% vào năm 2025, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp bình quân 1,8%/năm; tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp giảm còn 51,1% vào năm 2025...
Từ mục tiêu trên, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ này phải tiếp tục quy hoạch, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm hợp lý về quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, có phân tầng về chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực của tỉnh và thị trường lao động.
Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; các ngành nghề đào tạo đạt cấp độ quốc tế, ASEAN, quốc gia; đào tạo nghề theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh cần tiếp tục đầu tư chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo gồm: cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; đội ngũ nhà giáo; chương trình đào tạo... trong đó, phấn đấu sớm đưa Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái trở thành trường chất lượng cao của quốc gia, làm "đầu tàu” dẫn dắt hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh.
Trên cơ sở tiềm năng nguồn nhân lực hiện có, cần tập trung đẩy mạnh đào tạo, nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nhân lực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số qua: làm tốt khâu khảo sát nhu cầu của người học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề để tổ chức đào tạo.
Chú trọng đào tạo nghề gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề cho lao động làm nông nghiệp ở các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh, đào tạo nghề cho nông dân tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Trong đó, để thực hiện đào tạo nghề khu vực nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tiếp tục nâng cao nhận thức hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị, xã hội và mọi người dân về tầm quan trọng của đào tạo nghề từ đó quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất nông nghiệp; thực hiện hiệu quả Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Để nâng cao hiệu quả tuyển sinh và đào tạo, các cơ sở đào tạo cần có giải pháp để tự nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo qua đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhà giáo, giáo trình… Tỉnh cần tiếp tục ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách riêng thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
Trong đó, thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp theo cơ chế đặt hàng; có chính sách khuyến khích và hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại lao động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đổi mới cơ chế cấp phát ngân sách Nhà nước từ giao chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, chuyển sang cơ chế đặt hàng cung cấp dịch vụ đào tạo nghề dựa trên sản phẩm đầu ra gồm: số lượng, chất lượng và tỷ lệ có việc làm sau đào tạo.
Huy động nguồn lực xã hội hóa, nhất là nguồn lực đóng góp của các doanh nghiệp cho đào tạo nghề theo cơ chế đặt hàng hoặc mô hình hợp tác công - tư: tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp, học nghề, việc làm ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông nhằm thu hút học sinh sau khi tốt nghiệp tham gia học nghề ở các cấp trình độ, nhất là học nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp theo mục tiêu phân luồng của tỉnh.
Thực hiện thí điểm và nhân rộng theo lộ trình việc đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; đặc biệt là việc tăng tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số qua hỗ trợ học nghề theo chính sách dạy nghề nội trú khi tham gia học nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp tại các trường dạy nghề.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác khảo sát, dự báo nhu cầu nhân lực thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, trình độ, nhất là đối với những ngành nghề mới theo nhu cầu của thị trường lao động để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về lao động việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, người lao động tìm việc làm...
Nguyễn Đình