Là đô thị trung tâm, trong những năm qua, thành phố Yên Bái đã tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị.
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 19.700 tỷ đồng, gấp 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.
Từ các nguồn vốn đầu tư, nhiều công trình, dự án trọng điểm, quan trọng có quy mô lớn, liên kết vùng của tỉnh được triển khai trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi căn bản bộ mặt đô thị, tạo diện mạo mới, động lực phát triển cho thành phố.
Có thể kể đến các công trình cầu Bách Lẫm kết nối quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cầu Tuần Quán; đường nối quốc lộ 32C với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; công trình hạ tầng kỹ thuật Công viên Đồng Tâm...
Đảng bộ thành phố đề ra mục tiêu xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là "Xây dựng thành phố Yên Bái sớm trở thành đô thị loại II - xanh, bản sắc, hạnh phúc”, góp phần thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về xây dựng tỉnh Yên Bái theo hướng phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Để thực hiện mục tiêu này, Bí thư Thành ủy Đỗ Đức Minh cho biết, thành phố sẽ tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng xanh bền vững, đô thị hàm chứa sự đa dạng về địa hình - sông, núi, gò đồi, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa.
Trong đó, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả quy hoạch chung thành phố Yên Bái và vùng phụ cận đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060 để từng bước mở rộng không gian đô thị thành phố Yên Bái nhằm thu hút dân cư, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa.
Trong những năm qua, tỉnh Yên Bái có những cố gắng trong quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị, song hệ thống đô thị của tỉnh còn chưa phát triển cả về số lượng, chất lượng.
Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 12 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa đạt 20,2% (rất thấp so với tỷ lệ đô thị hóa bình quân cả nước là gần 40% với số dân cư sinh sống tại đô thị chiếm khoảng 45 triệu người).
Đóng góp của hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội còn khiêm tốn, khả năng thích ứng biến đổi khí hậu còn hạn chế, tính cạnh tranh còn thấp; hệ thống hạ tầng đô thị dần bị quá tải; việc huy động nguồn vốn để thực hiện dự án phát triển đô thị từ các khối kinh tế tư nhân và cộng đồng còn hạn chế.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị của tỉnh phải đạt 28% với tốc độ đô thị hóa trung bình đạt 1,5%/năm.
Đây là chỉ tiêu phấn đấu rất cao nếu so sánh tốc độ đô thị hóa của tỉnh Yên Bái trung bình trong 10 năm qua đạt khoảng 0,11%/năm (từ 19,8% năm 2010 và 20,77% năm 2019) và đối với cả nước đạt khoảng gần 1,9%/năm (từ 19,6% năm 2009 và 38,5% năm 2019).
Để đạt được mục tiêu này, Yên Bái xác định phát triển đô thị phải phù hợp với sự phân bố dân cư, trình độ phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng đô thị. Xây dựng hệ thống đô thị phát triển có tính cạnh tranh cao tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm tiền đề cho phát triển nông thôn.
Phân bổ hợp lý tạo sự phát triển cân đối giữa các vùng trong tỉnh, đảm bảo mối liên kết giữa đô thị và nông thôn, nâng cao chất lượng đô thị, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh, xanh, giàu bản sắc, phát triển bền vững trên cơ sở tổ chức không gian phù hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, việc phát triển đô thị phải đi đôi với quản lý đô thị, kiểm soát chặt chẽ theo quy chế đô thị, tăng cường đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch đã đề ra.
Huy động lồng ghép các nguồn vốn phát triển hạ tầng công trình, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội; ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng khung đô thị, hạ tầng kết nối đô thị và nông thôn; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý đô thị, quản lý phát triển mô hình đô thị thông minh.
Hà Anh