Chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2008, qua 12 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện thật sự có ý nghĩa sâu sắc đối với người lao động tự do, có thu nhập thấp và không ổn định.
Nhằm phát triển loại hình bảo hiểm này, thời gian qua, BHXH tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tổ chức các buổi đối thoại với người dân; mở rộng và nâng cao chất lượng các đại lý thu, đồng thời tăng cường công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong việc triển khai, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng để người tham gia được thụ hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được hưởng chế độ trợ cấp một lần và chế độ tử tuất; được cấp thẻ bảo hiểm y tế khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc.
Với những chính sách ưu việt trên, thời gian qua người dân đã tích cực tham gia, góp phần tạo niềm tin về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Bà Phạm Thị Hằng ở tổ dân phố số 9, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên là lao động tự do, khi được cán bộ BHXH tuyên truyền về quyền lợi khi tham gia mua BHXH tự nguyện, bà đã tham gia ngay với mong muốn khi về già có đồng lương hưu để chủ động trong cuộc sống, phòng lúc ốm đau bệnh tật không phải dựa vào con cháu.
Bà Hằng cho biết: "Trước đây chưa hiểu về những quyền và lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện nên bản thân và gia đình không tham gia. Từ khi được cán bộ BHXH vận động, tuyên truyền và các chính sách ưu việt của loại hình bảo hiểm này như hưởng lương hưu, hưởng chế độ trợ cấp một lần và chế độ tử tuất... tôi đã tham gia với mức đóng là hơn 200.000 đồng/tháng".
"Số tiền này nếu không tham gia BHXH tự nguyện thì cũng tiêu hết mà tham gia sau 20 năm nữa khi đó tuổi già không đi chợ bán hàng được nữa thì mỗi tháng có trên 3 triệu đồng tiền lương hưu” - bà Hằng nói.
Yên Bái là một tỉnh miền núi, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn, nhiều người dân chưa hiểu rõ chính sách BHXH tự nguyện.
Do đó, để phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, hàng năm BHXH tỉnh đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, trong đó có chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Đồng thời, BHXH phối hợp với các sở ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, trực tiếp vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Đặc biệt thông qua các buổi hội nghị tổ chức tại các xã đã thu hút đông đảo người dân tham dự và sau mỗi hội nghị có trên 30% số người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. BHXH tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức các đợt ra quân tuyên truyền trực tiếp tại các nơi công cộng như: các chợ, bến xe...
Trong 10 tháng năm 2020, BHXH tỉnh đã phối hợp với các địa phương mở trên 300 hội nghị với gần 17.000 người tham gia. Tính đến hết tháng 10 toàn tỉnh có trên 13.630 người tham gia BHXH tự nguyện.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ được giao về thực hiện BHXH toàn dân, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu được giao là phát triển trên 16.540 người tham gia BHXH tự nguyện vào cuối năm nay, BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng các hình thức tuyên truyền như: phát tờ rơi, tổ chức đối thoại trực tiếp, cử cán bộ xuống tận các hộ gia đình... tập trung vào những đối tượng là lao động tự do, nông dân.
Cùng với sự quyết tâm của BHXH tỉnh thì để hoàn thành kế hoạch phát triển BHXH tự nguyện năm 2020 cũng rất cần sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hồng Duyên