Cái lý, cái tình

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/4/2021 | 7:49:06 AM

YênBái - Khi ngôi nhà xuống cấp, anh chị bỏ tiền ra xây cất lại để gia đình ba thế hệ sinh hoạt cho thuận tiện. Bỏ gần tỷ đồng ra xây nhà trên đất của cha mẹ, anh chị nào có nghĩ tới chuyện thiệt hơn, càng không nghĩ đến những chuyện phức tạp nảy sinh sau này...

Chị về làm dâu khi hai người anh chồng đã lấy vợ và sinh sống ở xa. Vợ chồng chị ở với cha mẹ chồng, đương nhiên có nghĩa vụ chăm sóc và nuôi dưỡng. Tuy chưa ai nói ra, chưa làm thủ tục thừa kế tài sản theo quy định của pháp luật nhưng trong nội tộc thì cũng coi như là anh chị được thừa kế thửa đất và ngôi nhà cũ.

Khi ngôi nhà xuống cấp, anh chị bỏ tiền ra xây cất lại để gia đình ba thế hệ sinh hoạt cho thuận tiện. Bỏ gần tỷ đồng ra xây nhà trên đất của cha mẹ, anh chị nào có nghĩ tới chuyện thiệt hơn, càng không nghĩ đến những chuyện phức tạp nảy sinh sau này. 

Trước khi xây cất, anh chị báo cáo đầy đủ với các bác và đều nhận được những lời động viên. Vợ chồng các bác còn hỗ trợ mỗi người mấy chục triệu đồng. Khi trao tiền, các bác còn nói rõ, đó không phải là giúp mà là để cô chú xây ngôi nhà cho khang trang, mai này cha mẹ khuất núi, có chỗ mà thờ tự, giỗ chạp cho rộng rãi!

Mọi chuyện vẫn êm xuôi cho đến khi cả hai ông bà lần lượt khuất núi. Không lâu sau đó, chồng chị cũng qua đời. Hơn 2 năm, mất ba người thân, chị suy sụp hoàn toàn, sức khỏe đi xuống nhanh chóng, bộ dạng cũng tiều tụy hẳn. Lo tang lễ cho chồng, chị thầm nhủ, sẽ ở vậy, thờ chồng, nuôi con; tới đây, sẽ động viên thằng út chuyển về tỉnh làm việc, rồi lấy vợ, sinh con cho mình đỡ cô quạnh. 

Hôm rồi làm giỗ đầu cho chồng, chị mời đầy đủ các bác về dự, hương nhang, lễ lạt, ăn uống xong, mọi người quây quần bên bàn nước thì chị dâu cả có ý kiến: "Ngôi nhà này do cha mẹ để lại, là phúc phận của cả ba anh em, chị em dâu cũng có quyền lợi và nghĩa vụ. Nay ông bà mất hết rồi, dù chưa làm thừa kế nhưng  theo luật định thì ai cũng như ai, chia ba là được”. 

Nghe bác dâu cả nói, chị thấy choáng váng. Chưa kịp nói gì thì người anh chồng thứ hai lên tiếng: "Tôi đồng ý hoàn toàn. Nhà này giờ được giá khoảng 2 tỷ đồng, ai lấy thì trả tiền cho những người còn lại. Nếu không ai lấy thì bán đi, chia ba là xong!”. "Ý thím út thế nào?” - bác cả vốn là người ít nói nhưng vẫn luôn quả quyết.

 "Em thì, em thì muốn ở cái nhà này nhưng… thực sự là không thể có trên 1 tỷ đồng để đưa lại cho các bác” - chị tỏ ra rất lúng túng. Nghe chị nói vậy, người thở dài, người lắc đầu, rồi biên bản nhanh chóng được thông qua, photocopy làm 3 bản, chữ ký đầy đủ.

Gần ba tháng sau, với chị, đó là khoảng thời gian rất dài. Chiều nay, mọi người lại tụ về để mai làm giỗ ông nội. Tâm trạng chị thực sự lo lắng, rất có thể, chiều mai, chị sẽ phải chuyển đi nơi khác tá túc tạm thời. Bữa cơm chiều được chuẩn bị khá chu toàn. 

Uống đến chén rượu thứ 3, bác cả hắng giọng: "Tôi đã thông qua mấy người rồi, ngôi nhà này sẽ được phán quyết như sau: Chuyển quyền sử dụng đất đứng tên cho thằng cu nhà chú út. Nó không phải đích tôn nhưng cũng là cháu nội, vợ chồng tôi không có con trai thì không bàn, nhà chú hai có đích tôn nhưng nhà cao, cửa rộng, sinh sống dưới Hà Nội rồi thì về đây làm gì. Ngôi nhà này cần được giữ lại để lấy chỗ thờ phụng cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Các chú thím thấy thế được chưa?”. 

Yên lặng giây lát, thằng cháu đích tôn lên tiếng: "Bác cả nói đúng rồi! Cháu là trai trưởng họ thật nhưng ở xa thế thì làm sao mà hương khói tổ tiên được. Lần trước nghe chuyện chia nhà, cháu cũng rất suy nghĩ. Làm thế, thím út sẽ ở đâu. Bán ngôi nhà này là bán luôn kỷ vật của ông bà nội, mất luôn bao kỷ niệm đẹp của cả dòng họ; chia đều theo pháp luật không sai, nhưng làm thế sẽ không công bằng vì chú thím út có công chăm sóc ông bà, bỏ tiền ra xây cất ngôi nhà này”. 

Đang cho thêm nước vào bát canh miến, chị dừng tay rồi bảo: "Em cũng đã chuẩn bị 400 triệu đồng đây rồi, định bụng, ngay mai làm giỗ xong sẽ thưa chuyện với các bác”. 

"Thôi, khỏi cần, tiền đâu ra hay lại đi vay ngân hàng” - bác cả nói như trách mắng.

Hôm sau, thắp hương giỗ cha, bác cả lầm rầm khấn: "Con xin lỗi cha! Chúng con suy nghĩ hồ đồ quá!” rồi dòng nước mắt đục lăn trên má.

Lê Tấn Đạt

Các tin khác

Gia đình đồng chí Trung tá Lương Văn Thao xin cảm ơn:

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái đã mổ loại bỏ thành công khối u cho bệnh nhân.

Người được các bác sỹ cắt bỏ khối u là bà Đặng Thị P. (49 tuổi) dân tộc Dao ở huyện Văn Yên.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, thành phố Yên Bái thực hiện các thủ tục làm thẻ CCCD.

Công an thành phố Yên Bái chính thức tổ chức trả thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử cho trên 2.500 công dân.

Thăm hỏi chị Lò Thị Quyết, tại bản Mường Nhé mới, xã Mường Nhé - hộ gia đình vừa được nhận nhà mới theo dự án làm nhà cho hộ nghèo do Bộ Công an phát động. Ảnh minh họa

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục