Chiều tối 1/7, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ký ban hành Nghị quyết 68, đưa ra 12 chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Đây là một quyết định kịp thời, được ví như "cơn mưa" đúng lúc, trong những ngày "nóng" của làn sóng thứ 4 của dịch bệnh.
Nghị quyết 68 là gói hỗ thứ 2 được đưa ra. Trước đó, Nghị quyết 42 của Chính phủ cũng đã chi khoảng 39.000 tỷ đồng, cho khoảng 14,4 triệu người được thụ hưởng. Tuy nhiên, Nghị quyết 42 đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020.
Do vậy, đối mặt với đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68, để kịp thời hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, từ ngày 1/5 - 31/12/2021. Điểm mới của gói hỗ trợ thứ 2 đó là bổ sung nhiều nhóm thụ hưởng mới.
Những ai sẽ nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng?
Có 12 nhóm chính sách được hưởng hỗ trợ, bao gồm nhiều nhóm đối tượng như người thất nghiệp, lao động tự do, hộ cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, trẻ em và phụ nữ mang thai... Tuy nhiên, trong 12 nhóm chính sách này có một số nhóm chính sách tác động tích cực cho người lao động và sự hồi phục kinh tế như:
+ Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng;
+ Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng;
+ Hỗ trợ một lần người lao động nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ dưới 1 tháng hỗ trợ 1,855 triệu đồng/người. Nghỉ trên 1 tháng hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người;
+ Hỗ trợ các hộ kinh doanh 3 triệu đồng/hộ nếu dừng kinh doanh 15 ngày trở lên;
+ Hỗ trợ lao động tự do, mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày;
+ Doanh nghiệp được vay không lãi suất để trả lương cho người lao động, phục hồi sản xuất.
Gói 26.000 tỷ đồng tiếp sức cho doanh nghiệp, người lao động
Một điểm mới khác của Nghị quyết 68 đó là chuyển hỗ trợ lao động tự do cho các địa phương, tự bố trí ngân sách thực hiện. Bởi trước đây khi thực hiện Nghị quyết 42, việc Chính phủ trực tiếp hỗ trợ cho nhóm lao động này gặp nhiều khó khăn, do các lao động này di chuyển thường xuyên và cư trú không ổn định.
Năm 2020, cả nước có tới 19,5 triệu người lao động tự do, không có hợp đồng nhưng chỉ hỗ trợ được cho hơn 1 triệu lao động. Do vậy, triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng, Chính phủ đã giao cho các tỉnh, thành, căn cứ vào điều kiện, khả năng ngân sách, để xác định các mức hỗ trợ cho lao động tự do. Chính phủ quy định mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng 1 người, hoặc 50.000 đồng/ngày.
Nghị quyết 68 được ban hành đúng lúc doanh nghiệp và người lao động đang gặp thời kỳ khó khăn nhất, khi mức độ ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 được đánh giá là sâu và rộng nhất so với 3 đợt dịch trước. Bất kì sự hỗ trợ nào lúc này cũng rất quý báu cho doanh nghiệp và người lao động.
Theo thống kê của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2020 có tới 87% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. 1/3 doanh nghiệp đã phải sa thải lao động do tình hình kinh doanh suy giảm.
Năm nay, dù chưa có thống kê nhưng làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn ra lâu hơn, trên diện rộng hơn, do vậy số doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng sẽ là không nhỏ. Các địa phương cho rằng, gói hỗ trợ lần 2 này thật sự rất cấp bách và cần thiết.
Dự kiến, những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, những doanh nghiệp thành lập dưới 3 năm sẽ được thụ hưởng nhiều từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng này.
Chính sách hỗ trợ đã ban hành, doanh nghiệp và người lao động đều phấn khởi. Nhưng điều mà họ còn băn khoăn, đó là làm sao để tiếp cận được với gói hỗ trợ một cách nhanh nhất. Bởi trước đó, Nghị quyết 42, kết quả hỗ trợ vẫn chưa đạt như kỳ vọng đề ra.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 27/5/2021, gói hỗ trợ tiền mặt của Nghị quyết 42 thực hiện được khoảng 13.000 tỷ đồng, đạt 36,5% quy mô gói hỗ trợ.
Đặc biệt là gói cho doanh nghiệp vay để trả lương chỉ giải ngân được hơn 41 tỷ đồng, tương đương với 0,26% quy mô gói hỗ trợ. Gói tạm dừng đóng bảo hiểm, hưu trí cũng chỉ giải ngân được 12% quy mô.
Nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách, được cho là do có quá nhiều điều kiện khắt khe. Ví dụ như doanh nghiệp vay vốn phải có từ 30% lao động đang tham gia bảo hiểm, phải ngừng việc từ 1 tháng trở lên; doanh nghiệp không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương, đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động…
Tinh thần "4 dễ"...
Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết 42, việc triển khai gói hỗ trợ lần thứ 2 này được Chính phủ đề ra, cần đảm bảo tinh thần ngắn gọn đi kèm 4 dễ đó là " dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và dễ thực hiện, tránh thủ tục phiền hà".
Trong buổi họp Chính phủ được diễn ra chiều tối 1/7, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng sẽ được triển khai trên tinh thần tinh giản tối đa 2/3 thủ tục hành chính so với trước đây.
"Miễn giảm toàn bộ quỹ an toàn lao động bây giờ chỉ cần một quyết định là doanh nghiệp đến bảo hiểm, đưa toàn bộ danh sách mình đã đóng hàng tháng, sau đó bảo hiểm ra quyết định hỗ trợ ngay. Chúng tôi cũng quy định rất rõ thời gian như khi nhận hồ sơ trong 2 hoặc 3 ngày là phải xử lý ngay, nếu không xử lý hoặc không đồng ý thì trả lời bằng văn bản ngay cho người sử dụng lao động, người lao động", ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết.
Với tinh thần triển khai gói hỗ trợ nhanh chóng như trên, doanh nghiệp và người lao động kỳ vọng sẽ sớm được tiếp cận, thụ hưởng chính sách ý nghĩa này.
"Sức đề kháng" của doanh nghiệp và người lao động đang ngày yếu đi, rất cần sự hỗ trợ kịp thời, để hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống cho người dân.
(Theo VTV)