Là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, những năm qua, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh quan tâm, triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, có hiệu quả. Ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã tăng cường nỗ lực khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHYT.
Đặc biệt, thời gian gần đây, việc thực hiện ứng dụng BHXH số (cài phần mềm VssID trên điện thoại) đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân cũng như đội ngũ nhân viên y tế trong việc hoàn tất các thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh. Số người tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.
Tính đến hết tháng 6/2021, Yên Bái có 809.500 người tham gia BHYT, tương ứng bao phủ 97,3% dân số, đã hoàn thành vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ theo Quyết định số 1167/QĐ/TTg của Chính phủ giao (chỉ tiêu giao cho tỉnh Yên Bái là 90,5% và UBND tỉnh giao là 96,5%).
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT; kịp thời cải cách thủ tục hành chính và cung ứng dịch vụ kỹ thuật, tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, điều trị bệnh BHYT.
Mặc dù đã đạt được những kết quả ấn tượng trong việc thực hiện BHYT nhưng trên thực tế vẫn còn không ít người dân chưa hiểu hết được giá trị của tấm thẻ BHYT. Với nhiều người, mức đóng BHYT hiện nay là khá cao, nhất là các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng không thuộc diện nghèo để được cấp thẻ BHYT. Tỷ lệ tham gia BHYT hộ gia đình ở các đối tượng hộ gia đình cận nghèo còn thấp. Tình trạng doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn diễn ra là một rào cản trong việc tăng số người tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh ở một số cơ sở y tế, nhất là cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Nhiều người dù tham gia BHYT vẫn chưa hiểu rõ các quyền lợi mình được hưởng hay nghĩa vụ mình phải thực hiện.
Đặc biệt, từ ngày 04/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 16/01/2021 về việc các xã, thôn, trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp tục thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội đã ban hành.
Tỉnh Yên Bái trước đây có 68 xã khu vực II, 81 xã khu vực III và 158 thôn đặc biệt khó khăn trong xã khu vực II, đến nay chỉ còn 11 xã khu vực II, 59 xã khu vực III trong đó các xã khu vực III, khu vực II đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, khu vực II.
Như vậy, số đối tượng được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT giảm khoảng 170.000 người, bằng 21% số người tham gia BHYT trên địa bàn. Với khoảng 170.000 người dân, tương ứng với 20,05% dân số không được hỗ trợ mua thẻ BHYT đồng nghĩa với việc số người dân này nếu không may bị ốm đau, bệnh tật khi đi khám chữa bệnh không được quỹ BHYT chi trả. Đây thực sự là một gánh nặng rất lớn đối với nhiều hộ gia đình nghèo, tỷ lệ tái nghèo sẽ tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ tiêu bao phủ BHYT của tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân, với chủ đề truyền thông Ngày BHYT Việt Nam năm nay là: "Thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi dịch Covid-19”, BHXH tỉnh đã chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã tích cực hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam 1/7; tăng cường các hoạt động tuyên truyền đợt cao điểm BHYT, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân trong thực thi pháp luật về BHYT, nhất là việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến y tế cơ sở đáp ứng sự hài lòng của người dân; đồng thời góp phần mở rộng diện bao phủ BHYT, hướng tới BHYT toàn dân.
Được biết ngay trong tháng 7 này, BHXH tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, vận động nhóm người trên tiếp tục tham gia BHYT hộ gia đình khi không còn được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Văn Thông