Yên Bái thực hiện chiến lược phát triển dân số đến năm 2030
- Cập nhật: Thứ tư, 14/7/2021 | 10:53:35 AM
YênBái - Những năm qua, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển, từng bước giải quyết các vấn đề mà dân số và phát triển đang đặt ra, trọng tâm là nâng cao chất lượng dân số.
Một buổi truyền thông về chính sách dân số và phát triển tại xã Y Can, huyện Trấn Yên.
|
Tỉnh Yên Bái chú trọng đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, cung cấp kiến thức, dịch vụ để thay đổi nhận thức và hành động của người dân về: tầm soát dị tật bẩm sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính; chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS)/KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên và tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Bà Hà Thị Mộng Hoài - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ cho biết: "Riêng 6 tháng đầu năm 2021, ngành dân số đã tổ chức 129 buổi hội nghị truyền thông chuyên đề, 305 buổi truyền thông tại cộng đồng, 80 buổi lồng ghép, cấp phát gần 10.000 tờ rơi, sách nhỏ tài liệu truyền thông, tổ chức 3 buổi sinh hoạt ngoại khóa ở trường học... Các mô hình câu lạc bộ (CLB) được duy trì với 85 CLB tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, 196 CLB người cao tuổi đã tổ chức hơn 500 buổi sinh hoạt, thu hút 8.000 lượt người tham gia”.
Đến nay, 95% số các cặp vợ chồng, phụ nữ, nam giới đã có hiểu biết cơ bản về chăm sóc SKSS; 70% số thanh niên dân tộc thiểu số được tuyên truyền về tác hại tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Mạng lưới cung cấp dịch vụ SKSS được đầu tư, củng cố, cung cấp cơ bản các dịch vụ cho nhân dân. Các trung tâm y tế tuyến huyện đã đảm bảo cung cấp dịch vụ SKSS thiết yếu toàn diện; hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp dịch vụ lưu động tại cơ sở. 100% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi, đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS, chăm sóc và bà mẹ trước, trong và sau sinh.
Các tỷ số của chất lượng dân số đang từng bước được nâng cao: tỷ lệ sàng lọc trước sinh bằng siêu âm đạt 77,1%, sàng lọc đủ quy trình đạt 10% tổng số ca sinh; 50% thanh niên trước khi đăng ký kết hôn được tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân, tác hại của phá thai; 70,2% các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại; số cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải bình quân giảm 2%/năm; 41,6% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, 91% có thẻ bảo hiểm y tế...
Tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển dân số đến năm 2030 của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 có 75% tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; giảm 30% trở lên số cặp tảo hôn, chấm dứt hôn nhân cận huyết thống; 50% số phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh bẩm sinh phổ biến; 70% số trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 loại bệnh phổ biến; tuổi thọ bình quân đạt 72 tuổi và chỉ số phát triển con người nằm trong nhóm khá của các tỉnh, thành phố khu vực trung du miền núi phía Bắc. Việc đầu tư nâng cao chất lượng dân số được xác định là một trong những giải pháp về nguồn lực để Yên Bái thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Hoài Anh
Tags Yên Bái dân số tảo hôn hôn nhân cận huyết thống
Các tin khác
Yên Bình hiện có trên 900 đối tượng là thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công (NCC) với cách mạng được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Yên Bái là một trong số ít các tỉnh, thành trong cả nước áp dụng số hóa, nhập dữ liệu và lưu trữ điện tử hồ sơ người có công. Bằng cách làm này, người có công và thân nhân người có công sẽ được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi các công việc liên quan đến thực hiện chính sách, chế độ, thủ tục hành chính, thích ứng với thời đại công nghệ số.
Thời tiết nắng nóng, bệnh dại từ chó, mèo có nguy cơ bùng phát là nỗi lo thường trực của nhiều người, nhất là khu vực nông thôn.
Tiền lương của cán bộ, công chức từ 01/7/2022 tính theo số tiền cụ thể căn cứ vào vị trí việc làm của từng đối tượng thay vì tính theo hệ số và mức lương cơ sở như hiện nay.