Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới là một chương trình tổng thể được triển khai tại 21 tỉnh khó khăn khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ từ năm 2016.
Yên Bái là một trong những tỉnh được hưởng lợi từ Chương trình với tổng vốn đầu tư tại địa bàn là 218.916 triệu đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới 187.495 triệu đồng, đối ứng ngân sách tỉnh 15.457 triệu đồng, nhân dân đóng góp 15.964 triệu đồng.
Mục tiêu của Chương trình gồm: xây dựng 11.000 đấu nối cấp nước nông thôn, 7.350 nhà tiêu hợp vệ sinh, 50 xã đạt vệ sinh toàn xã, xây mới và sửa chữa công trình nước và vệ sinh trường học tại 56 trường, xây mới và sửa chữa công trình nước và vệ sinh trạm y tế tại 58 trạm nhằm cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường (VSMT), tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sạch và VSMT nông thôn, góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện có hiệu quả, ngay từ khi triển khai Chương trình, tỉnh đã thành lập Ban điều hành Chương trình gồm các thành viên là các sở, ngành liên quan và lãnh đạo UBND các huyện thị, trong đó giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực Chương trình; Văn phòng giúp việc cho ban điều hành đặt tại Chi cục Thủy lợi tỉnh, đồng thời ban hành quy chế làm việc để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình.
Trong quá trình tổ chức thực hiện mặc dù gặp nhiều khó khăn vì cách tiếp cận Chương trình rất mới, trên phạm vi rộng và nhiều lĩnh vực, song với sự quyết tâm của các ngành, các địa phương dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, việc thực hiện các hợp phần của Chương trình đều đạt và vượt tiến độ đề ra.
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa được 27 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cung cấp nước sinh hoạt cho trên 11.000 hộ dân, hỗ trợ cho gần 6.000 hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh, góp phần đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 92% dân số nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 73,4% dân số nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của Chương trình đã sửa chữa và xây dựng mới 68 công trình cấp nước và vệ sinh trường học, 58 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế và hàng trăm hội nghị truyền thông, các lớp quản lý vận hành công trình góp phần nâng cao năng lực của người dân trong việc BVMT, nguồn nước, nâng cao sức khỏe cộng đồng, thúc đẩy công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương; đặc biệt góp phần đưa tỷ lệ dân số nông thôn có nước sạch đạt quy chuẩn của tỉnh đạt 11,3%.
Kết quả thực hiện Chương trình đến hết 2021, toàn tỉnh đã kiểm đếm 50/50 xã đạt 100%; số hộ gia đình được sử dụng nước từ hệ thống cấp nước bền vững được kiểm đếm 4.639/ 4.530 đầu nối, đạt 102%; số xã nơi trường học và trạm y tế duy trì được tình trạng vệ sinh được kiểm đếm 10/25 xã, đạt 40%; kế hoạch phát triển năng lực hàng năm đã được phê duyệt hoàn thành 6/5 kế hoạch, đạt 120%...
Dự kiến, năm 2022 sẽ hoàn thành số xã nơi trường học và trạm y tế duy trì được tình trạng vệ sinh, được đo lường hai năm sau khi được xây dựng và cải tạo được kiểm đếm 25/25 xã, đạt 100% mục tiêu Chương trình.
"Để thực hiện được các mục tiêu còn lại năm 2022, Yên Bái sẽ tiếp tục bố trí 1.800 triệu đồng để thực hiện nốt các nội dung còn lại của Chương trình như: hỗ trợ nhân dân xây dựng 1.436 nhà tiêu hợp vệ sinh còn lại theo mục tiêu Chương trình; can thiệp các hoạt động truyền thông, nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá tại 05 xã đạt tiêu chí bền vững sau 02 năm để hoàn thành và duy trì 25/25 xã đạt tiêu chí bền vững theo mục tiêu Chương trình; truyền thông, tăng cường năng lực, giám sát đánh giá thực hiện Chương trình đảm bảo cho các xã đạt tiêu chí bền vững sau 02 năm”, ông Trần Anh Văn - Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh cho biết.
Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, Yên Bái đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý vận hành công trình sau đầu tư, 27 công trình đều có quyết định giao cho UBND các xã quản lý về mặt tài sản và yêu cầu các xã thành lập các ban quản lý vận hành, các thành viên ban quản lý vận hành được đào tạo, tập huấn thường xuyên và được hỗ trợ kỹ thuật từ Chi cục Thủy lợi.
Đồng thời, xây dựng các phương án giá nước sinh hoạt trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở để thu phí sử dụng nước nhằm đảm bảo hoạt động của các công trình cấp nước an toàn, bền vững.
Có thể nói, Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới đã tạo điều kiện sinh hoạt của cộng đồng được cải thiện. Ý thức về VSMT của nhân dân có sự chuyển biến rõ rệt nhờ được truyền thông đầy đủ. Đồng thời, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh đang ngày càng trở nên phổ biến của nhân dân.
Các mục tiêu của Chương trình đã có tác động mạnh mẽ và phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đổi mới cách nghĩ, cách làm và chất lượng cuộc sống ở làng quê nông thôn, góp phần giúp Yên Bái hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Thủy Thanh