Điểm mới đặc biệt trong Điều lệ Hội là công nhận bổ sung quy định về hội viên danh dự nhằm ghi nhận, tôn vinh những người có tầm ảnh hưởng, đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ, hoạt động Hội, trong đó "Hội viên danh dự cũng có thể là nam giới”.
Theo khoản 2, Điều 3 của Điều lệ Hội LHPN Việt Nam: "Hội viên danh dự là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có uy tín, tầm ảnh hưởng, có đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, được cấp có thẩm quyền công nhận là hội viên danh dự”.
Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội có đặc thù về giới. Tuy nhiên, Đại hội đã xét từ yêu cầu thực tiễn thì không nên khuôn hẹp đối tượng hội viên. Hội cũng cần các thành viên có thể là nam giới để đồng hành, góp phần tích cực thực hiện công tác bình đẳng giới, tích cực trong các hoạt động của Hội.
Theo chia sẻ của nhiều cán bộ Hội LHPN, nhất là cán bộ Hội tại địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thì nội dung này là rất phù hợp và thiết thực trong hoạt động Hội.
Chị Hảng Thị Dông - Chủ tịch Hội LHPN huyện Trạm Tấu chia sẻ: Trạm Tấu là huyện vùng cao, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên phong trào phụ nữ phát triển chưa đồng đều; một bộ phận phụ nữ vẫn còn tâm lý tự ti, ỷ lại, hạn chế tiếng phổ thông, nhất là ở các bản làng sâu, xa.
"Tôi cho rằng, hội viên danh dự cũng có thể là nam giới là rất phù hợp và thiết thực với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vì nam giới có trình độ, uy tín và khả năng tuyên truyền, vận động ở vùng cao như: bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín trong dòng họ... sẽ luôn là người đồng hành và tham gia tích cực trong việc triển khai các hoạt động, phong trào của Hội Phụ nữ” - Chị Dông nói.
Còn chị Sùng Thị Lử - Chủ tịch Hội LHPN xã Bản Công, huyện Trạm Tấu bày tỏ quan điểm: "Với địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ thì nam giới cũng có nhiều lợi thế hơn phụ nữ trong việc đi lại, đồng thời là lực lượng hỗ trợ đắc lực đối với hoạt động nắm bắt và tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các hoạt động Hội đến đông đảo hội viên và nhân dân”.
Chung quan điểm về sự phù hợp này, chị Sùng Thị Mỷ - Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải bày tỏ: "Nam giới khi tham gia vào Hội sẽ hiểu Hội hơn, từ đó có thể có tiếng nói giúp tháo gỡ nhiều khó khăn trong công tác Hội với cấp ủy, chính quyền. Đồng thời, các anh cũng sẽ hiểu hơn, chia sẻ được nhiều hơn với chị em để động viên, hỗ trợ chị em trong công tác xã hội”.
Để việc tổ chức thực hiện kết nạp hội viên danh dự trong thời gian tới được triển khai hiệu quả, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo tổ chức Hội, cán bộ Hội phụ nữ các cấp bám sát vào Điều lệ của Hội, Hướng dẫn số 01, ngày 28/6/2022 của Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam về thực hiện Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XIII để tuyên truyền, phổ biến các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành hội viên danh dự đến đông đảo hội viên và nhân dân. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội để thu hút, vận động nhân dân tham gia tổ chức Hội.
Trong đó, chú trọng thu hút nam giới đồng hành cùng hội viên, phụ nữ; vận động đầy đủ các thành viên trong một gia đình tham gia các phong trào, hoạt động của Hội. Qua đó, lựa chọn những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để theo dõi, đào tạo và kết nạp vào hội viên danh dự theo quy định.
Cùng đó, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành động viên, khích lệ người có uy tín, tầm ảnh hưởng, có khả năng tuyên truyền, thuyết phục tích cực tham gia vào các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là tích cực tham gia đóng góp cho phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội để tự nguyện tham gia là hội viên danh dự của Hội.
Thu Hạnh