Năm 2021, thấy cơ thể mệt mỏi, sức khỏe giảm sút, chị Dương Thị Lý ở thôn Lương Thiện, xã Lương Thịnh đi khám thì phát hiện bị ung thư vú. Vừa hoang mang, lo lắng khi nhận kết quả mắc bệnh ung thư, chị Lý còn lo sẽ trở thành gánh nặng cho người thân. Nhưng với sự tư vấn và giải thích về quá trình điều trị và lợi ích rất lớn khi đã có thẻ BHYT, chị Lý đã yên tâm hơn và quyết tâm chữa bệnh.
Trước đây, chị Lý thuộc đối tượng được cấp thẻ BHYT theo đối tượng người dân tộc thiểu số. Ngay sau khi không còn thuộc đối tượng được cấp thẻ miễn phí, chị Lý được cán bộ BHXH huyện tư vấn, vận động nên tiếp tục mua thẻ BHYT. Khi mắc bệnh hiểm nghèo chị Lý mới thấy ý nghĩa nhân văn của tấm thẻ BHYT.
"Với những người bị bệnh ung thư như tôi, nếu không tham gia BHYT thì chi phí điều trị trong khoảng thời gian dài sẽ là quá sức đối với gia đình” - chị Lý chia sẻ.
Thường xuyên đau đầu, đau lưng, chị Lương Thị Diễn, thôn Phương Đạo 2, xã Lương Thịnh phải liên tục tái khám, lấy thuốc. May mắn chị tiếp tục tham gia BHYT ngay khi không còn được phát miễn phí thẻ BHYT dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, do vậy mỗi lần đến Trạm Y tế xã được cán bộ y tế kiểm tra bệnh, kê đơn cấp thuốc chị rất yên tâm.
Chị Lương Thị Diễn cho biết: "Sức khỏe mình không được tốt, kinh tế gia đình thì khó khăn nên ngay sau khi không được cấp thẻ BHYT miễn phí tôi đã đăng ký mua luôn. Có thẻ BHYT rồi tôi cũng yên tâm mỗi khi phải đi khám chữa bệnh”.
Những trường hợp như chị Diễn, chị Lý và nhiều người khác là minh chứng cho thấy việc tham gia BHYT là một hình thức tiết kiệm "đóng góp khi lành - để dành khi ốm” nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may ốm đau, bệnh tật.
Theo thống kê của BHXH huyện Trấn Yên, năm 2022 toàn huyện có hơn 107.220 lượt người đi khám chữa bệnh được quỹ BHYT thanh toán gần 23 tỷ 630 triệu đồng.
Ông Đỗ Tiến Mạnh - Phó Giám đốc BHXH huyện Trấn Yên cho biết: Khi tham gia BHYT, bên cạnh quyền lợi được quỹ BHYT thanh toán từ 80% - 100% chi phí khi khám chữa bệnh tùy từng đối tượng, thì người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên nếu bị bệnh sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
Người tham gia BHYT giảm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh khi ốm đau, đặc biệt đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh mãn tính điều trị kéo dài hay những bệnh cần phẫu thuật. Chính vì những ý nghĩa nhân văn đó mà trong những năm gần đây, việc phát triển số người tham gia BHYT đã trở thành một trong những chỉ tiêu quan trọng của đơn vị. Mục tiêu hướng đến là thực hiện có hiệu quả chính sách BHYT, mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng quyền lợi từ chính sách BHYT.
Thực hiện lộ trình bao phủ BHYT toàn dân, thời gian qua, BHXH huyện Trấn Yên đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhất là đối với nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình, trong đó phải kể đến hoạt động của các tổ chức dịch vụ thu.
Đến nay, toàn huyện Trấn Yên có 2 tổ chức dịch vụ thu BHYT hộ gia đình, trong đó có 85 điểm thu tại các xã, thị trấn với 111 nhân viên. Hệ thống thu BHYT ngày càng được nhân rộng tới cơ sở, kết hợp với các hoạt động tuyên truyền nên công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đã có sự thay đổi rõ rệt tại các địa phương.
Đến nay, số người tham gia BHYT trên địa bàn huyện Trấn Yên là hơn 77.700 người, chiếm gần 90% dân số. Với mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT năm sau cao hơn năm trước, BHXH huyện Trấn Yên đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ.
Trong đó việc đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng, đổi mới công tác truyền thông theo hướng tuyên truyền, vận động trực tiếp người dân tham gia BHYT được đặc biệt quan tâm. Nhờ những nỗ lực của ngành đã giúp nhiều người dân được hưởng lợi từ chính sách nhân văn này và góp phần bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Hồng Duyên