Bộ Nội vụ cho biết, vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Nội vụ được xác định trên cơ sở nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức. Việc xác định vị trí việc làm bảo đảm không tăng biên chế công chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo đó, 7 lĩnh vực trên đều có vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính và chuyên viên. Trong đó, vị trí chuyên viên cao cấp chỉ có ở cấp Trung ương, vị trí chuyên viên chính có ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, vị trí chuyên viên có ở cả ba cấp là Trung ương, tỉnh và huyện.
Vị trí chuyên viên cao cấp về tổ chức bộ máy chủ trì tham mưu tổng hợp, thẩm định, hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và chủ trì xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, dự án, đề án về tổ chức bộ máy, gồm tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương; tổ chức hội, tổ chức phi chính phủ. Đồng thời, chủ trì, tổ chức triển khai thực thi các nhiệm vụ chuyên môn theo mảng công việc được phân công.
Vị trí chuyên viên cao cấp về quản lý nguồn nhân lực chủ trì tham mưu tổng hợp, thẩm định, hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và chủ trì xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, dự án, đề án về quản lý nguồn nhân lực, gồm các mảng: quản lý cán bộ, công chức, viên chức và công vụ; quản lý biên chế; đào tạo, bồi duỡng cán bộ, công chức, viên chức; chính sách tiền lương; công tác dân chủ, dân vận; công tác thanh niên; công tác cán bộ nữ;... và các nội dung khác liên quan đến quản lý nguồn nhân lực.
Các vị trí chuyên viên cao cấp về địa giới hành chính; cải cách hành chính; thi đua, khen thưởng; quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ chủ trì tham mưu tổng hợp, thẩm định, hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và chủ trì xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, dự án, đề án tương ứng với các lĩnh vực của mình; chủ trì, tổ chức triển khai thực thi các nhiệm vụ chuyên môn theo mảng công việc được phân công.
Thông tư cũng quy định rõ quy trình công việc; nhiệm vụ, mảng công việc; tiêu chí đánh giá hoàn thành công việc; mối quan hệ công việc bên trong, bên ngoài; phạm vi quyền hạn cụ thể; các yêu cầu trình độ, năng lực (theo từng cấp độ) của mỗi vị trí việc làm.
Khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Nội vụ gồm 3 nhóm: năng lực chung, năng lực chuyên môn và năng lực quản lý. Mỗi nhóm có 5 cấp độ, cao nhất là cấp độ 5.
Trong đó, nhóm năng lực chung có các năng lực đạo đức và bản lĩnh, tổ chức thực hiện công việc, soạn thảo và ban hành văn bản, giao tiếp ứng xử, quan hệ phối hợp, sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Nhóm năng lực chuyên môn gồm khả năng tham mưu xây dựng, hướng dẫn, thẩm định, góp ý, kiểm tra việc thực hiện các văn bản và khả năng thực hiện hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ theo nhiệm vụ của vị trí việc làm. Nhóm năng lực quản lý có 5 tiêu chí: tư duy chiến lược, quản lý sự thay đổi, ra quyết định, quản lý nguồn lực, phát triển đội ngũ.
Cấp độ 5 đòi hỏi có năng lực chung là tạo dựng văn hóa dẫn dắt việc thực hiện đạo đức và bản lĩnh; trong tổ chức thực hiện công việc đưa ra được các định hướng chiến lược; có năng lực phân tích, đánh giá, phản biện, hoạch định chính sách; giao tiếp tốt về vấn đề mang tính chiến lược; sử dụng ngoại ngữ thành thạo… Với năng lực chuyên môn là chủ trì nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và văn bản của hệ thống chính trị hoặc của ngành, lĩnh vực công tác được phân công; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, thẩm định, góp ý các văn bản này và thực hiện hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Đối với nhóm năng lực quản lý, cấp độ 5 yêu cầu công chức có năng lực định hướng mục tiêu, chiến lược phát triển dài hạn cho cơ quan, đơn vị/ ngành, lĩnh vực/ địa phương; nghiên cứu, đề xuất tiến hành những thay đổi, cải tổ cơ bản trong cơ quan, đơn vị; tham mưu, đề xuất quyết định có ảnh hưởng lớn đến uy tín, hoạt động của cơ quan, đơn vị; tham gia huy động nguồn lực trong và ngoài cơ quan, đơn vị; tạo môi trường phát triển, hoàn thiện kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm.
Trong khi cấp độ 1 yêu cầu công chức xác định được mục tiêu, kế hoạch công việc cho bản thân; nghiên cứu, đề xuất thực hiện tiến trình thay đổi trong công việc; tham mưu, đề xuất quyết định dựa theo nguyên tắc, quy trình có sẵn; thực hiện công việc tiết kiệm, hiệu quả; chia sẻ kiến thức, chuyên môn với đồng nghiệp.
Thông tư quy định, năng lực quản lý của chuyên viên ở cấp độ 1-2, năng lực chuyên môn và năng lực chung ở cấp độ 2-3. Năng lực quản lý của chuyên viên chính ở cấp độ 2-3, năng lực chuyên môn và năng lực chung ở cấp độ 3-4. Năng lực quản lý của chuyên viên cao cấp ở cấp độ 3-4, năng lực chuyên môn và năng lực chung ở cấp độ 4-5.
(Theo Tin Tức)