Trong năm 2022, BHXH tỉnh đã chủ động đẩy mạnh việc CĐS, tạo ra những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác của ngành, người dân và DN theo phương châm "Lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ”.
Ông Phạm Công Cường - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: "BHXH tỉnh Yên Bái đã thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam trong ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS, khai thác cơ sở dữ liệu của ngành BHXH để phục vụ người dân, DN, tạo điều kiện tối đa cho người dân và DN trong việc giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đảm bảo kịp thời, nhanh chóng, chính xác”.
Với mục tiêu chuyển sang nền hành chính phục vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng sự hài lòng của người dân, DN; BHXH tỉnh đã chủ động bổ sung, hoàn thiện, kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu chung trong toàn ngành với các sở, ngành.
Theo đó, BHXH tỉnh đã tích cực chia sẻ dữ liệu với các đơn vị liên quan như: phối hợp với Cục Thuế tỉnh trao đổi thông tin về tổ chức và cá nhân trả thu nhập từ tiền lương để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động (NLĐ) theo quy định, góp phần hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT cho NLĐ thuộc diện tham gia; kết nối với Bộ Công an, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH; chia sẻ dữ liệu với Sở Tư pháp để cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Hiện nay 100% trẻ sau khi có Giấy khai sinh sẽ có luôn thẻ BHYT nhờ sự kết nối liên thông này.
Trong năm 2022, BHXH tỉnh Yên Bái đã cấp trên 13.000 thẻ BHYT trẻ em qua liên thông dữ liệu với Bộ Tư pháp.
Hiện nay, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công (DVC) trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) của ngành; tích hợp, cung cấp 20 DVC thuộc 14 TTHC của BHXH Việt Nam trên Cổng DVC quốc gia, 7 DVC trên ứng dụng VssID.
Trên cơ sở các DVC trực tuyến của ngành do BHXH Việt Nam cung cấp, BHXH tỉnh đã tổ chức triển khai hiệu quả giao dịch điện tử đối với các lĩnh vực tham gia BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chính sách BHXH, BHYT, BHTN tới các đơn vị sử dụng lao động và người tham gia.
Thông qua điện thoại thông minh hoặc máy tính có kết nối mạng Internet, các tổ chức, cá nhân chỉ cần truy cập để thực hiện các TTHC và nhận lại kết quả giải quyết tại địa chỉ mình đăng ký, giúp tiết kiệm thời gian, công sức đối với đơn vị, doanh nghiệp và người dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Kết quả năm 2022, đã có 2.500 đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử, đạt tỷ lệ 93%.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh cũng chủ động phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động, các tổ chức ủy quyền thu BHXH, BHYT cập nhật bổ sung số định danh cá nhân (ĐDCN), căn cước công dân (CCCD) của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội vào cơ sở dữ liệu quản lý.
Đồng thời, tăng cường cài đặt, phê duyệt sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số. Trong năm 2022, BHXH tỉnh đã triển khai cài đặt được gần 120.000 ứng dụng VssID cho người dân, NLĐ trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường truyền thông việc triển khai khám chữa bệnh (KCB) BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp. Đến nay, toàn tỉnh có 199 cơ sở KCB BHYT đã phối hợp thực hiện và triển khai tiếp đón người bệnh đi KCB BHYT bằng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VNEID (áp dụng đối với công dân đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp).
Theo BHXH tỉnh, đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có gần 80.300 lượt tra cứu sử dụng CCCD, trong đó có gần 53.200 lượt tra cứu thành công CCCD gắn chíp phục vụ KCB BHYT; đã có 192/199 cơ sở KCB BHYT có bệnh nhân đến KCB bằng thẻ CCCD.
Cùng với đó, BHXH tỉnh duy trì tốt việc kết nối, liên thông dữ liệu KCB BHYT với 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý KCB, giám định BHYT điện tử và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT.
Với mục tiêu: "Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm” năm 2023, BHXH tỉnh Yên Bái tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, triển khai mạnh mẽ việc CĐS toàn diện và hiệu quả. BHXH tỉnh phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành.
Cùng với đó, ngành cũng sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, tạo thuận lợi cho việc giải quyết TTHC trên môi trường mạng.
Phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan đơn vị và các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn đẩy mạnh truyền thông đến người tham gia BHYT về việc sử dụng CCCD gắn chíp để KCB BHYT; rà soát, cập nhật thông tin và hoàn thiện cơ sở dữ liệu của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của ngành, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn.
Hồng Duyên